Hàng loạt nhân viên, nhân công thất nghiệp. Giá vàng tăng cao, các chi phí sinh hoạt đắt đỏ, những kế hoạch “đầu tư sinh lời” của gia đình tan như bong bóng xà phòng, không khéo lại còn nợ nần chồng chất… Tất cả những khó khăn thời suy thoái khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng không ít đến những mái ấm, những gia đình bé nhỏ…
“Em sợ về nhà, cứ về nhìn con cái nheo nhóc là… phát chán!”
Nghe câu “phát biểu” của một người mẹ trẻ (mới 28) tuổi thế này, nhiều người hẳn sẽ cau mày: “Nói gì lạ vậy? Làm phụ nữ mà sợ về nhà, rồi than chán chồng chán con nữa chứ?” Thế nhưng, có ở trong hoàn cảnh của chị Thu Hồng (Quận 9) mới “thấu” được nỗi khổ tâm của chị khi thốt lên lời than vãn như thế.
Hay vợ chồng đều ở tận miền Trung vào Sài Gòn lập nghiệp, tằn tiện đủ điều mới dám sinh đứa con đầu lòng. Bé vừa đầy năm thì bắt đầu nảy sinh khủng hoảng kinh tế. Cơ sở may mặc nơi chồng làm việc gần như đóng cửa, chỉ hoạt động cầm chừng. Anh thất nghiệp, chạy vạy khắp nơi nộp hồ sơ nhưng chẳng nơi nào chịu nhận.
Rồi con vì phải “dứt” sữa mẹ khá sớm cho mẹ đi làm nên cũng quặt quẹo, đau yếu luôn. Tiền sữa, tiền thuốc, chi tiêu trong gia đình cái gì cũng tăng. Bao nhiêu ghánh nặng dồn hết lên vai người mẹ trẻ. “Biết đang giai đoạn rất dễ thất nghiệp, mất việc nên em phải ráng giữ chỗ, làm ngày làm đêm… mong chủ thương, đừng cho nghỉ. Nhiều hôm mệt rã rời, về đến nhà lại tới phiên chăm con. Có bữa con khắp cả đêm không ngủ được miếng nào, khổ tâm nhất là những xào xáo trong gia đình nữa…”
Quả thật, đúng như chị Hồng nói. Bên cạnh những vất vả ráng vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn, thì những xào xáo trong gia đình chính là chuyện “đau đầu” dễ làm người ta suy sụp nhất. Không ít người đàn ông vẫn rất yêu vợ thương con, nhưng đụng lúc thất nghiệp, bế tắc, bi quan lại mang “mặc cảm” đang là ghánh nặng gí đình, sống “bám”. Thế là lại bắt đầu tỏ ra… bản lĩnh đàn ông bằng cách “nhậu”!
Chị Trang (Q. Thủ Đức) chán nản: “Chồng mình ban đầu thất nghiệp, cũng ráng kiếm việc… nhưng kiếm mãi vẫn chả được việc gì. Thế là ảnh chán đời, ngày nào cũng “sương sương” vài xị với bạn bè rồi tỏ ra bất cần gia đình, chẳng muốn phụ giúp gì em. Đã thế lại hay gây gổ, em nhờ việc gì ảnh cũng cáu lên: “Giờ cô tưởng tôi thất nghiệp rồi cô có quyền sai bảo tôi hả?” Chán không kể xiết.
Đồng vợ đồng chồng vượt qua cơn khủng hoảng
Thất nghiêp, rồi những làm ăn thua lỗ, nợ nần… trong giai đoạn này đang là mối nguy cơ đe dọa không ít gia đình trẻ. Tuy vậy, như một câu hát từng viết: “Những gian nan sẽ đo lòng người”. Không ít cặp vợ chồng khác lại… hiểu nhau hơn, cảm giác chia sẻ với nhau nhiều hơn cũng chính từ những cơn khủng hoảng ấy.
“Quan trọng là cả vợ lẫn chồng đừng tự ái trong lúc này. Hãy thật sự dẹp bỏ những suy nghĩ hời hợt, nông cạn như mình đang sống bám, dễ bị người kia coi thường hoặc ngược lại, coi thường cằn nhằn vợ/ chồng chỉ vì đang lúc túng thiếu, khó khăn. Tất cả đều có thể vượt qua nếu đồng lòng, bình tĩnh phân công lại công việc trong gia đình, sắp xếp chi tiêu… như vậy sẽ đủ sức vượt qua cơn sóng gió”. – Thạc sĩ Tâm lý Trịnh Thị Thu Hiền (tổng đài) 1080 chia sẻ.
