Mẹ&Con - Nhọt xảy ra do da bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng. Nguyên nhân có thể do trẻ bị suy dinh dưỡng, giữ vệ sinh cơ thể kém, v.v..

Chào bác sĩ!

Bé nhà tôi được 6 tuổi. Sức khỏe của bé cơ bản bình thường, ít bệnh vặt và cũng không có vấn đề gì đáng kể. Tuy nhiên, tôi rất thắc mắc tại sao con thường xuyên bị nổi nhọt. Cái nhọt này chưa kịp lặn thì cái nhọt kia đã nổi lên. Thấy con đau nhức mà tôi phát sốt cả ruột. Tôi sợ bé nóng trong người nên đã cho ăn uống rất nhiều món mát. Nhưng ăn thì ăn, nhọt nổi thì… vẫn nổi. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi nên làm gì cho con? Việc nổi nhọt thường xuyên như thế có phải là dấu hiệu bất ổn về sức khỏe của bé hay không? Chân thành cảm ơn bác sĩ.

Nguyễn Thị Hồng Yến (Quận Tân Phú)

 Bác sĩ trả lời

Nhọt, trong y học được định nghĩa là thương tổn nhiễm trùng sâu quanh các nang lông. Ban đầu, nhọt chỉ là cục sưng đỏ, sờ thấy cứng, rất đau. Để vài ngày thì sẽ thấy nhọt mưng mủ lên với một ngòi màu vàng và hoại tử vùng chính giữa thương tổn. Những mụn nhọt này có thể xuất hiện ở mọi nơi trên cơ thể, đặc biệt là ở da đầu, mặt, cổ và mông.

Nhọt xảy ra là do da bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng. Các cháu bé bị suy dinh dưỡng sẽ dễ bị nhọt hơn các cháu bé có cân nặng, chiều cao phát triển bình thường. Vì thế, nếu như con bạn bị nổi nhọt thường xuyên thì cần đặt ngay câu hỏi rằng cháu có bị suy dinh dưỡng không? Trong trường hợp như bạn nói, cháu có chiều cao cân nặng bình thường, không có vấn đề gì về sức khỏe thì cần rà soát yếu tố tiếp theo là cháu bé được vệ sinh da hàng ngày như thế nào, có ổ nhiễm trùng nào trên cơ thể hay không?

Cần biết rằng ở trẻ nhỏ, nhiều trẻ lười tắm, hay trốn tắm, tắm qua loa. Nếu mẹ không chú ý để vệ sinh cho con cẩn thận thì việc trẻ chạy chơi nhiều, tiết mồ hôi nhiều, lại chưa biết giữ vệ sinh, hay nổi rôm sảy, sau đó chà, gãi ngứa bằng móng tay bẩn, v.v. đều sẽ là nguyên nhân để gây nhiễm trùng, sinh ra nhọt.

Nếu đã rà soát tất cả các yếu tố gợi ý nói trên vẫn không tìm ra được nguyên nhân, tốt hơn hết bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ, vì việc nổi nhọt trở đi trở lại nhiều lần, thường xuyên như thế là dấu hiệu bệnh lý, bất thường. Cũng không nên tự ý nặn bừa bãi nhọt trên cơ thể trẻ vì sẽ rất dễ làm nhiễm trùng lan rộng. Nên để bác sĩ xử trí trong môi trường vệ sinh của bệnh viện. Bác sĩ có thể rạch nhọt cho mủ thoát ra, cho thuốc uống hoặc thuốc bôi phù hợp.

Tags:

Bài viết liên quan