Mẹ&Con – Kính áp tròng vốn là một thiết bị y tế được dùng để điều chỉnh các tật về mắt, đồng thời đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ và sự thuận tiện cho người sử dụng. Khi dùng kính áp tròng, bạn nên lưu ý đến những vấn đề sau đây để đảm bảo an toàn cho sức khỏe nhé. 7 cách hay giúp mẹ đánh bay bọng mắt Cách giữ đôi mắt khỏe mạnh khi làm việc Những thói quen gây nguy hiểm cho mắt

Đi khám trước khi đeo kính áp tròng

kham-mat

 Không nên tùy tiện dùng kính áp tròng khi chưa được thăm khám. (Ảnh minh họa)

Bạn nghĩ rằng những người cận thị hay mắc bệnh về mắt mới cần đến thăm khám trước khi đeo kính áp tròng? Trên thực tế, các bác sĩ nhãn khoa luôn khuyên mọi người nên đến khám mắt tại các phòng khám uy tín, nhằm đảm bảo mắt được phép đeo kính áp tròng.

Trong một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ sẽ có chỉ định riêng. Ví dụ như những người có mắt nhạy cảm sẽ được chỉ định dùng các loại kính ngăn chặn được sự xâm hại của tia tử ngoại. Còn đối với người bị cận sẽ được tiến hành đo độ mắt để dùng loại kính phù hợp.

Không sử dụng kính áp tròng khi mắt đau

Nếu bạn đang gặp các vấn đề về mắt hay có những biểu hiện khó chịu như ngứa, cộm, đỏ khi đeo kính áp tròng, hãy dừng ngay việc đeo kính. Bởi lẽ, tình trạng bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu bạn tiếp tục để các vật lạ tiếp xúc với mắt.

Ngoài ra, trong quá trình đeo kính nếu phát hiện những bất thường trên kính như có khiếm khuyết hay bị trầy xước, bạn cũng nên ngừng đeo và thay mới ngay.

Không dùng kính áp tròng quá hạn sử dụng

Hạn sử dụng của kính áp tròng thường từ 2 tuần cho đến 3 tháng. Cho nên, bạn cần lưu ý đến thời gian sử dụng thích hợp được cung cấp trên sản phẩm để tránh cho mắt bị kích ứng.

Đeo kính áp tròng trước khi trang điểm

kham-mat

Nhớ đeo kính áp tròng trước khi trang điểm. (Ảnh minh họa)

Nếu có ý định trang điểm, bạn nhớ đeo kính áp tròng trước nhé. Bởi lẽ, việc đeo kính áp tròng vào mắt sau khi trang điểm sẽ làm kính dễ bị bám mascara hoặc bụi phấn. Dù các hạt bụi này rất bé nhưng cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến kích ứng, thậm chí là nhiễm trùng mắt đấy. Chưa kể đến trường hợp bạn chưa quen đeo kính áp tròng sẽ khiến nước mắt chảy ra làm nhòe đường kẻ mắt hay mascara.

Ngoài ra, khi chuẩn bị tiếp xúc với kính áp tròng, bạn cũng nên rửa kỹ tay với xà phòng và nước sạch, sau đó lau khô.

Lau rửa kính đúng cách

Không giống các loại kính thông thường, kính áp tròng đòi hỏi sự tiếp xúc trực tiếp với giác mạc. Do đó, việc lau rửa kính không cẩn thận dễ dẫn đến tình trạng kích ứng, nhiễm trùng, khô giác mạc…

Khi rửa kính áp tròng, bạn chỉ nên dùng dung dịch rửa chuyên dụng, tuyệt đối không dùng đến nước máy hay nước đun sôi để nguội, kể cả các loại nước rửa kính thông thường. Bởi lẽ, các loại nước này (nhất là nước máy và nước đun sôi để nguội) đều chứa các hạt cặn siêu nhỏ có thể khiến mắt bị tổn thương. Đặc biệt, các loại nước thông thường không thể làm sạch vi khuẩn ẩn nấp trong kính, nên dễ khiến mắt dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm.

Tránh đeo kính quá lâu

Theo lời khuyên của các chuyên gia, bạn không nên đeo kính áp tròng cả ngày. Nếu phải đeo kính trong thời gian dài, bạn nên tìm cơ hội để tháo chúng ra cho mắt nghỉ ngơi như trong giờ nghỉ trưa chẳng hạn.

Ngoài ra, tùy vào tình trạng mắt hay môi trường bạn tiếp xúc mà thời gian đeo kính có thể ngắn hơn hoặc dài hơn. Nếu mắt bạn yếu hay bạn ở lâu trong môi trường có nhiều khói bụi, ô nhiễm thì nên tháo kính ra vệ sinh thường xuyên hơn. Chú ý rửa tay thật sạch trước khi thao tác, bạn nhé!

Tags:

Bài viết liên quan