Phần 3: Lặng nghe những âm thanh sinh động đầu đời của con
Tuần 14: Mẹ có thể nhìn dấu vân tay của bé qua máy siêu âm
Cơ thể mẹ thay đổi ra sao?
Chào mừng mẹ bước sang giai đoạn mới của thời kỳ bầu bí. Nếu như trong tam cá nguyệt đầu tiên, mẹ phải “vật lộn” với những cơn ốm nghén đáng ghét, khiến cho việc ăn uống và cuộc sống bị đảo lộn. Thì bước sang tam cá nguyệt thứ 2, ở tuần đầu tiên của giai đoạn này mẹ sẽ cảm thấy thoải mái hơn, các cơn ốm nghén dường như không còn xuất hiện. Chưa hết, những cơn đau nhức chân tay vẫn “hành hạ” mẹ giờ đã không còn, mẹ cũng không cảm thấy khó chịu với vòng 1 đang thay đổi dần kích thước nữa.
Tin vui cho mẹ là bắt đầu từ tuần thứ 14 trở đi, mẹ sẽ không cần phải quá lo lắng về nguy cơ sẩy thai không rõ nguyên nhân nữa mẹ nhé. Còn nữa, tuần này sự thay đổi hóc môn cũng giúp mẹ có mái tóc bóng đẹp, dày, cơ thể mặn mà và quyến rũ hơn.
Thai nhi tuần thứ 14 nặng khoảng 42 gam – Ảnh minh họa
Sự phát triển của thai nhi tuần thứ 14: Mẹ nghĩ ở tuần 14 này, bé yêu sẽ lớn như thế nào nhỉ? Tin vui là tuần này thai nhi sẽ có kích thước bằng khoảng nắm tay mẹ, dài 7- 8,6cm, nặng chừng 42gam rồi đấy. Mẹ sẽ bất ngờ hơn nữa, qua màn hình máy siêu âm bác sĩ sẽ cho mẹ thấy từng dấu vân tay nhỏ xíu của bé. Đôi tay bé cũng dài ra, gan, lá lách đã bắt đầu hình thành các chức năng. Não bé phát triển sang một giai đoạn mới nên bé yêu có thể biểu hiện cảm xúc trên gương mặt.
Cũng trong tuần này, nếu đi siêu âm mẹ sẽ thấy hình ảnh bé mút tay, con chuyển động, uốn mình, co chân, tay nhẹ nhàng trong túi ối. Đường ruột của bé cũng bắt đầu sản xuất phân su. Đặc biệt, trong tuần này hệ xương của bé đang chuyển từ sụn mềm sang xương cứng rồi mẹ nhé.
Kết thúc tuần 14, cơ thể thai nhi sẽ bắt đầu mọc lông tơ để giữ ấm cơ thể, sau này sẽ phát triển thành tóc và lông mày. Còn lớp lông tơ sẽ rụng đi sau đó. Và đây là giai đoạn thai nhi phát triển khá ổn định, an toàn cho cả mẹ và con.
Lưu ý quan trọng
Khi mang thai do sức đề kháng suy giảm nên khi thời tiết thay đổi đột ngột mẹ bầu dễ bị cảm cúm. Để phòng tránh mẹ nên làm việc và sinh hoạt nơi thoáng khí, ăn uống bổ dưỡng, uống nhiều nước. Khi bị cảm cúm nên đi gặp bác sĩ ngay.
Tuần này, mặc dù những cơn ốm nghén không còn nhưng mẹ sẽ cảm thấy khó chịu với những cơn ợ nóng, nên chia nhỏ bữa ăn để ăn ngon miệng và tránh ợ nóng.
Tuần 15: Bé đã biết thể hiện cảm xúc qua gương mặt
Cơ thể mẹ thay đổi ra sao?
Bước sang tuần này, sự thay đổi hóc môn cũng khiến cơ thể mẹ gặp phải những vấn đề về sức khỏe răng miệng như: Viêm nướu, sâu răng, chảy máu chân răng. Một số mẹ có thể bị nghẹt mũi, tiêu chảy, số khác sẽ bị chảy máu cam. Vậy nên trước khi mang thai mẹ nên đi khám kiểm tra răng miệng, khi mang thai gặp bất kỳ vấn đề nào bất thường như trên phải đi gặp bác sỹ ngay nhé.
