Cường giáp (basedow) là chứng rối loạn chức năng tuyến giáp nguồn gốc tự miễn rất thường gặp ở các thai phụ với tỷ lệ 1/1.500. Bệnh nội tiết phổ biến thứ hai sau đái tháo đường thai kỳ, với một số triệu chứng gợi ý như tim đập nhanh, tăng cân không đều, nôn nhiều bất thường…
1. Nguyên nhân của cường giáp thai kỳ
Để giải thích cho nguyên nhân của chứng cường giáp thai kỳ, các chuyên gia cho rằng khi bạn mang thai, nhu cầu nội tiết tố tuyến giáp tăng đến 50% gây nên những thay đổi đáng kể về chức năng của tuyến giáp.
Bệnh khiến cho cơ thể tạo ra kháng thể immunoglobin kích thích tuyến giáp hoạt động mạnh, tiết ra nhiều hóc môn thyroxin gây rối loạn chuyển hóa.
Bên cạnh đó, bệnh còn có những nguyên nhân khác như do sự gia tăng quá mức nồng độ hCG, viêm tuyến giáp hay bướu nhân độc tuyến giáp…
Cường giáp có thể tái phát ở người từng mắc bệnh có liên quan đến tuyến giáp hoặc xuất hiện mới trong khi bạn mang thai.
2. Biểu hiện
Khác với biểu hiện bướu cổ đơn thuần do thiếu I ốt, ngoài triệu chứng tuyến giáp to ra thành bướu cổ, cường giáp thai kỳ còn có những dấu hiệu như tim đập nhanh trên 100 lần/phút, tay run, da nóng ẩm, mạch nhanh, mắt lồi.
Thêm vào đó, khi tuyến giáp hoạt động quá mạnh, các mẹ bầu còn có thể có cảm giác khó chịu với tăng thân nhiệt, khẩu vị thay đổi, đường huyết tăng, thị lực kém… Trường hợp này mẹ bầu cần phải được thăm khám và chữa trị kịp thời để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi.
Trên thực tế, vẫn có một số trường hợp cường giáp chỉ mang tính tạm thời, với tần suất là 1,5-3% thai phụ. Lúc này, mẹ bầu cũng có biểu hiện nôn nhiều, sút cân, mất nước, rối loạn điện giải, nhịp tim nhanh. Tuy nhiên, bệnh nhân chỉ cần điều trị nội khoa là ổn định được tuyến giáp. Một số ít thai phụ bị mất nước, rối loạn điện giải nặng nề mới phải cần được nhập viện để điều trị.
3. Ảnh hưởng đến thai kỳ
Khi mang thai, bệnh cường giáp sẽ khiến cho nồng độ thyoxin trong máu mẹ tăng cao. Hóc môn này sẽ theo máu mẹ qua nhau thai đi vào thai nhi. Theo đó, thai nhi cũng có hiện tượng tăng nhịp tim, có thể lên đến 160 lần/phút.
Một số ảnh hưởng nghiêm trọng khác của basedow là làm suy giáp thai nhi, thai nhẹ cân, sẩy thai sớm (tỷ lệ cao hơn 26% so với người bình thường), sinh non (tỷ lệ cao hơn 15% so với người bình thường).
Bệnh cũng có thể để lại những tật bẩm sinh như dị tật hệ thần kinh trung ương, bất thường vòm khẩu, thậm chí là khiến thai chết lưu…
Thêm vào đó, trong một số trường hợp, cường giáp còn có thể gây tiền sản giật, nhau bon gnon, suy tim cung lượng cao và tạo nên những cơn cường giáp cấp (còn gọi là bão giáp), gây tử vong ở mẹ.
Chính vì lẽ đó, những bệnh nhân mắc bệnh cường giáp muốn có thai thường được các bạn sĩ khuyên cố gắng chữa khỏi trước khi làm mẹ. Nếu chẳng may mắc bệnh trong thời gian mang thai, bác sĩ sẽ hết sức cân nhắc khi dùng thuốc để đảm bảo thai nhi ít bị ảnh hưởng nhất.
4. Phương pháp điều trị
Hiện nay, có 3 phương pháp chính dùng đề điều trị bệnh cường giáp là điều trị nội khoa, can thiệp ngoại khoa và điều trị I ốt phóng xạ.
Với những người bình thường, can thiệp bằng ngoại khoa và phương pháp điều trị I ốt phóng xạ là hai trong nhiều phương pháp sẽ được chỉ định điều trị vì đạt hiệu quả cao.
