1. Nấm chân tay dễ tấn công bé trong mùa mưa
Hỏi: Bé trai nhà em năm nay học lớp 2. Cháu hay nghịch nước bẩn lắm, mỗi lần như vậy cháu thường bị ngứa, lở loét, da khô, bong vảy và có bọng nước ở chân gây lở loét khiến bé đau, ngứa ngáy khó chịu. Mùa mưa đến rồi, em sợ cháu mải nghịch nước lại bị ngứa ngáy. Bác sĩ có thể cho em biết với những triệu chứng nêu trên con em bị bệnh gì? Cách điều trị và phòng tránh ra sao? Xin cảm ơn bác sĩ!
Chị Thanh Huyền (Q. Gò Vấp)
Bác sĩ trả lời:
Chào chị!
Các triệu chứng mà chị nêu trên, rất có thể bé bị bệnh nấm chân. Nấm chân hay còn gọi là bệnh nước ăn chân, do nấm trichophyton tonsurans và nấm men candida albicans gây ra. Đây là một bệnh khá phổ biến mỗi khi mùa mưa đến. Nấm bàn chân có thể xảy ra ở 1 hoặc cả 2 chân. Viêm kẽ là dạng tổn thương đặc trưng của nấm bàn chân, biểu hiện là ban đỏ, nứt kẽ, tiết dịch ẩm ướt và đóng vảy ở kẽ chân, thường gặp nhất là giữa các ngón 3, 4 và 5.
Trời mưa, chân tay bé thường dễ bị nấm tấn công – Ảnh minh họa
Ở gan bàn chân và mu chân, bệnh thường có biểu hiện ban đỏ hình vòng cung, đóng vảy. Viêm và nổi mụn nước cũng là một dạng tổn thương có thể gặp của nấm bàn chân. Ở thể này, bệnh nhân sẽ nổi các mụn nước, bọng nước trong hoặc có mủ gây ngứa và đau, sau khi vỡ để lại vảy và ban đỏ dai dẳng. Loét là thể nặng nhất của nấm bàn chân.
Tùy vào mức độ nặng nhẹ mà các bác sĩ chỉ định thuốc và liều lượng điều trị phù hợp. Thường khi bị nước ăn chân, bác sĩ sẽ kê toa các loại thuốc bôi hoặc thuốc chống nấm toàn thân bằng đường uống. Liệu trình điều trị thường kéo dài từ 1-6 tuần.
Lưu ý: Khi điều trị nấm cho bé, chị phải kiên trì sử dụng thuốc kê toa theo chỉ dẫn của bác sĩ. Không tự ý mua hoặc ngưng sử dụng thuốc dù bé có biểu hiện bệnh thuyên giảm.
Cách phòng tránh:
– Hạn chế cho bé lội nước mưa, tiếp xúc với nước bẩn trên đường phố, cống rãnh.
– Rửa sạch chân bằng xà phòng diệt nấm hoặc nước muối pha loãng, lau chân khô trước khi đi giày dép.
– Tránh để tất, giày hoặc tấm lót giày bị ẩm ướt. Thay tất cho bé hàng ngày, tránh sử dụng các loại tất dễ gây kích ứng da hoặc tất quá chật.
– Khi bé bị bệnh nấm chân, mẹ nên cho bé đi các loại dép làm từ nhựa hoặc cao su, tránh chất liệu bằng vải.
– Nếu trong gia đình có người bị nước ăn chân cần phải cách ly, không đi tất, giày, dép chung với người bệnh.
2. Đừng coi thường viêm đường hô hấp mùa mưa!
Hỏi: Cháu nhà em năm nay 3 tuổi nhưng thể trạng rất yếu. Cứ hễ bị mắc mưa hoặc thời tiết thay đổi đột ngột là cháu bị hắt xì hơi, sổ mũi, thường bị ho, khó thở và sốt nhẹ. Em lo lắng quá, không biết làm như thế nào để con khỏe mạnh, ít ốm vặt đặc biệt là mùa mưa. Mong bác sĩ cho em một lời khuyên ạ!
Chị Hồng Nhung (Quận 3)
Bác sĩ trả lời:
Chào chị,
Trẻ em đặc biệt là trẻ nhỏ do sức đề kháng và hệ miễn dịch còn non nớt nên gặp khi trời mưa, hoặc thời tiết thay đổi đột ngột bé thường bị cảm, ho, sốt nhẹ, sổ mũi… Vì mùa mưa, không khí ẩm ướt tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn và virus gây các bệnh về đường hô hấp phát triển và phát tán trong không khí. Thường bệnh sẽ tự khỏi nếu cháu được chăm sóc đúng cách và ăn uống tẩm bổ.
