Phòng tránh ô nhiễm không khí trong nhà
Những vật dụng trong nhà cũng là nguồn gây ra ô nhiễm không khí (Ảnh minh họa)
Không khí trong nhà thậm chí còn có thể bị ô nhiễm và gây hại hơn cả không khí ngoài trời. Lý do bởi vì không khí trong nhà ít được lưu thông và còn bị tác động bởi khói thuốc lá, khí thải khi đun nấu, mùi hôi từ toilet, hóa chất tẩy rửa, nấm mốc hay hóa chất từ các đồ gia dụng trong nhà… Ô nhiễm trong nhà tác động tiêu cực đến trẻ em vì chúng còn nhỏ và ít khi đi ra ngoài. Ngoài ra các tác nhân tố sinh học như nấm mốc, vi khuẩn và bụi bám trên các đồ vật cũng làm không khí trong nhà không được trong lành. Tác hại của nó vô cùng nguy hiểm: Gây nên các bệnh về đường hô hấp như ho, hen suyễn, dị ứng, viêm phế quản, thậm chí là ung thư. Có một số trường hợp bị tử vong do ngạt thở khi đốt lò sưởi trong nhà kín.
Phương pháp tối ưu nhất để giảm bớt ô nhiễm trong nhà là đẩy khí bẩn ra ngoài. Mẹ nên mở cửa phòng ngủ khoảng 5 đến 10 phút trước khi đi ngủ và sau khi thức giấc, giúp làm sạch không khí trong phòng cho bé ngủ thoải mái. Luôn giữ môi trường sạch sẽ, thoáng mát nơi bé ăn ngủ, tránh bụi bặm từ các vật dụng mà bé thường hay tiếp xúc như chăn, gối. Không để thức ăn rơi vãi trên giường ngủ của con, giặt giũ chăn màn, giường chiếu cho bé.
Chú ý đến máy lạnh trong phòng bé, thỉnh thoảng vệ sinh làm sạch máy, nên để nhiệt độ khoảng 27 độ C trở lên là thích hợp cho bé.
Lắp đặt quạt thông gió ở những nơi thải ra nhiều khí ô nhiễm trong nhà như phòng bếp, khu vệ sinh. Hút mùi ở bếp hay thoát khí ở khu vệ sinh sẽ dẫn hết đường khí độc ra khỏi nhà bạn, giúp nhà trở nên thông thoáng hơn.
Trồng cây xanh trong nhà cũng là một cách để làm giảm ô nhiễm không khí vì cây xanh sẽ hấp thụ CO2 rất tốt, hút khí độc do đun nấu hay các chất gây ô nhiễm khác thải ra. Nhà có trẻ nhỏ nên bạn phải lưu ý trong việc chọn các loại cây xanh không chứa độc tố, để các loại cây xanh xa tầm tay của trẻ để tránh việc bé nuốt phải lá, rễ…
Trồng cây xanh trong nhà tạo không khí trong lành (Ảnh minh họa)
Các mẹ cũng nên thường xuyên vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, hút bụi thường xuyên, lau chùi đồ chơi cho trẻ để tránh bụi bám vào và ảnh hưởng đến sức khỏe của bé nhé.
Tắm rửa và để vật nuôi trong nhà luôn được sạch sẽ vì khi trẻ tiếp xúc với vật nuôi có nhiều lông, bụi bẩn và ký sinh trùng làm hại tới bé.
Nên giữ độ ẩm trong nhà dưới 60% để tránh nấm mốc phát triển như phòng tắm, nhà bếp hoặc nhà kho. Tuyệt đối không để trong phòng có mùi thuốc lá.
Phòng tránh ô nhiễm không khí khi đi ra ngoài cho trẻ
Quàng khăn mỏng hoặc mang khẩu trang cho bé khi đi ra đường (Ảnh minh họa)
Không khí ô nhiễm khi đi ra ngoài đường với khói xe, khí thải, bụi bẩn luôn rình rập xung quanh con bạn. Vì thế, mỗi lần bé đi ra ngoài bạn nên mang khẩu trang cho bé, tuy nhiên khẩu trang phải được giặt sạch để tránh tình trạng bé hít phải bụi khói.
Trong trường hợp, nếu cần đưa trẻ ra ngoài thì mẹ nên đưa trẻ đi vào sáng sớm vì đây là thời gian không khí được trong lành nhất trong ngày. Hạn chế đưa trẻ ra ngoài vào những giờ cao điểm, bởi đây là lúc tình trạng ô nhiễm ở mức cao nhất.
Cho trẻ uống nhiều nước, bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như rau xanh vào thực đơn hằng ngày và thường xuyên đưa bé đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Khi thấy bé có các triệu chứng như ho, hen suyễn hay các bệnh liên quan về đường hô hấp cần đưa bé đến bác sỹ để được thăm khám kịp thời.