Thai nhi tuần thứ 15 đã biết năm tay, liếc mắt… – Ảnh minh họa
Sự phát triển của thai nhi tuần thứ 15: Nếu như ở tuần 14, hoạt động mút tay và biểu cảm khuôn mặt của bé yêu chưa linh hoạt, thì bước sang tuần 15 mẹ sẽ bất ngờ vì bé làm các động tác này khá thuần thục. Ở tuần này, thai nhi dài khoảng 10,5cm, nặng 70g, tóc tiếp tục mọc và xung quanh cơ thể sẽ được bao phủ một lớp lông tơ mịn màng.
Đặc biệt, tuần 15 bé đã biết nắm tay, liếc mắt, não đã hoàn thiện hơn và bắt đầu tập điều khiển các hoạt động khác của cơ thể rồi đấy. Mắt bé đã ở đúng vị trí, xương không còn ở dạng sụn mà cứng và chắc hơn, đang bước đầu tích lũy canxi để hoàn thiện hệ xương trong những tuần tiếp theo.
Lưu ý quan trọng:
Để phòng tránh viêm nướu răng, mẹ bầu nên súc miệng bằng nước muối loãng và nên đi khám bác sĩ theo định kỳ.
Lưu ý đến cân nặng của cả mẹ và con. Ở tuần này, mẹ bầu phải tăng từ 0,3-0,5kg.
Chú ý đến chế độ ăn uống để cung cấp đủ protein, sắt và canxi để bé yêu phát triển khỏe mạnh.
Ở tuần 15, kích thước bụng bầu đã to lên, mẹ nên chọn những bộ đồ dành cho bầu để thoải mái hơn.
Tuần 16: Đã xác định được giới tính của bé
Cơ thể mẹ thay đổi ra sao?
Ở tuần này, hệ miễn dịch của mẹ có những xáo trộn nhưng không đáng kể. Mẹ có thể gặp các vấn đề về sức khỏe như ho, cảm lạnh… Những triệu chứng khác như buồn bực, mệt mỏi cũng xuất hiện nhưng chúng chẳng gây hại gì cho thai. Tuần 16, mẹ bầu có thể phải đối diện với các viêm nhiễm nguy hiểm cho cả mẹ và con như thuỷ đậu, nhiễm virút Cytomegalovirut.
Ở tuần thứ 16, giới tính của thai nhi đã được xác định – Ảnh minh họa
Sự phát triển của thai nhi tuần thứ 16: Mặc dù theo quy định bác sĩ sẽ không được tiết lộ giới tính của bé. Nhưng tin vui cho mẹ là ở tuần này, qua màn hình siêu âm bác sĩ có thể xác định rõ ràng giới tính của bé yêu rồi. Vì lúc này, cơ quan sinh sản của bé đã dường như hoàn thiện. Ở tuần 16, bé yêu dài 11,6cm, nặng 99g nhưng bé vẫn nhỏ xíu nằm lọt thỏm trong bàn tay mẹ thôi.
Tuần 16 cũng đánh dấu nhiều dấu mốc phát triển quan trọng của bé, bé bắt đầu nhạy cảm với ánh sáng, đang tập nấc cụt và hít thở. Kỹ năng này sẽ được hoàn thiện trong tuần tiếp theo. Hệ xương đã cứng cáp và chắc chắn hơn. Hệ tuần hoàn, tiêu hóa cũng dần hoàn thiện.
Chưa hết nhé, qua màn hình máy siêu âm bác sĩ sẽ quan sát thấy những chuyển động của bé, móng tay đã dài hơn. Tay chân bé đã chuyển động trong túi ối.
Lưu ý quan trọng:
Trong tuần này, bác sĩ sẽ đề nghị làm một số xét nghiệm tiền sinh như chọc ối, siêu âm. Tuy nhiên, hiện nay, chọc ối không còn khuyến cáo với phụ nữ mang thai ngoài tuổi 35 hoặc đã từng sinh con bị dị tật trước đó. Sản phụ được xét nghiệm double test trước rồi mới xem xét chọc ối sau.
