Thận trọng là trên hết
Mới đây, một cậu bé 11 tháng tuổi người Trung Quốc vô tình gặp nạn khi chơi một mình với chiếc ô tô nhựa trên giường. Được biết chiếc ô tô này dài khoảng 20cm, một phần bánh xe phía sau bị rơi ra, để lộ trục kim loại. Sau khi quay lại phòng, mẹ của bé tá hỏa phát hiện bé bị té ngửa với trục kim loại cắm vào đầu.
Người mẹ đã không cho phép bất cứ ai trong gia đình được rút thanh trục kim loại ra khỏi đầu bé và nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện. Bác sĩ tháo gỡ phần vỏ của chiếc ô tô rồi mới tiến hành phẫu thuật để lấy trục kim loại ra. Cuối cùng là cầm máu và khâu vết thương cho cậu bé. Sau hơn hai tiếng, bác sĩ đã cứu sống được cậu bé. Rất may là vật sắc nhọn này không làm ảnh hưởng tới não.
Bé trai 11 tháng tuổi bị trục kim loại của ô tô nhựa đâm vào đầu.
Bác sĩ cho biết, cách phản ứng nhanh trí của người mẹ đã cứu sống tính mạng của con trai. Bởi lẽ, trục kim loại chỉ có đường kính khoảng 2-3mm, cắm sâu 1,3cm vào đầu của cậu bé. Nếu ngay lúc đó, người mẹ lập tức rút thanh kim loại, sẽ không thể kiểm soát được lượng máu chảy ra. Điều này rất nguy hiểm đến tính mạng của bé.
Bố mẹ nên nhớ…
Trên đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp trẻ bị tai nạn với các loại đồ chơi. Xung quanh con cái của chúng ta vẫn còn có rất nhiều đồ chơi, vật dụng có thể gây nguy hiểm cho bé. Vì thế, bố mẹ tuyệt đối không cho con tiếp xúc với những vật sắc nhọn.
Khi trẻ bị vật nhọn đâm, bố mẹ nên bình tĩnh để xử lý tình huống tốt nhất. (Ảnh minh họa)
Cách xử lý khi trẻ bị vật nhọn đâm vào cơ thể
Bước 1: Xử lý vật sắc nhọn đâm
– Chỉ rút vật đâm khi nó quá nhỏ hoặc đâm sâu không quá 1cm.
– Nếu không chắc chắn về độ sâu của vật nhọn, hãy ngăn chảy máu bằng cách dùng vải hoặc băng gạc buộc tạm rồi nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất.
Bước 2: Cầm máu
– Nếu vết thương chảy ít máu, bạn cứ để máu chảy trong vòng 1 phút. Sau đó, dùng bông gạc hoặc vải sạch ấn trực tiếp vào chỗ bị đâm. Lúc này máu sẽ không chảy nữa mà đông lại ngay tại vết thương.
– Rửa sạch vết thương bằng nước muối ấm để đề phòng nhiễm trùng.
Bước 3: Băng bó vết thương
Sau khi rửa vết thương xong, đợi khô hẳn rồi dùng băng gạc sạch băng vết thương lại. Thay băng mỗi ngày để đảm bảo vết thương sạch và nhanh lành.
Lưu ý:
– Nếu thấy có triệu chứng bất thường nào liên quan đến vết thương, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.
– Cách xử lý trên chỉ áp dụng cho vết thương nhẹ. Ngược lại, với những trường hợp nặng hơn, bố mẹ nên giữ nguyên hiện trường và lập tức gọi cấp cứu.