Con đi du học, đang đợt thi “bên bển” nên không về được. Con email thăm hỏi cả nhà, chúc Tết bố mẹ. “Vòi” mẹ gửi hình bánh chưng, hình cây mai, hình đường hoa Nguyễn Huệ cho đỡ nhớ. Tết thời @ ngày càng có những dấu hiệu khác với Tết cổ truyền xưa. Mà không chỉ nhà mình, một số gia đình con cái không hề đi du học cũng đã lên kế hoạch từ hôm đưa ông Táo, rằng Tết này sẽ chỉ ở nhà ngày 30 và mồng 1. Tối mùng 1 là đã lên xe, thẳng tiến đến một… khu du lịch nào đó “trốn” khách, tận hưởng không khí của những resort ngày nghỉ cho đến tận mùng 5 đi làm lại.
Đã vơi đi nhiều nét truyền thống xa xưa
Không hề bi quan, nhưng phải nhìn nhận rằng ở Sài Gòn bây giờ, không khí Tết rất khác so với chừng chục năm về trước. Đa số những gia đình trẻ luôn có xu hướng Tết là dịp để… đi chơi. Gia đình một người họ hàng của tôi, chồng sinh năm 1978, vợ sinh năm 1981 cả hai khẳng định: “Chúng em để dành hẳn 7 – 8 ngày phép năm còn lại, cộng dồn với nghỉ Tết thành một kì nghỉ dài dài rồi cứ thế đăng kí một chuyến du lịch xa. Ban đầu cả nhà cũng la dữ lắm, bảo rằng Tết nhất phải ở nhà chứ sao lại lang thang ngoài đường thế kia? Nhưng có đi thử mới biết, nghỉ Tết như thế sướng chết đi được. Không phải tiếp khách, không phải cờ bạc rượu chè mờ mịt từ sáng đến tối. Vợ chồng hoàn toàn riêng tư, có những giây phút bên nhau, nghỉ ngơi thư giãn sau cả năm trời vất vả. Toàn đi dạo, tắm biển, ăn uống, ngủ lấy sức, xem tivi, đọc sách rồi lại còn cà phê cà pháo trò chuyện với nhau… thích lắm!”.
Không còn là vợ chồng son, đã có đứa con trai 8 tuổi nhưng vợ chồng anh Dũng – chị Giao, những người bạn của tôi cũng chọn giải pháp về quê vợ đón Tết và… đi chơi luôn. “Giáp Tết là dọn dẹp nhà sơ sơ rồi bay ra Bắc. Ở chơi với gia đình, chúc tụng nhau 1 – 2 ngày sau đó thì xin phép đi du lịch. Nhịp sống Sài Gòn khá tất bật, thật sự một năm người ta chỉ có duy nhất kì nghỉ Tết là đủ dài. Nếu cứ ăn Tết kiểu truyền thống, cà kê chúc tụng hết nhà người này đến nhà người khác thì… đến hết Tết cũng chẳng có khoảng thời gian nào dành cho riêng mình hay vợ chồng, con cái”.
Ý nghĩ này kể cũng có cái đúng, vì quả thật so với Tết truyền thống, những cái Tết thời @ có phần gọn nhẹ, tiết kiệm thời gian và tiện lợi hơn. Nói đơn giản, ngày xưa khi chúng tôi còn nhỏ cứ mỗi dịp Tết là con cháu nghe vừa thích vừa… sợ. Thích thì khỏi nói rồi, còn sợ? Đơn giản vì trước khi được nghỉ Tết, từ ngày giáp Tết đến tận 30, cả nhà đầu tắt mặt tối với đủ thứ công việc dọn dẹp khác nhau. Nào quét dọn, lau chùi, nào sơn sửa nhà cửa, nào lôi hết nồi liêu xoong chảo ra bắt chà cho sạch bóng, rồi giặt giũ, chà chà… Bánh mứt thì toàn tự làm, suốt mấy ngày Tết có thèm đi chơi cách mấy cũng phải è cổ ra mà đãi đậu, xắt dừa, rim thơm làm mứt.
Suốt mấy ngày Tết thì mệt thôi là mệt với chuyện khách khứa đến thăm và… chuyện cúng. Nói phải tội, nhưng quả thật cứ hình dung cảnh ngày cúng 3 lần, bữa cơm cúng nào cũng phải đầy đủ hết các món cần thiết thì chỉ riêng việc cúng không cũng đủ bay vèo cái Tết. Khách đến thăm thì tiếp tốp này chưa xong, đã thấy tốp kia. Vừa mong tết, vừa… sợ Tết là cảm xúc rất thật, của nhiều người chứ không phải của riêng ai.
