Mẹ&Con - Hô hấp, tiêu chảy, thủy đậu, tay chân miệng là những bệnh đe dọa sức khỏe của các bé sau Tết. 4 sai lầm nguy hiểm khi chăm con bị thủy đậu Mẹ bị thủy đậu, con dễ bị dị tật bẩm sinh Kỹ thuật sơ cứu nghẹt thở do dị vật đường hô hấp ở trẻ nhỏ

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), lượng trẻ đến khám và điều trị các bệnh trên đang có dấu hiệu gia tăng. Mỗi ngày, bệnh viện này phải tiếp nhận hàng trăm ca viêm tiểu phế quản, tiêu hóa và hàng chục ca thủy đậu, tay chân miệng. Một số trường hợp bị biến chứng phải nằm viện.

4 bệnh dễ tấn công trẻ sau kỳ nghỉ Tết 5

Thủy đậu đang bắt đầu vào mùa dịch mới. (Ảnh: Thiên Chương)

Rối loạn tiêu hóa – tiêu chảy

Bệnh dễ xảy ra sau kỳ nghỉ Tết với các bé được bố mẹ đưa về quê thăm ông bà hoặc đi chơi khiến thay đổi môi trường sinh hoạt dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Số khác mắc bệnh do ăn nhiều thức ăn, uống nhiều nước ngọt hoặc ăn các loại thức ăn để tủ lạnh nhiều ngày.

Cách tốt nhất khi trẻ bị tiêu chảy là cho bé uống nhiều nước và ăn đủ dinh dưỡng để có sức đề kháng. Với những trẻ bị sốt cao khó hạ, đi tiêu phân có máu, ngủ li bì khó đánh thức, bị co giật, cha mẹ phải đưa con đến ngày cơ sở y tế gần nhất.

Bệnh hô hấp

Viêm tiểu phế quản, ho, cảm do nhiễm siêu vi, viêm tai giữa, viêm phổi cũng là những bệnh lý hay gặp ở trẻ sau Tết. Trẻ thường bắt đầu bằng những cơn ho, có thể kèm theo sổ mũi, sốt, trong đó khoảng 70% trẻ tự khỏi bệnh số, còn lại bị viêm đường hô hấp dưới dẫn đến bệnh nặng hơn. Một số bé bị viêm tiểu phế quản có thể chuyển sang hen suyễn.

Để phòng bệnh, phụ huynh cần bảo vệ trẻ khỏi mưa, gió lùa, tránh cho trẻ nằm trong phòng điều hòa quá lạnh; tránh cho trẻ tiếp xúc với những người đang bị bệnh.

Phụ huynh nên cho trẻ ăn uống đủ chất để tăng sức đề kháng. Khi thấy trẻ có biểu hiện thở nhanh, khó thở hoặc ngủ li bì, cần đưa đến bác sĩ để khám và điều trị.

Bệnh thủy đậu

Bệnh có chu kỳ từ tháng 2 đến tháng 6, người bệnh sẽ lây cho những người xung quanh. Nhiều bé bị lây bệnh từ mẹ.

Quan niệm sai về cách điều trị khiến bệnh càng nặng hơn. Không ít trường hợp mẹ trùm con kín cho trổ trái rạ nhiều mà không biết cách làm này dễ khiến trẻ bị nặng hơn. Một số người kiêng nước, kiêng gió, kiêng ăn nhưng đây là cách làm sai. Người miền Nam thường dùng nước gốc rạ để tắm cho trẻ hoặc cho bé uống nước tro từ gốc rạ, đây cũng là cách làm phản khoa học.

Điều cần thiết hơn cả là cắt móng tay cho bé, không để bé ăn ngọt vì dễ ngứa dẫn đến bé gãi và vỡ mụn nước. Bố mẹ không cần tắm bằng xà phòng kháng khuẩn cho con, chỉ tắm sạch sẽ bình thường và dùng thuốc bôi ngoài da cùng thuốc đặc trị.

Can thiệp sớm bằng bôi thuốc chống sẹo khi bé bị thủy đậu là không có tác dụng. Sẹo thâm có thể hết đi trong 6 tháng nhưng với sẹo lõm hoặc lồi thì không thể khỏi vì bị nhiễm trùng. Chính vì thế, bố mẹ chỉ cần tắm cho trẻ thật sạch sẽ.

Tiêm chủng là cách duy nhất phòng bệnh. Phụ nữ chuẩn bị mang thai nên tiêm khoảng 1 đến 3 tháng trước khi có thai. Nếu tiêm xong sau đó phát hiện mang thai thì cũng không nên hoang mang vì khả năng ảnh hưởng là rất thấp. Trẻ cần được tiêm nhắc sau 3 tháng để đảm bảo không bị mắc bệnh.

4 bệnh dễ tấn công trẻ sau kỳ nghỉ Tết 6
Bệnh tay chân miệng cũng khiến nhiều trẻ bị biến chứng rất nặng. (Ảnh: Thiên Chương)

Bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng do nhóm virus đường ruột gây nên. Nếu mắc virus Coxsakie A16 vốn lành tính, bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày. Riêng virus Entero 71 và một số tuýp virus khác có thể gây biến chứng ở não và tim, nếu chậm cấp cứu có thể tử vong. Các thống kê cho thấy, có khoảng 50% trẻ mắc bệnh do virus Entero 71.

Những dấu hiệu thường thấy là trẻ sốt nhẹ, đau họng, đau miệng, chảy nước miếng, bỏ bú (ăn). Thông thường, trẻ mắc tay chân miệng bị nổi những vết loét đỏ ở miệng, xuất hiện nhiều ở vòm miệng, môi trong, lợi, lưỡi và dạng bóng nước, hoặc vết nổi cộm trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Tuy nhiên, cũng có ít trường hợp trẻ mắc bệnh mà không có biểu hiện này.

Khi thấy trẻ sốt hơn 39 độ C và có những triệu chứng khác như bứt rứt, khó ngủ, quấy khóc hoặc ngủ li bì, thỉnh thoảng giật mình và giơ hai tay lên thì cha mẹ nên nghĩ đến tình trạng biến chứng, cần đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời. Bệnh nghiêm trọng hơn khi trẻ lừ đừ, run chân tay, trợn mắt, rung giật cơ, tim nhanh, mạch nhanh, thở nhanh.

Cách phòng bệnh duy nhất là giữ gìn vệ sinh môi trường mà bé tiếp xúc, nên rửa sạch các vật dụng như đồ chơi, bàn ghế, sàn nhà, tay nắm cửa, cầu thang, bình sữa và tránh cho bé tiếp xúc với những trẻ nghi bị mắc bệnh.

Theo Ngôi sao

Tags:

Bài viết liên quan