Mẹ&Con - Trong y khoa, thiếu máu được định nghĩa là tình trạng có sự thay đổi xuống thấp bất thường của tế bào hồng cầu và sắc tố trong cơ thể.

Chào bác sĩ!

Tôi có một bé gái 8 tuổi. Từ bé đến giờ sức khỏe của con vẫn khá ổn. Dù bé hơi gầy gò, thỉnh thoảng cũng hay bệnh vặt nhưng hầu như không có lần nào bệnh nặng đến mức phải nhập viện. Tuy nhiên, vài tháng gần đây, tôi bỗng thấy con có dấu hiệu da nhợt nhạt, mệt mỏi. Bé không chạy nhảy chơi đùa với bạn bè mà chỉ thích những trò chơi trong nhà, ngồi yên một chỗ như chơi bán hàng hoặc đọc truyện tranh. Việc ăn uống của bé cũng khó khăn hơn. Bé ăn ít, có hôm mới ăn được chút ít đã nói là con no rồi. Hôm trước, có một lần tự dưng bé bảo tôi: “Mẹ ơi, con bị chóng mặt lắm!”.

Tôi rất băn khoăn với tình hình sức khỏe của con. Cô ruột của bé có học một chút về đông y thì khám cho bé và nói rằng coi chừng bé bị thiếu máu, nên cho ăn uống nhiều chất bổ máu đi. Tôi cũng thấy bé xanh và nhợt nhạt quá. Không biết cho bé ăn uống gì sẽ trị được chứng bệnh này? Tôi có cần đưa con đi khám bác sĩ không ạ?

Đoàn Anh Thư (Quận 9)

 bác sĩ trả lời

Đúng là những mô tả sơ bộ của bạn về bé khiến tôi cũng nghĩ đến dấu hiệu của bệnh thiếu máu (mệt mỏi, suy nhược, xanh xao, nhợt nhạt, gầy gò ốm yếu, ăn uống ít, không muốn vận động, chóng mặt, v.v.). Trong y khoa, thiếu máu được định nghĩa là tình trạng có sự thay đổi xuống thấp bất thường của tế bào hồng cầu và sắc tố trong cơ thể. Hồng cầu là tế bào mang oxy, vì vậy khi chúng ít đi về số lượng, cơ thể phải làm việc nhiều hơn để tạo ra đủ oxy.

Việc bạn nên làm ngay bây giờ là cần đưa bé đi khám sức khỏe tổng quát, nhớ trao đổi kỹ với bác sĩ về các triệu chứng của con. Không nên chỉ coi thiếu máu chỉ giống như là thiếu canxi, vitamin, v.v. và chỉ cần thay đổi chế độ dinh dưỡng tích cực là được. Bởi lẽ, thiếu máu luôn bắt nguồn từ một nguyên nhân, và một số nguyên nhân gây nên thiếu máu lại rất đáng lo ngại, cần được kiểm tra “tận gốc”. Ví dụ như một số bệnh di truyền có thể làm cho hồng cầu giảm bất thường. Tôi không muốn làm bạn quá lo lắng, nhưng bạn cần biết rằng đôi khi những chứng bệnh nghiêm trọng cũng sẽ dẫn đến sự sụt giảm trong sản xuất hồng cầu bình thường.

Trường hợp nhẹ nhàng nhất là bé chỉ bị thiếu máu tạm thời do chế độ dinh dưỡng chưa thích hợp. Để tạo hồng cầu, cơ thể cần đủ lượng sắt và các vitamin. Một khi cơ thể thiếu sắt và vitamin sẽ dẫn đến sản xuất không đủ hồng cầu trong cơ thể, gây ra tình trạng thiếu máu. Lúc đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách thức thay đổi chế độ dinh dưỡng hàng ngày, cho bé ăn thêm nhiều thực phẩm chứa sắt và vitamin như rau ngót, rau dền, thịt bò, gan động vật, lòng đỏ trứng, thịt gà, cá, các loại đậu và trái cây sấy khô như nho khô, v.v.. Bác sĩ cũng có thể kê toa để bé uống bổ sung viên sắt nếu như cần thiết.

Tags:

Bài viết liên quan