Xót xa cô gái trẻ bị kẻ lạ đâm kim tiêm vào ngực
Tháng 12-2015, trên đường đi làm tại khu công nghệ cao quận 9, L. cùng 9 nữ công nhân khác bị kẻ lạ mặt nghi nhiễm HIV đâm kim tiêm vào ngực. Do sức khỏe yếu và chịu tác dụng phụ của thuốc chống phơi nhiễm HIV, L. vẫn không chống chọi được với “án tử”. Cô trút hơi thở cuối cùng vào những ngày cuối cùng của năm 2016, tròn 1 năm kể từ khi bị kẻ lạ mặt đâm kim tiêm vào người.
Sơ cứu vết thương khi bị kim tiêm đâm vào người
Khi bị kim tiêm đâm, rửa vết thương dưới vòi nước chảy ít nhất 5 phút. (Ảnh minh họa)
Theo khuyến cáo của các tham vấn viên thuộc Ủy ban phòng chống HIV/AIDS (TP.HCM), khi chẳng may bị vật nhọn đâm vào người, bạn không được dùng tay nặn máu. Bởi như vậy dễ làm niêm mạc và mạch máu bị vỡ, tạo điều kiện cho vi rút xâm nhập.
Trước hết, khi bị đâm kim tiêm mọi người phải thật bình tĩnh, lấy những vật gây tổn thương ra khỏi cơ thể. Sau đó rửa vết thương dưới vòi nước chảy ít nhất 5 phút để máu và dịch lây nhiễm bị trôi đi. Tiếp theo dùng băng gạc băng vết thương để cầm máu. Trường hợp bị dịch tiết hoặc máu của người nghi nhiễm HIV bắn vào mắt, mũi và miệng, bạn phải rửa sạch hoặc súc miệng thật kỹ với nước muối sinh lý 0,9% trong khoảng 5 phút.
Sau khi thực hiện xong các bước sơ cứu, bạn hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ tiến hành xét nghiệm và điều trị phơi nhiễm trong vòng 72 giờ để đạt hiệu quả tốt nhất. Trong quá trình điều trị, khi chưa xác định được có nhiễm HIV hay không, bạn cần phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh cho mọi người xung quanh.
Khi đến cơ sở y tế, nếu có thể bạn hãy mang theo mẫu kim tiêm đến để xét nghiệm. Dựa vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ lây nhiễm và chỉ định điều trị dự phòng thông qua tình huống phơi nhiễm.