Bé Điệp mới gần một tháng tuổi đã phải đi cấp cứu trong tình trạng sốt cao, quấy khóc và bỏ bú. Các bác sĩ kiểm tra phổi và các bộ phận hô hấp nhưng không phát hiện triệu chứng viêm nhiễm như người nhà ngờ. Đến khi tháo bao tay ra, họ giật mình thấy một đầu ngón tay tím đen, bị nhiều vòng chỉ siết chặt. Cả hai bàn tay đều bốc mùi khó chịu.
Ảnh minh họa
Lúc ấy người mẹ mới nhớ ra: Tự dưng bé quấy khóc, bỏ bú rồi sốt, bà nội nghi cháu bị sởi nên bắt kiêng nước, không cho tắm rửa, thậm chí cũng không cho lau người. Không ai chú ý để biết rằng những sợi chỉ thừa từ đường may phía trong của chiếc bao tay đã quấn vào ngón tay của bé, khiến bé khó chịu, vướng víu. Càng ngọ nguậy ngón tay thì sợi chỉ càng thít chặt khiến bé bị đau và quấy khóc, bỏ bú.
Các bác sĩ trực cấp cứu cho bé Điệp hôm ấy đã phải quyết định tháo khớp đốt ngón tay bị hoại tử của bé. Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết làn da của trẻ sơ sinh còn quá non nớt nên không đủ sức để chống đỡ sự thít chặt của những sợi chỉ. Điểm nối giữa các khớp ngón tay càng dễ chảy máu hoặc thâm tím, dẫn đến hoại tử.
Trường hợp bé Mai Thu (3 tháng tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội) may mắn hơn. Bé bị viêm tiểu phế quản, sốt nên mẹ cũng kiêng lau rửa, tắm táp cho con. Đến khi bà bác là dược sĩ đến thăm, tháo bớt quần áo, bao tay để hạ nhiệt cho cháu mới phát hiện tay trái bé bị các sợi chỉ quấn chặt, ngón bắt đầu tím bầm. Nhờ được cứu chữa kịp nên tay bé đã trở lại bình thường.
Y tá Nguyễn Văn Thuyết, khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, trong số trẻ được chuyển đến vì các bệnh liên quan đến bao tay, bao chân, nhiều cháu khỏi nhưng vẫn để lại ngấn ở đốt ngón tay hoặc cổ tay, cổ chân. Những cháu bé đeo bao tay 3-4 ngày không thay, lại bị sợi chỉ thít vào ngón thì 70% có tật nhẹ là ngấn tròn trên vùng da bị tổn thương.
Cần đảm bảo chiếc bao tay nhỏ xinh luôn an toàn cho bé.
Gần đây nhất là cháu Phạm Tú Anh (4 tháng tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội), bị sợi dây chun ở bao chân thít vào cổ chân phải khiến mạch máu bị cản trở lưu thông, gây bầm tím nặng nề. Người mẹ khi tháo bao chân cho con không biết rằng sợi dây chun đã tuột ra khỏi bao và vẫn ôm lấy cổ chân bé. Trời lạnh, mấy ngày liền chị không tắm cho con nên không phát hiện ra. Đến khi thấy trẻ tự dưng quấy khóc, bà ngoại mới kiểm tra khắp người và thấy cổ chân cháu tấy đỏ. Sau khi điều trị khỏi, chân bên phải của Tú Anh cũng bị tật, có cái ngấn khá sâu xung quanh cổ chân.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc cho rằng, đeo bao tay cho trẻ thực chất là một cách “trói buộc” đôi bàn tay, làm giới hạn các hoạt động ngón tay của trẻ. Nó cũng sẽ gây trở ngại cho sự phát triển cảm giác khi chạm vào các đồ vật xung quanh.
Các nghiên cứu y khoa cho thấy, những trẻ sơ sinh sớm được thoát khỏi cảnh đeo bao tay thường có khả năng nắm giữ, túm các vật xung quanh và có phản xạ tay tốt hơn các bé đeo bao nhiều tháng.
Dù bao tay làm bằng chất liệu nào thì các sợi vụn cũng đều có thể rơi rụng bên trong, rất dễ bị cuốn vào các ngón tay của bé, ảnh hưởng đến tuần hoàn máu ở các ngón tay, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Đảm bảo những đôi bao tay cho trẻ luôn được vệ sinh sạch sẽ
Do đó, các bác sĩ khuyên không nên đi bao tay cho trẻ sơ sinh để có thể phát triển cảm giác. Nếu bé sinh vào mùa rét thì nên đeo để giữ ấm, nhưng phải thường xuyên thay và tận dụng mọi lúc có thể để tháo bỏ (những ngày nắng ấm, trong phòng điều hoà…). Ngoài ra nên thường xuyên kiểm tra và vệ sinh tay chân cho bé.