Tuy nhiên với phụ nữ mang thai, cả hai phương pháp này đều không phải là lựa chọn an toàn vì chúng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi và nguy hiểm hơn là có thể phá hủy tuyến giáp hoặc gây suy giáp vĩnh viễn ở thai nhi.
Vì lẽ đó, thông thường các bác sĩ sẽ chọn giải pháp điều trị nội khoa bằng cách cho bà mẹ thuốc kháng giáp tổng hợp với liều thấp nhất có thể (trong khoảng 200-300 mg PTU mỗi ngày) để đảm bảo nồng độ các hóc môn tự do ở bào thai không bị tác động quá nhiều.
5. Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bị cường giáp
– Tăng cường chất đạm và thực phẩm giàu năng lượng để chống lại tình trạng suy nhược, sút cân khi mang thai. Mẹ bầu đừng quên chia thức ăn thành nhiều bữa nhỏ, uống nhiều nước.
– Hạn chế tiêu thụ đường là cách để khôi phục lượng hóc môn khỏe mạnh trong cơ thể. Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng nên hạn chế tinh bột để giữ ổn định chỉ số đường huyết. Bí quyết cho mẹ là dùng lúa mạch, lúa mì, gạo lức thay cho các loại gạo thông thường.
– Tăng cường thức ăn giàu kẽm và canxi bằng cách tăng cường thịt nạc, hải sản, rau bó xôi và quả kiwi…
– Ưu tiên chọn các loại rau củ, trái cây có nhiều kali, phốt pho và goitrogenic như chuối, dừa, cải bắp, súp lơ… Bên cạnh đó, mẹ bầu nhớ đừng bỏ qua các nguồn trái cây chứa nhiều vitamin A và E giúp chống lại tình trạng mệt mỏi, kiệt sức như xoài, đu đủ, cà rốt, cam, chanh…
6. Lời khuyên của bác sĩ cho mẹ cường giáp
– Lý tưởng nhất là điều trị bệnh ổn định trước rồi hẵng lên kế hoạch có thai.
– Tuy nhiên, nếu đang trị mà “lỡ” có thai thì vẫn giữ thai được. Các nghiên cứu đều cho thấy thuốc kháng giáp có rất ít ảnh hưởng đến thai.
– Đối với mẹ bị Basedow khi có thai mà không điều trị thì gần như 100% sẽ bị các biến chứng như: sảy thai, đẻ non, cơn cường giáp cấp, trong khi nếu được điều trị tốt các nguy cơ trên gần tương đương như đối với người không mắc bệnh.
– Mục tiêu của việc điều trị cường giáp thai kỳ là dùng thuốc kháng giáp liều thấp nhất, miễn sao đưa được hormon giáp về giới hạn cao của bình thường. Với biện pháp dùng thuốc uống, loại thuốc kháng giáp thường được dùng là propyl-thio-uracil (viết tắt là PTU). Thuốc này có thể dùng được trong thời gian mang thai trong trường hợp cần thiết và hầu như không ảnh hưởng đến thai nhi.
– Các bà mẹ bị cường giáp vẫn có thể sinh ra được những em bé khỏe mạnh. Tuy nhiên, trong quá trình này cả mẹ và bé đều nên được theo dõi kỹ lưỡng, đều đặn bởi bác sĩ chuyên khoa sản và bác sĩ chuyên khoa nội tiết.
– Nên sinh con ở những bệnh viện có đủ phương tiện xét nghiệm, con của các mẹ bị cường giáp sẽ được kiểm tra về bệnh tuyến giáp ngay lúc sinh, chủ yếu là làm xét nghiệm máu để đánh giá chức năng tuyến giáp.
– Bệnh Basedow thường cải thiện trong suốt thời gian mang thai, đôi khi tự thuyên giảm. Tuy nhiên 3 tháng sau khi sinh là khoảng thời gian bệnh dễ diễn biến nặng hơn, nên cần được theo dõi sát sao.
– Basedow là bệnh tự miễn nhưng không rõ nguyên nhân. Bệnh mang yếu tố di truyền và nữ giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn 5-10 lần so với nam giới.
– Độ tuổi mắc bệnh nhiều nhất trong khoảng 20 – 40. Bệnh có thể khởi phát khi bạn nhiễm vi khuẩn hoặc vi rút, điều trị lithium, ăn quá nhiều I ốt hay ngừng điều trị corticoide…
Theo sự tư vấn của TS.BS Lê Thị Thu Hà – Trưởng khoa Hậu sản M, Bệnh viện Từ Dũ