Mẹ&Con - Có nhiều nguyên nhân khiến các bé bỗng nhiên sợ đi học: Có thể bé gặp những chuyện không vui khi đến lớp, bị thầy cô la mắng, chê bai, hù dọa, bị bạn bè bạo lực, trêu chọc, tẩy chay hoặc cũng có thể là khả năng tiếp thu của bé chậm hơn bạn bè nên bé cảm thấy áp lực với việc học. Dạy cho con những kỹ năng cơ bản gì khi đi học mầm non? 4 điều bố mẹ thường quên khi con đi học trở lại Sau hè, bé ghét đi học, phải làm sao?

“Bé nhà em năm nay được 6 tuổi rồi, hồi trước bé rất thích đi học nhưng dạo gần đây hễ đến trường là lại ôm chân mẹ đòi về. Mỗi lần nghe đến từ “đi học” là bé lại sợ quắn lên. Khi bé làm được một việc gì ngoan mà được em khen giỏi là bé lại nói: “Con giỏi rồi, mẹ đừng cho con đi học nha!”. Dù hiện giờ bé chưa học gì nhiều hết, hè vừa rồi em cũng cho bé vui chơi thoải mái không bắt ép bé việc học mà không hiểu sao giờ bé lại như vậy? Nhờ chuyên gia tư vấn giúp em với ạ.”

Mẹ Xương Rồng (Q.2)

Chuyên gia tư vấn

Chào bạn,
Có nhiều nguyên nhân khiến các bé bỗng nhiên sợ đi học: Có thể bé gặp những chuyện không vui khi đến lớp, bị thầy cô la mắng, chê bai, hù dọa, bị bạn bè bạo lực, trêu chọc, tẩy chay hoặc cũng có thể là khả năng tiếp thu của bé chậm hơn bạn bè nên bé cảm thấy áp lực với việc học. Cũng có những bé không thích thay đổi môi trường học cũ, không muốn chia xa cô giáo, bạn bè, xa những người mà bé yêu quý. Đây là độ tuổi bé bước vào lớp 1 nên có thể bé sợ đi học vì nghe ai đó nói rằng vào lớp 1 phải học rất nhiều, thầy cô giáo rất nghiêm khắc… Ngoài ra việc bé không muốn đến lớp có thể liên quan đến sự bất an, lo lắng khi bố mẹ thường xuyên cãi vã, mâu thuẫn, bé sợ bố mẹ sẽ bỏ rơi bé nên không dám rời bố mẹ. Cũng có khi bé không muốn đến trường vì mẹ sinh em bé, bé ghen tị với em, sợ bố mẹ sẽ dành hết tình cảm cho em nên ở nhà để “canh chừng”… Vì vậy, việc sớm tìm hiểu nguyên nhân khiến bé sợ đi học là điều rất cần thiết để bố mẹ có thể giúp bé khắc phục tâm lý bất an, lo lắng và không còn cảm giác sợ đi học nữa.

Làm sao khi bé sợ... đi học 4

Trước tiên, bố mẹ cần tìm hiểu về những biểu hiện bất thường của bé trong thời gian gần đây: Bé có tỏ ra lo lắng, sợ hãi hay không, bé có những biểu hiện về rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống hay không. Bố mẹ cũng tìm hiểu về môi trường học hiện tại của bé thông qua việc trò chuyện, chia sẻ với thầy cô về những thay đổi tâm lý của bé, về mối quan hệ với bạn bè, bé có vui vẻ chơi với bạn bè như trước hay không… Khi chưa tìm được nguyên nhân, bố mẹ không nên la mắng, ép buộc bé mà cần chọn những thời điểm thích hợp để giúp bé bộc lộ tình cảm, suy nghĩ. Chỉ cần thấu hiểu những lo lắng của con và đặt những câu hỏi mở, bố mẹ sẽ khơi gợi để bé chia sẻ. Khi có được sự đồng cảm từ bố mẹ bé mới dễ dàng bộc lộ cảm xúc và nhờ đó bố mẹ tìm hiểu được nguyên nhân khiến bé lo lắng, từ đó có cách giúp con khắc phục.

Bố mẹ cũng cần lưu ý về việc các bé ở độ tuổi này sợ đi học có thể liên quan đến việc bé chưa được chuẩn bị tâm lý khi bước vào lớp 1. Khi học ở trường mẫu giáo, hoạt động chủ đạo của các bé là vui chơi, vì vậy việc chuyển sang hoạt động học tập là chủ đạo ở lớp 1 sẽ khiến các bé bỡ ngỡ, khó thích nghi dẫn đến lo lắng, sợ hãi nếu không có sự chuẩn bị cả về thể lực, trí lực và tâm lý. Vì vậy, trước khi con bước vào lớp 1, bố mẹ cần cho bé làm quen với các con số và chữ cái thông qua việc chơi mà học. Trên đường đón con đi học về, bố mẹ có thể khuyến khích con đoán số, tìm chữ trên những biển số xe, biển số nhà, bảng hiệu… Khi cùng con dọn bát đũa ăn cơm, bố mẹ cũng có thể đố con xem nhà mình cần bao nhiêu đôi đũa, mấy cái bát, nếu thiếu đi hai người thì phải cất đi mấy chiếc… Đó là những cách học đơn giản mà hiệu quả, tạo hứng thú giúp bé tiếp thu nhanh và nhớ lâu hơn.

Bố mẹ lưu ý không đem việc đi học để hù dọa bé chẳng hạn như: “ Con không ngoan bố sẽ mách cô giáo”, “Con không chịu viết bài mai mốt vào lớp 1 sẽ bị cô giáo đánh”… Hãy giúp bé cảm nhận khi đến trường bé sẽ “ được” rất nhiều thứ: Được học ở ngôi trường rộng lớn có nhiều bóng cây, được làm quen với nhiều bạn mới, chơi nhiều trò chơi mới, cô giáo sẽ dạy cho con nhiều điều hay… Nhờ có sự chuẩn bị tâm lý bé sẽ có một tâm thế tràn đầy hứng khởi và tự tin để bước vào lớp 1.

Quan trọng hơn cả vẫn là việc bố mẹ luôn gần gũi, yêu thương, tạo bầu khí gia đình thuận hòa, ấm áp hạnh phúc để bé an tâm tin tưởng và chia sẻ mọi điều.

Theo sự tư vấn của Thạc sĩ Tâm lý Lâm sàng Vũ Cẩm Vân (Hội quán Các bà mẹ TP.HCM)

Tags:

Bài viết liên quan