Mẹ&Con - Nhiều người tưởng rằng chỉ có người lớn mới trầm cảm, chứ trẻ con làm sao trầm cảm được nên đã thờ ơ, chủ quan và bỏ qua mất các dấu hiệu này...

Chào bác sĩ!

Con tôi mới 7 tuổi. Sức khỏe, chiều cao, cân nặng của bé hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, khoảng thời gian gần đây, tôi nhận ra con ít chơi đùa, có vẻ như chán nản, bực bội, dễ cáu bẳn và sau đó thì trở nên buồn bã, kém ăn, ít nói chuyện, chỉ thích ở một mình. Thấy bé quá bất thường, tôi tìm cách trò chuyện với con thì bé vẫn “hiểu” rất rõ những gì tôi nói, ý tôi là bé không phải dạng “tự kỷ” hay có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tôi ngạc nhiên với những dấu hiệu kéo dài của con, đưa bé đến bác sĩ thì sau nhiều tuần theo dõi, kiểm tra, bác sĩ báo với tôi là… con tôi bị trầm cảm. Tôi không hiểu tại sao trẻ con mà cũng bị trầm cảm? Tôi có thể làm gì cho con, và chuyện trầm cảm đó có ảnh hưởng thế nào?

Nguyễn Thị Thùy Dung (Quận Bình Tân)

 Bác sĩ trả lời

Nhiều người tưởng rằng chỉ có người lớn mới trầm cảm, chứ trẻ con làm sao trầm cảm được nên đã thờ ơ, chủ quan và bỏ qua mất các dấu hiệu này. Chính vì thế, đến khi phát hiện thì thường là trẻ đã suy nhược ở mức khá nặng. Bạn cần biết, người lớn khi quá mệt mỏi, quá căng thẳng hay quá stress, đau buồn, kiệt sức… thì sẽ dễ nhận ra và có kỹ năng cũng như kiến thức để giải quyết được những trở ngại của mình ngay. Trong khi đó, ngược lại, trẻ nhỏ hoàn toàn không đủ sức tự vượt qua những cảm giác mệt mỏi, chán chường, đau buồn hay kiệt sức.

Bạn chỉ có thể phát hiện ra điều đó thông qua việc trẻ biếng ăn, buồn nản, trì trệ, làm mọi việc đều chậm hơn trẻ bình thường. Trẻ từ chối vui đùa, trở nên khép kín, biếng ăn, mất ngủ, đau đầu hoặc đau bụng, bứt rứt, có thể khóc một mình. Ở trẻ rất nhỏ, bạn có thể phát hiện thấy ngay cả một số kỹ năng bình thường cũng bị suy giảm, ví dụ như trẻ không biết tự chuẩn bị tập vở, tự xếp dọn đồ chơi, đi vệ sinh mất tự chủ… Một số bé lại trở nên hung dữ, thô bạo, cáu bẳn vô cớ, có thể thủ dâm, mày mò cơ quan sinh dục (như một cách để “trấn an”, “giải tỏa” cho mình). Về mặt thể chất, bé có thể xuất hiện những bệnh liên quan đến sức đề kháng như tiêu chảy, cảm cúm, do tinh thần bị kích động, cơ thể mệt mỏi.

Những trạng thái này xuất hiện khi trẻ gặp phải một số xáo trộn nào đó. Muốn “hiểu” con, bạn cần đặt mình “bé” lại để cảm nhận, đừng thấy những chuyện như bố vắng nhà lâu, mẹ bận công việc ít chơi cùng, bé phải đổi lớp, đổi trường, thay cô giúp việc trực tiếp chăm sóc bé… là “chuyện nhỏ”. Với bạn có thể là chuyện nhỏ, nhưng với một đứa trẻ, đó có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trầm cảm nặng nề.

Việc bạn cần làm lúc này là theo sát hướng dẫn của bác sĩ để có thể thực hiện những biện pháp điều trị tâm lý cho trẻ. Có một số trường hợp đặc biệt có thể phải sử dụng thêm thuốc, tuy nhiên bác sĩ sẽ rất cân nhắc. Bạn nên dành thật nhiều thời gian cho con, an ủi, vỗ về, có thể đưa trẻ đi chơi xa một chuyến (ví dụ về quê) để trẻ thay đổi không khí, được nghỉ ngơi, vui đùa thoải mái.

Tags:

Bài viết liên quan