Mẹ quên… rửa tay trước khi pha sữa!
Nhiều mẹ đang làm việc, thấy bé đói thì vội vàng bỏ dở công việc đấy, vào bếp và bắt tay ngay vào pha sữa cho con. Thế nhưng… Bạn đã quên một khâu quan trọng!
Cần rửa tay thật kỹ bằng xà phòng trước khi chuẩn bị pha sữa cho bé. Đừng thờ ơ bảo: “Trời, chuyện này mà bác sĩ cũng nhắc!”. Đã có không ít trường hợp bé bị đau bụng, nhiễm khuẩn chỉ vì mẹ quên rửa tay trước khi pha sữa, quên khử trùng thật sạch các dụng cụ pha và đựng sữa hoặc sử dụng nguồn nước để pha sữa không đảm bảo vệ sinh.
Bạn dùng nước sôi để pha sữa cho con?
Dùng nước nguội, nước ấm hay nước sôi để pha sữa cho con cũng là chuyện tưởng chừng quá đơn giản nhưng ngộ nghĩnh thay, vẫn không ít mẹ thường xuyên phạm sai lầm!
Pha sữa bằng nước quá nóng, một số vitamin (đặc biệt vitamin nhóm B) và khoáng chất có trong sữa có thể mất đi. Pha sữa bằng nước nguội, một số loại sữa sẽ khó tan, ngoài ra theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, nhiệt độ đó không đủ để diệt các vi khuẩn nếu chúng còn lại trong ly tách.
Lý tưởng nhất, bạn nên pha sữa với nước ấm khoảng 50-70 độ C. Có nhiều cách để bạn có nước pha sữa đạt nhiệt độ mong muốn này. Chẳng hạn pha theo tỷ lệ 2/3 nước nguội + 1/3 nước sôi là sẽ có nước pha sữa phù hợp; hoặc nếu nhà có bình thủy nước sôi cho phép canh nhiệt độ, bạn đun sôi nước rồi để ở chế độ giữ ấm đến khi còn 50-70 độ C là có thể dùng nước pha sữa. Sau đó, để bình sữa đã pha ngâm trong tô nước lạnh hoặc ở nhiệt độ phòng, đến khi sữa đủ nguội để cho trẻ uống. Cần kiểm tra kỹ nhiệt độ sữa trước khi cho trẻ uống, tránh làm bỏng trẻ.
Dùng nước khoáng pha sữa có tốt không?
Nhiều gia đình rất tin tưởng vào độ an toàn của những chai nước khoáng. Vì thế, khi pha sữa cho bé, mẹ cũng lấy nước khoáng đóng chai pha cho yên tâm “đảm bảo vệ sinh”.
Tuy nhiên, rất tiếc đây là một sai lầm. Bản thân nước khoáng, như tên gọi của nó, chứa nhiều khoáng chất. Những khoáng chất này tốt cho cơ thể nhưng khi kết hợp với vào sữa, chúng có thể tạo ra những phản ứng hóa học, những chất mới gây ảnh hưởng sức khỏe của trẻ nhỏ. Hãy dùng nước sôi để nguội hoặc nước tinh khiết để pha sữa cho bé, đó sẽ là cách an toàn hơn.
Trữ sữa khi trẻ uống không hết
Khi trẻ uống không hết sữa, mẹ không nên trữ phần sữa chưa uống hết quá 2 giờ ở nhiệt độ phòng. Trường hợp muốn trữ lại lâu hơn, cần để trong ngăn đá tủ lạnh và cũng lưu ý rằng chỉ rã đông lại một lần cho trẻ uống. Nếu trẻ vẫn không uống hết lượng sữa này thì không nên tái giữ đông (cho lại lần nữa vào ngăn đá tủ lạnh).
Không tự ý pha “đặc”, “loãng”
Trên bao bì mỗi hộp sữa bất kỳ đều có hướng dẫn cách thức pha, lượng nước và lượng sữa. Bạn không nên tự ý cho thêm nhiều hơn hay ít hơn lượng sữa đã được quy định. Nếu bạn cho thêm quá nhiều, thận của bé sẽ trở nên quá tải, và nếu bạn pha quá ít sữa, bé sẽ không hấp thu đủ lượng chất dinh dưỡng cần thiết. Cả hai việc này đều không tốt cho bé cả.
Không trộn bất kỳ thứ gì vào sữa nếu không có hướng dẫn
Nếu bạn muốn cho thêm vào cốc sữa của con vài muỗng ca cao, muốn đập một cái lòng đỏ trứng gà vào ly sữa của con cho bổ, muốn thêm vào sữa ít nước củ dền để con thêm khoáng chất…, xin hãy ghi nhớ một nguyên tắc là: Không!
Không pha thêm bất kỳ chất gì, thức ăn gì khác vào sữa, trừ khi trên bao bì hộp sữa hoặc bao bì sản phẩm bạn muốn thêm vào ghi chú rõ việc này có thể. Ví dụ trên bao bì một số loại bánh ngũ cốc ghi rõ bạn có thể sử dụng sữa tươi để thêm vào. Việc tùy tiện thêm chất khác, kết hợp sữa với món ăn khác có thể gây nên những ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bé.
Tránh cho trẻ uống sữa trước và sau khi uống thuốc
Nếu con đang ốm và phải uống thuốc, bất kể thuốc gì (đau bụng, cảm, ho, đau răng…) bạn cần canh thời điểm cho con uống sữa và uống thuốc cách nhau ít nhất 1 tiếng đồng hồ.
Việc cho trẻ uống sữa và uống thuốc gần như cùng lúc với nhau hoặc cách nhau trong khoảng thời gian quá ngắn (dưới 1 tiếng) sẽ có khả năng giảm tác dụng của thuốc, dẫn đến việc trẻ uống thuốc mà không mang đến hiệu quả. Lý do là sữa dễ dàng tạo một màng mỏng trên bề mặt của thuốc. Canxi, magiê và các chất khoáng khác trong sữa sẽ có phản ứng hóa học với thuốc, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc.
Sữa + cháo = Không nên!
Để tăng cân cho con, nhiều bà mẹ chọn cách thêm sữa vào món cháo ăn dặm của bé. Nhưng như đã nói, sữa thực tế nên dùng độc lập, tránh kết hợp với bất cứ món nào nếu không được hướng dẫn chi tiết trên bao bì hoặc được bác sĩ dinh dưỡng tư vấn riêng. Trong trường hợp này, bạn nên để trẻ ăn cháo riêng và xem sữa như một bữa dặm thêm, được uống sau đấy khoảng 2 giờ để bé hấp thu trọn vẹn dưỡng chất từ cả hai món.
K.N