Vợ chồng chị Điệp, anh Tùng (Q.6) rất tâm đắc với lời khuyên này, chính vì bản thân họ đã từng trải qua những tháng ngày như thế. “Cuối năm tôi cũng thất nghiệp, cảm thấy mọi thứ như chao đảo vì lương chồng không tài nào đủ xoay sở, con thì còn quá nhỏ. Thế nhưng hai vợ chồng đã ngồi lại với nhau, bàn bạc kỹ lưỡng đủ điều. Tôi dám mở luôn cả… hàng xôi chè bán trước nhà (Điều mà trước đây chỉ nghĩ đó là việc làm dành cho người “lao động chân tay”. Chứ mình cũng ăn học đầy đủ, sao lại đi làm mấy việc ấy?)
Mọi thứ cứ thế ổn dần… Tôi nhận ra, có ít tiêu ít, có nhiều tiêu nhiều. Biết chịu khó cân đối, cố gắng động viên nhau thì rồi cái gì cũng qua. Thương nhất là trong lúc khó khăn này, càng thấm thía thêm tình yêu thương của chồng, con cái với nhau. Tôi không mong gì hơn thế!”.
Tương tự như vậy, gia đình chị Anh Phi (Q.10) cũng vẫn giữ được tiếng cười: “Nói thật, khó khăn thì bây giờ khó khăn chung. Nhìn con thiếu thốn, nhìn những bữa cơm gia đình càng lúc càng phải gói ghém hơn thì đúng là nhiều lúc rất nản lòng… Nhưng tôi vẫn luôn tự động viên mình, gì thì gì cũng ráng đừng để gia đình xào xáo. Hai vợ chồng có gì khó khăn cũng kể cho nhau nghe, nên thấy rất bình yên khi có một người luôn ở bên mình. Chúng tôi còn bàn nhau cả giải pháp tạm về quê. Có thể cuộc sống ở quê còn vất vả hơn, nhưng dù gì cũng còn có ông bà phụ thêm”.
Khó khăn rồi sẽ qua, cơn “khủng hoảng” nào rồi cũng có hồi kết thúc nhưng chính những điều vợ chồng, con cái đối xử, làm cho nhau lúc này sẽ còn đọc lại mãi. “Có không ít cặp vợ chồng nộp đơn xin… ly dị trong thời điểm này, với lý do là kinh tế gia đình suy giảm mà người kia cứ cằn nhằn, gây gổ mãi, mệt mỏi quá. Tôi thật sự thấy tiếc khi phải tư vấn cho những trường hợp ấy, bởi vợ chồng bền chặt hay không chính là lúc này. Và dù có chuyện gì đi nữa, cũng phải nghĩ đến con. Chia tay nhau chỉ vì những sóng gió kinh tế bên ngoài, thì tội cho con còn quá nhỏ…”. Chuyên gia tâm lý Thu Hiền cho biết.
Mẹo nhỏ giúp gia đình bạn vượt qua sóng gió thời kì khủng hoảng
– Từ khi lập gia đình, nên bắt đầu có một “quỹ dự phòng” để tránh những lúc ngặt nghẽo này.
– Nên ngồi lại với nhau, cân đối thu chi. Hãy tiết kiệm bất cứ khoản gì có thể, để cùng vượt qua khó khăn.
– Hạn chế tối đa sự cãi vã hay tự ái, trút thêm ghánh nặng nên người kia. Nhớ rằng rượu bia hay những cách tiêu cực như bỏ nhà đi suốt ngày… chẳng giải quyết được gì và chỉ càng làm cho người bạn đời của mình thêm vất vả.
– Thật chú ý đến cách xử sự của mình trong gia đình (nhất là người phụ nữ). Những câu nói mỉa mai, cằn nhằn trách cứ (khi người kia đang thất nghiệp) chỉ làm tình hình thêm căng thẳng.
– Và cuối cùng, luôn nghĩ đến con. Con cái chính là động lực quan trọng để giúp vợ chồng bạn xoay sở, vượt qua những lúc thế này.