Nếu nằm ngửa áp lực sẽ đè lên động mạch chủ và tĩnh mạch, làm lượng máu đến thai nhi ít đi. Mẹ nên nằm nghiêng bên trái để dễ ngủ và giúp máu lưu thông đến thai nhi tốt hơn.
Nên đi khám để bác sĩ kiểm tra sức khỏe thai nhi có phát triển bình thường hay không.
Tuần này, mẹ sẽ có thể xuất hiện triệu chứng táo bón. Nên ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước và chia nhỏ bữa ăn để ngừa táo bón.
Tuần 17: Bé đã nghe được những âm thanh xung quanh
Cơ thể mẹ thay đổi ra sao?
Đây là thời điểm mọi người có thể dễ dàng nhận thấy mẹ đang mang thai, vì cùng với sự phát triển của thai nhi, kích thước bụng bầu cũng lộ ra. Kèm theo đó, cơ thể mẹ cũng cảm thấy có một chút nặng nề hơn những tuần trước. Thay vào những cơn ốm nghén mẹ sẽ thèm ăn và ăn ngon miệng hơn. Ở tuần này, nếu để ý mẹ sẽ thấy dịch tiết âm đạo ra nhiều. Vùng ngực có cảm giác ngứa ngáy, da giãn nở để phù hợp với kích thước của thai nhi. Và nguy cơ sẩy thai cũng không còn cao như ở những tuần trước nữa.
Ở tuần 17 mẹ bầu nên tăng từ 2-4kg là đủ.
Ở tuần thứ 17, hệ tuần hoàn và bài tiết của bé đã bắt đầu hoạt động – Ảnh minh họa
Sự phát triển của thai nhi tuần thứ 17: Có thể nói tuần 17 là tuần thai nhi rất “bận rộn” cho sự phát triển các cơ quan trong cơ thể. Lúc này, bé yêu nặng khoảng 167g, dài 13cm. Hệ tuần hoàn và bài tiết của bé đã bắt đầu hoạt động, mặc dù chỉ mới “manh nha”. Chúng sẽ tiếp tục hoàn thiện ở giai đoạn tiếp theo.
Và bắt đầu từ tuần này, mẹ sẽ cảm nhận được thế giới sinh động của bé bên trong cơ thể mình. Bé thích “nhào lộn” và chơi đùa với dây rốn và đôi khi nắm quá chặt khiến oxy bị suy giảm. Nhưng mẹ đừng lo lắng nhé, bé sẽ tự biết nới lỏng dây rốn khi không thể thở được. Đặc biệt hơn, bé đã biết thở vì thế thỉnh thoảng mẹ sẽ nghe những âm thanh nhỏ phát ra, đều đặn, đó là tiếng nấc cụt của bé đấy.
Còn nữa, dây rốn của con đã dài ra và chắc khỏe hơn. Và ở tuần này, điều đặc biệt hơn nữa là bé đã bắt đầu nghe được những âm thanh xung quanh, chuyển động cơ thể cũng khỏe và nhanh hơn ở tuần trước nhiều, bé bắt đầu học nuốt và mút.
Tuần 17 thân nhiệt bé yêu ổn định hơn nhờ sự xuất hiện của các mô mỡ và chất béo. Qua siêu âm, bác sĩ có thể quan sát thấy da của con đã hồng hào và hoàn thiện hơn.
Tuần 18: Bé đã cảm nhận được ánh sáng từ bên ngoài lọt vào
Cơ thể người mẹ thay đổi ra sao?
Ở tuần này, bụng bầu khá to nên mẹ sẽ gặp không ít khó khăn trong việc di chuyển, để an toàn bầu nên chọn những đôi dày bệt, nằm nghiêng bên trái để dễ ngủ hơn. Điều thú vị hơn nữa mẹ sẽ cảm nhận được những cú thai máy đầu tiên của bé yêu.
Cơ thể của mẹ bắt đầu “phổng phao” hơn trước, nhiều mẹ tỏ ra tự ti với dáng vẻ to “quá cỡ” của mình. Cũng ở tuần 18, xung quanh vùng “núi đôi” mẹ sẽ sẫm màu và ngày càng lan rộng ra cùng với sự tăng kích thước vòng ngực. Điều này hoàn toàn vô hại, màu sẫm này sẽ biến mất sau 12 tháng sinh bé, nên mẹ không cần phải hoang mang. Ngoài ra, vùng da ở giữa bụng bắt đầu rạn, cũng bị sẫm màu, bao gồm cả da vùng kín.
