Một bé gái 18 tháng tuổi ở Doncaster (Anh) tuy đã cai sữa nhưng luôn “nghiện” vú giả. Trong một lần ngậm núm vú giả, không may phần núm vú làm bằng cao su bị tuột ra, rơi vào cổ họng cô bé.
Bé gái bị bị vật rơi vào cuống họng không thở được, tím tái mặt mày và suýt tử vong. May mắn, mẹ em phát hiện kịp thời và nhanh chóng lôi được phần núm vú ra khỏi cổ họng con.
Anh Earl Wilson, phụ huynh bé gái đã chia sẻ câu chuyện trên và gửi lời cảnh tỉnh tới các bậc phụ huynh. Con gái anh không phải trường hợp duy nhất gặp rắc rối với núm vú giả. Một bà mẹ khác cũng lên tiếng cho biết, con chị từng gặp tình trạng tương tự nhưng may mắn, được mọi người phát hiện và lấy ra.
Mọi người cần ý thức hơn nữa về việc cho con sử dụng vú giả như một thói quen.
Không thể phủ nhận những tác dụng của núm vú giả như nó giúp bé ngủ ngon, vui vẻ, giúp phụ huynh có nhiều thời gian làm việc, đỡ phải “đánh vật” với con cái… Nhưng bên cạnh đó, ngậm vú giả quá lâu hay không đúng cách cũng gây ra những hậu quả khôn lường cho bé yêu. Dưới đây là những tác hại của vú giả khiến chúng ta giật mình:
Ngậm vú giả khiến bé không hứng thú với sữa mẹ
Mặc dù phần núm vú bằng cao su đã được các nhà sản xuất làm giống y hệt núm vú của mẹ, nhưng điều này không hoàn toàn “qua mặt” được những đứa trẻ nhạy cảm. Thường xuyên ngậm vú giả, khi đã quen với vú giả thì những đứa trẻ này sẽ không còn hứng thú khi… ngậm vú thật. Hậu quả là trẻ không được cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ bởi chúng lười bú mẹ.
Nguy cơ viêm tai giữa
Nghe thật kì lạ, vì có thể nhiều người sẽ nghĩ bé ngậm vú giả ở miệng, tại sao lại bị viêm tai giữa? Theo một nghiên cứu đến từ Trung tâm y khoa, Đại học Utrecht cho biết: Việc trẻ sử dụng núm vú giả khi bị sổ mũi, vi khuẩn từ chất tiết trong mũi sẽ dễ dàng xâm nhập vào tai, gây ra bệnh viêm tai giữa. Nếu không phát hiện kịp thời, hành động tưởng chừng vô thưởng vô phạt này còn mang lại những hậu quả đáng sợ hơn nữa.
Nhiễm khuẩn
Bé ngậm vú giả không thể tránh khỏi trường hợp làm chúng rơi xuống đất. Bé lại vô tư nhặt lên, bỏ vào miệng ngậm… Điều này khiến cho vi khuẩn có điều kiện xâm nhập vào cơ thể.
Các vấn đề về răng miệng
Hàng loạt các vấn đề về răng miệng cũng được hình thành nếu bé quá đam mê với núm vú giả: răng bị mọc lệch, xiêu vẹo, lệch khớp cắn, răng hàm dưới bị chìa ra…
Quá phụ thuộc vào núm vú giả
Khi đã quá quen với việc sử dụng núm vú giả, nếu đột nhiên bị “cắt” khoản viện trợ này, bé sẽ quấy khóc khiến ba mẹ khó dỗ dành. Thậm chí, có nhiều bé còn thay thế núm vú giả bằng cách… mút tay hay nguy hiểm hơn là đưa các dị vật thay thế vào miệng.
Phải làm thế nào để sử dụng núm vú an toàn cho con?
Về kích thước: Kích thước núm vú giả phải vừa miệng bé và phù hợp với từng độ tuổi. Tốt nhất là nên chọn những chiếc núm vú có hình dáng gần giống với vú thật của mẹ, càng tốt.
Về chất liệu: Các chất liệu an toàn như cao su thiên nhiên có độ dẻo, là sự lựa chọn đứng đắn khi phụ huynh lựa mua núm vú cho con. Tuyệt đối đừng vì tiếc rẻ mà mua những loại núm vú thô cứng.
Trước khi ngậm núm vú và cách bảo quản: Trước khi cho bé ngậm núm vú giả, phụ huynh nên luộc, hấp chúng trong nước sôi khoảng 5 phút để tiệt trùng sau đó để khô. Bảo quản trong hộp có nắp đậy để tránh gió bụi.
Thời gian thay núm vú: Hạn sử dụng thích hợp của núm vú giả trung bình là 1,5 tháng. Phụ huynh không nên cho con sử dụng núm vú giả quá lâu, lưu ý trường hợp chúng bị cũ, rách…
Không lạm dụng vú giả: Hãy cố gắng dỗ dành khi bé khóc, thay vì lạm dụng vú giả cho bé nín khóc. Khi thấy bé không có biểu hiện đòi vú giả, phụ huynh cũng nên giả bộ quên bẵng điều đó đi. Đừng cho con lạm dụng núm vú giả nếu thực sự muốn tốt cho chúng.