Thế nhưng, Tết xưa cũng có bao điều đáng nhớ
Mẹ chồng tôi đôi lúc vẫn thở dài: “Tết nhất bây giờ buồn lắm, con cháu ghé sang mừng tuổi chừng buổi sáng là kéo nhau đi tuốt luốt hết…!” Nghĩ lại, thấy quả là những cái Tết thời @ có gọn đó, có giản tiện đó, có nhàn tản sung sướng như kì nghỉ đó… nhưng cũng vơi đi nhiều thứ không thể không kể đến.
Rất nhiều người, dù ngày xưa than sợ Tết, mệt mỏi đừ đẫn với Tết nhưng bây giờ khi lớn tuổi vẫn luôn hoài niệm về những ngày Tết đầy ắp không khí gia đình. Vui lắm chứ! Anh em quây quần bên nhau quanh nồi bánh chưng, mệt thì có mệt, đừ thì có đừ… nhưng vui. Ngồi kể cho nhau nghe từng kỷ niệm ngày xưa, rồi hỏi han, rồi dặn dò nhau đủ thứ. Bánh mứt ăn cũng thấy thích hơn, vì cầm mỗi chiếc bánh lên đều biết đây là món đặc trưng, món “ruột” của mỗi gia đình. Nhà này chuyên làm mứt sen ngon, nhà kia rim mứt thơm vừa ăn nổi tiếng… Chứ bây giờ, mở khay mứt của nhà nào nhà nấy đều… giống hệt nhau. Toàn những thứ bánh mứt bán ở siêu thị, như “sinh sản vô tính” giống nhau từ bao bì đến hương vị.
Chưa kể, Tết cổ truyền còn là dịp hội họp thiêng liêng của cả gia đình, dòng họ để mọi người biết mặt, làm quen, biết những sự thay đổi, phát triển của nhau. Như gia đình tôi ngày xưa, chính nhờ mỗi dịp Tết con cháu đông như kiến, quây quần gần cả trăm người trong họ mà mọi người mới có cảm giác gần gũi. Chứ bây giờ, chỉ qua một vài đời, nhiều đứa cháu đã hoàn toàn không biết mặt anh em họ của mình. Quanh năm suốt tháng đi làm đã đành, đến Tết cũng chỉ biết chúc ông bà cha mẹ vài câu rồi vợ chồng con cái rủ nhau đi “trốn Tết” ở một địa điểm du lịch nào đó, có khi còn ra nước ngoài thì làm sao mà anh em trong dòng họ biết nhau?
Mỗi quan hệ họ tộc cứ thế xa dần, khi không khí ngày Tết cổ truyền cũng xa dần. Ngày xưa, con cháu phiêu bạt nơi đâu cũng ráng kéo về sum họp mấy ngày Tết dưới một mái gia đình. Cái cảm giác Tết hoàn toàn khác với ngày thường. Khác từ trong bữa ăn đến những trò chơi, đến những tấm áo mới khiến lòng xôn xao xúc động… Tết bây giờ coi chừng giống một “kì nghỉ dài ngày” hơn. Lãnh tiền thưởng Tết xong, tất cả vào siêu thị mua từng xe đẩy các loại thức ăn, bánh mứt rồi mới gọi dịch vụ dọn dẹp nhà. Rồi chơi được một ngày với gia đình, sau đó trở về với không gian riêng tư, tách biệt.
Có lẽ nhiều bạn trẻ nghĩ rằng tôi “cổ hủ” khi nói như… bà già thế? Nhưng cứ hình dung, bây giờ mỗi gia đình chỉ có từ 1 – 2 đứa con. Con cái lớn lên rồi đi học xa, rồi mải miết đuổi theo những ước vọng của mình. Rồi đến một lúc nào đó, con cái có vợ có chồng, ngày Tết con chỉ quay về chúc mình được một câu, sau đó lại trốn đi… du lịch. Tết thời @, hình dung hai vợ chồng già lủi thủi trong nhà, bên những món ăn mua về từ siêu thị… Quả thật nếu không biết cân đối, giữ gìn, trân trọng những truyền thống gia đình, những ý nghĩa thiêng liêng từ Tết thì chẳng lâu nữa đâu, chừng vài chục năm cái viễn cảnh ấy đã là “hiện thực” với chính những ông bố, bà mẹ thích đi “trốn Tết” như chúng ta rồi!