Chào chuyên gia!
Tôi năm nay 35 tuổi, cách đây 5 năm tôi bị người bạn hùn hạp làm ăn chung lừa chiếm tài sản và trong một lần say xỉn, do không kiềm chế được bản thân nên tôi đã làm bạn trong thương, phải “bóc lịch” và mới mãn hạn tù gần 2 tháng nay. Ai không gặp hoàn cảnh như tôi mới hiểu được cảm giác ra khỏi trại giam như thế nào, vui và nhẹ nhõm lạ thường. Hôm đó, vợ chồng tôi đã ôm nhau mừng mừng tủi tủi, tôi tự hứa với lòng sẽ bù đắp cho cô ấy những mất mát trong thời gian qua.
Về nhà chưa được một tuần, tôi háo hức gửi hồ sơ xin việc nhưng thấy thất vọng vì hầu như nơi nào cũng ái ngại với lý lịch của mình. Cuối cùng tôi chấp nhận che tấm bạt nhỏ trước phòng trọ để bán xăng và vài thứ lặt vặt cho khách vãng lai. Thật ra điều đó đối với tôi là bình thường, cái tôi buồn nhất là thái độ của vợ mình. Tôi biết gần 5 năm qua, cô ấy đã vất vả thế nào khi phải một mình chăm con nhỏ, vừa chạy tới chạy lui chăm chồng. Vì vậy, tôi cố gắng phụ giúp vợ chuyện nhà, đưa đón con đi học nhưng cô ấy lúc nào cũng cằn nhằn, khó chịu. Tôi vừa ra khỏi nhà là cô ấy đã gọi điện thoại giục về vì sợ đi nhậu rồi làm bậy như lần trước. Bạn cũ lâu ngày tới thăm, mâm rượu vừa bày ra, vợ đã rào trước đón sau làm chồng ê mặt, bạn cũng cụt hứng, quên luôn ý định giới thiệu thằng bạn một chỗ làm mới. Đám cưới con cậu Hai, mấy ông anh rể rủ tôi đi tăng hai, cốt là tạo điều kiện để thằng em cột chèo xóa bỏ mặc cảm tù tội thì cô ấy nói phát một “Đi rồi ẩu đả nhau thì tui không còn nhà để bán đâu”. Vậy là cô ấy khóc lóc và kể công. Còn tôi chỉ biết cúi đầu im lặng, vợ kể công thì khác nào đang kết tội tôi là gánh nặng gia đình.
Bây giờ tôi thấy buồn và lạc lõng vô cùng! Tôi phải làm gì để vợ hiểu rằng tôi đang cố gắng sống và làm việc tốt?
T. T (Q.4)
Tôi rất thông cảm cho tâm trạng hiện tại của bạn và cũng hiểu được tâm trạng của người vợ trong hoàn cảnh này. Thông thường, người vừa ra tù sẽ thấy nhẹ nhõm vì không còn là gánh nặng của gia đình nhưng vẫn chưa thoát khỏi cảm giác mặc cảm và chưa kịp cân bằng cuộc sống. Vì vậy, nếu vợ của bạn không bỏ qua “vết đen” quá khứ và tạo điều kiện để chồng tái hòa nhập với chính gia đình mình thì người vừa ra tù chẳng khác nào tiếp tục chịu “án treo” ngay tại tổ ấm.
Trên thực tế, cuộc sống sau này của người vừa ra tù phụ thuộc rất nhiều vào cách ứng xử của người bạn đời. Tôi nghĩ trong hoàn cảnh này, hơn ai hết vợ là người luôn bên cạnh an ủi và tin tưởng bạn đời bằng cách tạo cơ hội để họ sửa chữa sai lầm thì người vừa ra tù thấy tự tin, tràn trề năng lượng để cân bằng cuộc sống.
Ngược lại, nếu vợ cứ suốt ngày chì chiết, xem việc bạn đời vào tù là một “trọng tội” không thể tha thứ thì bản thân bạn rất dễ bi quan, buông xuôi thậm chí còn hành động nông nổi. Dù người vừa ra tù là phái yếu hay phái mạnh thì họ đều cần một điểm tựa vững chắc từ gia đình. Công bằng mà nói, sự sa chân lỡ bước của người này cũng có một phần trách nhiệm của người kia.
Cũng như bạn, trong cuộc sống có rất nhiều trường hợp mà người vướng vào vòng lao lý chỉ vì một phút bồng bột hoặc thiếu hiểu biết, quá tin người khác. Vì vậy, bạn hoàn toàn có cơ hội trở thành một người đàn ông tốt, có trách nhiệm với gia đình.
Trước hết, bạn cứ tiếp tục mưu sinh bằng cách vừa buôn bán lặt vặt, vừa tìm hiểu công việc phù hợp với khả năng. Bạn cứ làm việc thật chăm chỉ, đó chính là câu trả lời cho sự cố gắng của bạn và cũng là cách củng cố niềm tin với bạn đời chứ không phải là những câu hô hào sáo rỗng hay những cuộc nhậu triền miên. Bên cạnh đó, bạn cũng cần thông cảm cho cách ứng xử của vợ. Phụ nữ thường lo xa và rất sợ cảnh người thân vào tù nên có thể sự lo sợ ấy, nhất là khi chồng vừa ra tù đã đè nặng lên tình cảm và sự cảm thông. Trong trường hợp này, bạn cần kiểm soát cảm xúc để vợ chồng không xảy ra mâu thuẫn.
Điều cuối cùng tôi muốn nhắn nhủ với vợ của bạn là: Hãy tin chồng mình, nhưng đó là niềm tin có chừng mực chứ không phải là cả tin hoặc bù đắp sự thiếu thốn của chồng vô điều kiện. Tôi không nói bạn xấu nhưng cái gì vượt quá giới hạn cũng không tốt, bạn ạ!
Chuyên viên tâm lý Trần Thị Hồng Hà