Viêm đường hô hấp mùa mưa cũng là loại bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Ảnh minh họa
Trẻ bị viêm đường hô hấp thường có các biệu hiện như:
– Sốt cao trên 38,50C – 390C
– Sổ mũi, ho
– Trẻ khó thở, thở khò khè
– Rối loạn tiêu hóa kèm biếng ăn
Nếu không được điều trị kịp thời, để tình trạng kéo dài trẻ dễ bị suy hô hấp với các triệu chứng cụ thể như:
– Thở nhanh
– Tím tái mặt mày và ở các chi
– Sốt cao trên 380C
– Nằm li bì, quấy khóc
Lúc này, chị nên đưa cháu đến bệnh viện để các bác sĩ can thiệp sớm. Nếu để tình trạng kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiệm trọng đến sức khỏe và tính mạng của con.
Cách phòng bệnh viêm đường hô hấp cho trẻ:
– Giữ ấm cho trẻ khi thời tiết thay đổi, nhất là những ngày mưa. Đặc biệt là gan bàn chân, bàn tay, ngực, cổ.
– Tránh cho trẻ tiếp xúc với người bị cúm, viêm đường hô hấp và những nơi đông người, có khói thuốc lá.
– Không mở cửa sổ để tránh gió lùa vào phòng, sáng sớm nên cho trẻ uống một ly nước ấm.
– Đảm bảo bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ: thịt, cá, trứng, sữa, rau củ quả, đặc biệt là các loại rau chứa nhiều vitamin C.
– Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát. Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá chênh lệch với môi trường bên ngoài.
3. Mừa mưa, trẻ dễ bị sốt siêu vi
Hỏi: Mấy hôm nay thời tiết chuyển mùa, nóng lạnh đột ngột, mưa nhiều nên bé gái nhà tôi có triệu chứng sốt cao, có khi lên đến 39ºC, mệt mỏi khắp người. Tôi hoang mang quá, cho uống thuốc hạ sốt mà cháu vẫn không cải thiện được. Vậy bác sĩ cho hỏi, cháu đang bị bệnh gì ạ. Cách điều trị ra sao thưa bác sĩ?
Chị Tuyết Mai (quận Thủ Đức)
Bác sĩ trả lời:
Chào chị!
Với những triệu chứng chị nêu trên có thể cháu đang bị sốt siêu vi. Thường sốt siêu vi sẽ có các triệu chứng ban đầu như sốt cao trên 39 độ C, đau nhức khắp mình, đặc biệt là ở phần lưng và chân.
Trẻ sốt siêu vi có cảm giác đau nhức khắp mình, đặc biệt là ở phần lưng và chân. Ảnh minh họa
Với trường hợp con chị, để chắc chắn cháu bị sốt siêu vi hay không chị nên đưa cháu đến bệnh viện. Các bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân gây bệnh để có cách điều trị hợp, giúp cháu mau chóng khỏi bệnh.
Cách xử lý khi trẻ bị sốt siêu vi:
– Bù nước và chất điện giải: Khi bị sốt cao trẻ thường kèm nôn ói, hoặc tiêu chảy dễ bị mất nước, sẽ làm mất cân bằng điện giải. Nên chị phải cho bé uống nhiều nước, nếu cần thiết nên cho con uống thêm Oresol.
– Cho con ăn uống bổ dưỡng hợp lý: Trẻ trên 6 tháng tuổi có thể cho con ăn thức ăn dạng lỏng, mềm, như súp hoặc cháo loãng. Bé dưới 6 tháng tuổi chị nên cho bé bú nhiều lần trong ngày. Những bé lớn hơn, chị có thể cho bé ăn cháo, cơm nhão và rau nghiền…
– Cho con uống thuốc theo kê toa và chỉ định của bác sĩ. Và không tự mua thuốc và cho bé uống nhé.
– Giữ vệ sinh cơ thể bé sạch sẽ: Thường xuyên vệ sinh nơi ở của bé, tạo không gian thoáng mát sẽ loại bỏ được vi khuẩn có trong không khí.
– Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người khi đang có dịch sốt siêu vi, ra ngoài lúc mưa, nắng nóng, không nên để trẻ ở lâu trong phòng có máy lạnh.
Theo sự tư vấn của bác sĩ: Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1