1. Đừng ép bé ăn
Chẳng ai lại thích thú khi bị ép buộc chuyện gì cả, bạn cũng thế mà bé cũng thế. Vì vậy, quên ngay việc cứ dọa nạt, quát tháo, đánh bé hay phạt đủ kiểu để bắt bé ăn. Những phản ứng tâm lý sẽ càng khiến trẻ ngần ngại việc ăn uống, thêm vào đó bé dễ bị nôn, sặc… rất nguy hiểm trong quá trình ăn đầy “ép buộc” đó.
Thay vào đó…
Nên cho bé tham gia càng sớm càng tốt vào những bữa ăn gia đình đầm ấm, quây quần. Không khí vui vẻ, những câu chuyện trò giữa các thành viên, vẻ ngon miệng của mọi người sẽ kích thích bé lười ăn tự động đòi nếm thử món này, món kia. Nếu ba mẹ có điều kiện hơn nữa, hãy hướng dẫn bé tham gia vào quá trình chuẩn bị bữa ăn. Những việc làm nho nhỏ như lặt rau, bày chén bát, vo gạo… coi vậy mà có tác dụng tích cực hơn bạn tưởng tượng. Nó giúp trẻ luôn thấy háo hức, mong nếm thử “thành quả” của mình.
2. Đừng để bé ăn quá lâu
Có nhiều trẻ đã học đến lớp 3, lớp 4 mà vẫn chờ mẹ… đút cơm hoặc ăn một mình thì “nhơi” cả tiếng đồng hồ, vừa ăn vừa xem tivi. Ăn uống quá lâu như vậy khiến cha mẹ mệt mỏi và chính bé cũng càng ngày càng “ngán ngẩm” với bữa cơm.
Thay vào đó…
Bạn nên tập cho bé thói quen khi ăn cơm không nên chơi đùa, xem tivi. Mỗi bữa ăn chỉ kéo dài 20 – 30 phút, bé cần tập trung vào việc ăn. Nếu bé ăn quá ít, có thể chia thành nhiều bữa khác nhau. Bên cạnh bữa chính, bữa phụ bạn cho trẻ nếm thêm một ít trái cây, sữa chua, ly sữa… Đặc biệt, nên tập cho trẻ tự múc cơm thay vì cứ đi theo đút hoài cho trẻ.
Trẻ biếng ăn, nỗi lo lắng khôn nguôi của mẹ. (Ảnh minh họa)
3. Thiết lập “bảng theo dõi” tình hình ăn uống của con
Nghe có vẻ hơi buồn cười, nhưng thực tế đây là trường hợp rất khoa học. Nhiều bà mẹ chỉ nhìn cân nặng của con và ước đoán chung chung theo kiểu: “Nó ăn ít lắm” mà không hề biết chính xác trẻ ăn mỗi ngày bao nhiêu, trẻ thiếu chất gì, cần bổ sung gì…
Thay vào đó…
Bạn nên có một bảng theo dõi tình hình ăn uống của con ngay từ khi còn bé. Hãy ghi chép lại mỗi ngày bạn cho con ăn món gì, con thích món nào, không thích món nào? Cân nặng của con, lời khuyên của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn của con. Tất cả những thông tin ấy đều hết sức hữu ích cho con bạn. Mỗi tháng một lần, bạn có thể gặp để trao đổi thêm với bác sĩ về chế độ dinh dưỡng của trẻ. Bằng cách này, bạn sẽ nắm bắt được rất cụ thể thực đơn hàng ngày của bé để điều chỉnh cho phù hợp
4. Hãy để bé có cơ hội “đòi ăn”
Rất nhiều bà mẹ tìm đủ mọi cách để ép con ăn, nhưng không nhận ra rằng con bị ép ăn quá nhiều đến nỗi chưa bao giờ con thực sự có cảm giác thèm ăn cả. Bạn đừng lo rằng bé sẽ “kinh khủng” lắm nếu bị đói, hay bé ốm thì sao?
Thay vào đó…
Thực tế, chỉ cần bạn thử để bé đói xem. Bé sẽ chủ động đi… đòi bạn cho ăn, và ăn ngon lành hơn hẳn. Nhớ rằng, “chiêu thức” này chỉ dành cho bé lười ăn, nhằm giúp bé ăn ngon miệng hơn thôi. Trường hợp ngược lại, bé béo phì thì bạn cần kiểm soát chặt chẽ để bé không bị bỏ đói. Vì một khi đã đói cơ thể sẽ có xu hướng tích tụ, “để dành” năng lượng nhiều hơn (vì sợ đói lần nữa), dẫn đến cơ thể càng béo phì nhanh.
5. Tránh xa chiếc tivi và trò đi rong
Khi thấy con ngán ngẩm với chuyện ăn, không ít bà mẹ bày ra cách “dụ dỗ” mới là cho bé xem ca nhạc, xem tivi, xem phim hoạt hình… Đây là việc không nên chút nào vì cách thức bới một tô cơm, vừa ăn vừa xem tivi chính là cách “hại” bao tử của bé nhanh chóng nhất.
Thay vào đó…
Tập cho con “kỷ luật” ăn uống. Hễ ăn là ngồi vào bàn, tập trung ăn cùng với mọi người. Ăn xong phải nghỉ ngơi khoảng 10 phút chứ không ngồi lì một chỗ. Hãy biết rằng khi thị giác, thính giác của trẻ bị chi phối bởi những hình ảnh, màu sắc bên ngoài (ví dụ xem tivi), thì bé không thể nào thưởng thức và thấy ngon với những gì mình đang “măm măm” được.
Một số “chiêu” nhỏ mẹ cần biết
– Nên cho bé quyết định chúng sẽ ăn bao nhiêu. Não bộ của trẻ thừa sức làm được điều này. Bạn chỉ cần chuẩn bị một bữa ăn đầy đủ chất, trẻ sẽ biết chúng cần bao nhiêu. Nếu trẻ đói, chúng sẽ có nhu cầu tăng cường thêm bữa phụ.
– Cần kiểm soát chặt chẽ việc ăn quà vặt của bé, không nên cho bé cứ hở một chút là lại “chóp chép”. Nước ngọt cũng cần hạn chế. Nếu bé đói, chỉ cho bé ăn vài chiếc bánh lạt hay uống một hộp sữa nhỏ là được.
– Trên 1 tuổi đã bắt đầu phải cho bé tự múc cơm ăn. Đừng bao giờ để con bạn học đến lớp 2, lớp 3 mà vẫn chỉ chịu ăn khi… mẹ đút.
– Đừng bao giờ để trẻ phải ngồi trước mâm cơm to đùng, đầy nhóc. Một ít thức ăn trong cái đĩa sẽ khiến trẻ thấy hào hứng khi “hoàn thành nhiệm vụ” hơn. Mẹ nhỏ cho bạn là nên để trẻ được phép chọn bộ đồ ăn (tô, muỗng, chén…) theo ý thích, và có màu sắc tươi vui càng tốt.
– Bạn cần đưa con đến bác sĩ nếu thấy bên cạnh việc bé lười ăn, trẻ có các triệu chứng thèm ăn như sụt cân, tiêu chảy, sốt, nôn ói…