Liên tiếp những vụ đuối nước thương tâm
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh, mỗi năm có hơn 600 trẻ em dưới 15 tuổi chết do đuối nước.
Theo thông tin cho biết, đầu giờ chiều 29/3, 5 nữ sinh lớp 6 trường THCS Chu Văn An (xã Ia O, huyện Ia Grai) rủ nhau đi tắm hồ cách trường khoảng 2 km. Trong đó, một nữ sinh không xuống tắm. Khi thấy các bạn đuối nước, em này hoảng sợ chạy về làng gọi người ra cứu. Lúc người dân chạy đến thì cả 4 em đã tử vong dưới hồ.
Sau khi xảy ra vụ việc đau lòng trên, các cơ quan chức năng đã xuống hiện trường động viên, chia sẻ và hỗ trợ gia đình mỗi nạn nhân 3 triệu đồng.
Cách đây 1 tuần, tại ấp Nam Nghĩa, xã Tân Ân Tây (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) cũng xảy ra một vụ đuối nước thương tâm khiến 3 bé gái tử vong khi tắm sông. Trong 3 nạn nhân tử vong thì có hai chị em ruột và bé còn lại cũng là bà con trong nhà.
Các bước xử lý khi trẻ bị đuối nước
Khi phát hiện trẻ bị đuối nước, hãy nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước, đặt trẻ nằm ở nơi khô ráo và thoáng khí. (Ảnh minh họa)
Mùa hè là dịp các bé thích nghịch nước. Vì thế, đây cũng là lúc có rất nhiều nguy hiểm rình rập trẻ như bị đuối nước. Một vài kỹ năng xử lý sau đây sẽ giúp ích cho bố mẹ trong việc ứng cứu kịp thời lúc trẻ bị đuối nước.
Khi phát hiện trẻ bị đuối nước, hãy nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước, đặt trẻ nằm ở nơi khô ráo và thoáng khí. Đồng thời, bố mẹ nhớ quan sát lồng ngực của con để kiểm tra xem trẻ có bị bất tỉnh hay không.
Bước 1: Nếu trẻ ngừng thở thì lập tức hô hấp nhân tạo: áp miệng sát vào mũi và miệng trẻ, sau khi lấy hơi thổi 2 cái liên tiếp (1 lần thổi cách nhau 4 giây). Bạn cần kiểm tra tim trẻ còn đập hay không bằng cách áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim đập không hoặc có thể bắt mạch.
Bước 2: Nếu tim ngừng đập, bạn dùng 2 bàn tay đan xen giữa các ngón, thực hiện ép tim ngoài lồng ngực kết hợp hô hấp nhân tạo: ép ½ dưới của xương ức bên trái đều đặn theo nhịp tối đa 30 lần và xen kẽ 1 lần thổi ngạt 2 cái liên tiếp. Thực hiện ép tim kèm thổi ngạt cho đến lúc tim trẻ đập trở lại.
Bước 3: Sau khi thực hiện xong, thấy bé tự thở được nên cho bé nằm nghiêng một bên, giữ ấm và đưa đến bệnh viện gần nhất để tránh tình trạng xấu xảy ra.
Lưu ý: Không vác trẻ chạy lòng vòng hoặc xốc nước theo cách của dân gian, cách này chỉ làm chậm thêm cơ hội cứu sống trẻ, vốn chỉ có 5-6 phút “vàng” mà thôi.
Cách phòng tránh trẻ bị đuối nước
Bố mẹ nên cho trẻ học bơi sớm. (Ảnh minh họa)
Hầu hết các vụ đuối nước chủ yếu là do trẻ không biết bơi. Để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, hãy thực hiện những biện pháp phòng tránh hợp lý sau đây:
– Khi trẻ đi đi bơi ở ao hồ, sông, biển… phải có sự giám sát của người lớn.
– Không cho trẻ nhảy xuống vùng nước mà không biết là nông hay sâu, vùng biển hay sông lạ chưa từng có người tắm.
– Không cho trẻ ăn no trước khi xuống hồ bơi.
– Chỉ cho trẻ đi bơi ở những nơi có người giám sát, nhân viên cứu hộ.
– Nên mặc áo phao khi di chuyển trên những phương tiện đường thủy.
– Trong nhà có trẻ nhỏ, những vật dụng như lu, vại, chum, chậu nước lớn… cần phải được che chắn, đậy kín cẩn thận.
– Không cho trẻ chơi, đùa nghịch gần sông suối, ao hồ để tránh bị ngã xuống hồ.
– Khi tắm biển, nên tắm gần bờ để tránh bị cuốn ra xa.