Chào chuyên gia!
Gần cả tuần nay, các chị em trong văn phòng đang bàn luận rôm rả về chủ đề “Tại sao các ông chồng hết giờ làm lại thích la cà ở bên ngoài hơn là về nhà với vợ?”. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi người mỗi cảnh mà chúng tôi lại là phái nữ, đang bức xúc về vấn đề này nên dường như ai cũng muốn giành phần đúng về mình. Để tạo sự công bằng và cũng là cho mình cơ hội hiểu chồng hơn nên tôi muốn nhờ chuyên gia tư vấn giúp những lý do nào khiến các ông chồng thích ở bên ngoài hơn? Có phải nguyên nhân là do chúng tôi không? Xin cám ơn!
Tiểu Yến (Q. Tân Phú)
Điều tôi rất mừng khi nhận được thư của bạn là bạn có cái nhìn khá khách quan, thay vì quy tội cho các ông chồng thì bạn lại muốn tìm hiểu những nguyên nhân xuất phát từ phía người vợ. Trên thực tế, việc chồng thích la cà bên ngoài xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Trong bài viết này, tôi chỉ chia sẻ với bạn về những người chồng nghiêm túc, có trách nhiệm với gia đình nhưng vì vợ cư xử không khéo nên vô tình đẩy chồng la cà bên ngoài nhiều hơn.
Lý do 1: Hôm nào vợ cũng cằn nhằn chuyện con cái, tiền nong nên ở ngoài thoải mái hơn
Sau một ngày làm việc mệt mỏi, điều đầu tiên chồng mong muốn khi bước vào tổ ấm là nhìn thấy vẻ mặt tươi tắn của vợ. Vì vậy, đàn ông sẽ không vui vẻ gì nếu bắt gặp cái nhíu mày khó chịu hay câu nói khó nghe của vợ. Nhiều khi chồng về trễ vì kẹt xe, công việc gặp trục trặc thì chính bản thân họ cũng bực mình rồi, vậy mà họ chưa kịp giải thích thì vợ đã mặt nặng mày nhẹ. Thái độ cằn nhằn của vợ lặp lại nhiều lần khiến chồng không còn cảm giác mái nhà là mái ấm để nghỉ ngơi, thư giãn sau ngày làm việc căng thẳng. Thôi thì…đi cho khỏe!
Lý do 2: Vợ thích chỉ đạo, thể hiện quyền uy nên chồng không muốn về nhà dù đôi lúc thấy có lỗi với gia đình.
Phụ nữ giỏi giang thường tạo cho chồng sự tự ti, mặc cảm vì bị lép vế, không chứng tỏ được năng lực bản thân. Nếu vợ cư xử không khéo, coi thường bạn đời chỉ làm tâm lý các ông chồng thêm nặng nề, thích ra ngoài chứng tỏ giá trị bản thân.
Bên cạnh đó, nhiều bà vợ có suy nghĩ sai lầm khi chăm chồng như con nít, bắt chồng phải theo ý mình và tự quyết mọi chuyện. Chính sự ôm đồm và cầu toàn quá mức càng đẩy chồng ra khỏi nhà nhanh hơn.
Lý do 3: Bên ngoài có bạn bè và nhiều mối quan hệ khác làm mình vui vẻ, trong khi về nhà lại thấy trống trải dù có vợ con bên cạnh
Cảm giác trống trải giữa vợ chồng thường xuất phát từ sự thiếu sẻ chia, cái tôi của mỗi người quá lớn nên khi giận hờn, người này chờ người kia làm lành vì bản thân họ thấy không có lỗi. Những suy nghĩ này khiến khoảng cách vợ chồng xa dần, khó hòa giải được. Lâu ngày, chồng nhận ra vợ không phải là nơi gửi gắm tâm sự, nỗi niềm…
Tâm lý đàn ông khi gặp khó khăn, bế tắc trong công việc thường thích gặp bạn bè vì đó là nơi lý tưởng để họ tán dóc, nói chuyện vô thưởng vô phạt mà không bị vợ soi mói, trách móc.
Lý do 4: Vì sĩ diện, bạn bè đi mà mình về thì mất mặt nên đành “phóng theo lao”
Vợ có bao giờ nghe chồng than: Thật ra nhậu cũng mệt lắm em à. Nếu có, vợ cũng đừng cười nhạo chồng nhé, vì câu nói đó đôi khi là thật lòng đấy. Đàn ông vốn sĩ diện, bạn rủ nhậu mà từ chối thì sợ mọi người gọi là sợ vợ, hèn nhát… nên đi cho đáng mặt đàn ông. Các ông chồng thường nghĩ “Vợ giận thì dễ dỗ dành chứ làm phật lòng bạn bè thì mai mốt biết ngẩng mặt nhìn ai?”.
Lý do 5: Vợ quá bận rộn, về nhà cũng chẳng có không khí gia đình nên la cà ở ngoài cho khỏe thân
Nhiều người vợ hiếm khi về nhà sớm vì đặc thù công việc hoặc mãi lo kiếm tiền mà quên mất chồng con. Hoặc khi về nhà thì vợ lại chúi đầu vào công việc, không hỏi han, chia sẻ với các ông chồng khiến họ cảm thấy dư thừa trong chính ngôi nhà của mình. Ở nhà cũng bằng không, thôi thì ra ngoài gặp vài chiến hữu tán gẫu sẽ thú vị hơn.
Lý do 6: Việc nhà cửa, con cái đã có vợ lo nên về trễ hoặc lâu lâu qua đêm cũng chẳng sao
Đàn ông đôi khi vì quan niệm cố hữu việc nhà cửa, chăm con cái là việc của phụ nữ nên đã để cho vợ một mình gánh hết trách nhiệm. Trên thực tế, nhiều người vợ cũng tự nhận hết trách nhiệm về mình. Trong trường hợp này, người vợ cũng không nên ôm đồm mọi việc, nhẹ nhàng tâm sự những khó khăn hiện tại và nhờ anh ấy giúp đỡ từ những việc nhỏ nhặt nhất. Đừng vội than vãn hay kể công nhé!
Chuyên viên tâm lý Vũ Cẩm Vân (Hội phó Hội quán Các bà mẹ TP HCM)