Nguyên nhân
Hệ tiêu hóa chưa ổn định gây nên hiện tượng trào ngược thực quản. (Ảnh minh họa)
Trào ngược thực quản dạ dày ở trẻ sơ sinh xảy ra khi thức ăn của trẻ đi ngược từ dạ dày lên thực quản, thay vì đi theo chiều tự nhiên từ thực quản xuống dạ dày. Mức độ nghiêm trọng của bệnh tùy thuộc vào từng thể trạng của mỗi bé. Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng trào ngược thực quản dạ dày ở trẻ sơ sinh:
– Dạ dày của trẻ chưa hoàn thiện: Lúc này các cơ quan trong cơ thể của trẻ sơ sinh đang trong giai đoạn hoàn thiện và phát triển. Dạ dày của trẻ sẽ nằm ngang và nằm cao hơn so với dạ dày của người lớn. Đồng thời, các cơ thắt ở hai đầu dạ dày hoạt động chưa ổn định, nên đôi lúc lẽ ra phải đóng kín thì nó lại mở ra khiến thức ăn bị trào ngược lên.
– Hệ tiêu hóa chưa ổn định: Đang trong quá trình hoàn thiện nên hệ tiêu hóa nhiều khi hoạt động không ổn định. Từ đó dễ xuất hiện tình trạng trào ngược thực quản dạ dày.
– Cho trẻ bú không đúng tư thế: Thường thì các mẹ hay nằm để cho trẻ bú. Nhưng dạ dày của trẻ lúc này còn nằm ngang, nếu để trẻ bú theo tư thế như vậy dễ khiến trẻ bị nôn trớ.
Dấu hiệu
Bị trào ngược thực quản dạ dày, trẻ thường quấy khóc liên tục. (Ảnh minh họa)
Trào ngược thực quản dạ dày ở trẻ sơ sinh thường xảy ra khi bạn bế, xóc hoặc ép vào bụng bé ngay khi vừa ăn xong. Các dấu hiệu dễ nhận biết nhất về hiện tượng trào ngược thực quản ở trẻ nhỏ bao gồm:
– Trẻ bị ho sau khi uống sữa hoặc bú mẹ
– Trẻ quấy khóc liên tục
– Thở khò khè và gặp vấn đề về hô hấp
– Bú kém hoặc không chịu bú
– Sụt cân
– Chậm tăng cân.
Cách phòng bệnh
Cho trẻ bú đúng tư thế (Ảnh minh họa)
Đối với trẻ bú mẹ
Nên cho bú bầu vú bên trái trước, bé mới bú nên lượng sữa trong dạ dày còn ít, có thể nằm nghiêng phải. Sau đó, chuyển bé sang bú bầu bên phải, lúc này dạ dày bé đã nhiều sữa, nên nằm nghiêng trái. Theo cách này, sữa sẽ dễ dàng xuống dạ dày mà không gây ra hiện tượng trào ngược.
Đối với trẻ bú bình
Nếu cho trẻ bú bình, để đầu núm vú bình sữa luôn đầy sữa, không để bình sữa nằm nghiêng. Khi bú xong, nên bế trẻ cao đầu trong 15 phút, kết hợp vỗ lưng nhẹ cho bé ợ hơi.
Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ trào ngược sinh lý
– Cho trẻ bú, ăn đúng tư thế.
– Không cho trẻ nô đùa hoặc vận động mạnh sau khi ăn hoặc sau khi bú sữa mẹ.
– Trong giai đoạn ăn dặm, nên chọn những thực phẩm dễ tiêu hóa.
– Không ép trẻ ăn nhiều, chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày để dạ dày kịp tiêu hóa thức ăn.
– Nên hút mũi cho trẻ ngay sau khi bị sặc thức ăn hoặc bị sữa lên mũi.
Với những dấu hiệu và cách phòng tránh hiện tượng trào ngược thực quản dạ dày ở trẻ sơ sinh, Mẹ&Con mong rằng đó sẽ là những kiến thức bổ ích cho mẹ trong việc chăm sóc bé yêu luôn được khỏe mạnh.