Thai nhi tuần thứ 18 có kích thước tương đương với 1 củ khoai lang – Ảnh minh họa.
Sự phát triển của thai nhi tuần thứ 18: Bước sang tuần 18, bé yêu của mẹ nặng 190g, dài 14.2cm, lúc này bé lớn tương đương một củ khoai lang. Hệ xương và các mô sụn đã hình thành. Song song với đó, một hợp chất có tên là myelin bắt đầu bao bọc quanh dây thần kinh để bảo vệ não bé cho đến khi bé tròn 1 tuổi. Các ngón tay, ngón chân đã hiện rõ, tuy nhiên đầu bé vẫn to hơn thân. Lông mi, lông mày, tóc đã mọc nhưng vẫn còn thưa. Mặc dù mí mắt bé vẫn khép nhưng ở tuần này, bé đã bắt đầu cảm nhận được ánh sáng.
Cùng với đó, phổi của bé đang phát triển, bé có thể thở trong môi trường nước ối, tuy nhiên oxy vẫn được cung cấp chủ yếu qua nhau thai. Đặc biệt, các mầm thần kinh vị giác đang bắt đầu hình thành trên lưỡi bé. Nhau thai đã tiết ra các kích thích tố gồm estrogen, progesterone và các nội tiết tố khác để giữ cho tử cung phát triển.
Lưu ý quan trọng:
Tuần này bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm Tripple Test để phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh để có hướng điều trị.
Triệu chứng ợ nóng và rát ở cổ vẫn “đeo bám” mẹ, nên ăn chậm nhãi kỹ và chia nhỏ bữa ăn trong ngày, uống thật nhiều nước để giảm ợ nóng.
Mẹ có thể cho bé nghe nhạc được rồi nhé.
Tuần 19: Bé có thể nhận ra giọng mẹ
Cơ thể mẹ thay đổi ra sao?
Bắt đầu từ tuần 19, mẹ sẽ cảm dễ chịu hơn trước rất nhiều, mẹ có thể ăn uống thoải mái hơn, vì thế cân nặng mẹ và bé cũng tăng lên khá nhanh so với trước, mẹ nên dành nhiều thời gian để đi chơi tận hưởnghững ngày dễ chịu này nhé.
Thai nhi tuần thứ 19 đã biết bộc lộ cảm xúc cá nhân – Ảnh minh họa
Sự phát triển của thai nhi tuần thứ 19: Tuần 19 bé yêu nặng 240g, dài khoảng 15.24cm, lúc này bé tương đương một quả xoài. Qua hình ảnh siêu âm mẹ sẽ thấy rõ hoạt động uốn người và tay của bé.
Mẹ sẽ rất vui khi biết được tuần này, bé bắt đầu biểu lộ cảm xúc qua các những cú đá, thai máy, uốn người. Và không lâu sau đó, bé sẽ nghe được những âm thanh ồn ào bên ngoài, đồng thời nhận ra giọng của mẹ nữa đấy. Đây là dấu hiệu cho biết tai của bé đã phát triển hoàn thiện hơn.
Một dấu mốc đáng chú ý khác là thận bé đã tạo được nước tiểu, tóc bắt đầu mọc trên đầu. Một phần não có chức năng nhận cảm. Não đang trong quá trình phân chia và hình thành hai bán cầu não.
Lưu ý quan trọng:
Trong tuần thứ 17, 18, 19, qua siêu âm các bác sĩ phát hiện sớm tràn dịch não, hiện tượng gây dị tật nứt đốt sống cổ và thoái vị não.
Nên dành nhiều thời gian để thư giãn. Để ngủ ngon nên nằm nghiêng bên trái và nhờ sự trợ giúp của những chiếc gối dành riêng cho mẹ bầu.
Chia sẻ công việc nhà với anh xã để giảm bớt áp lực cho mẹ.
Theo sự tư vấn của bác sĩ: Ngô Thanh Thảo, Khoa Hậu Sản A, Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương