Tình trạng bắt cóc trẻ em hiện nay đang xảy ra theo chiều hướng báo động, không chỉ ở các thành phố lớn mà còn bắt đầu rải rác ở các vùng nông thôn. Thủ đoạn của những kẻ bắt cóc cũng càng ngày càng tinh vi như: Giả làm người nhà ngang nhiên tới đón bé ngay tại trường học, bí mật theo dõi trẻ nhỏ, khi nhận thấy sự lơ là của người lớn sẽ thực hiện hành vi bắt cóc… Đã có rất nhiều trường hợp thương tâm tìm con trong vô vọng của các bậc làm cha làm mẹ như anh Lương Thế Huynh ngụ xã Tà Nung, Đà Lạt, Lâm Đồng mất ăn mất ngủ chạy xe hàng ngàn cây số lang thang tìm con là một ví dụ điển hình. Chỉ một phút xuống ao cách đó 70m cho cá ăn, tới khi nghe tiếng gọi “Bố ơi, bố ơi” anh chạy ra thì cậu bé đã biến mất một cách bí ẩn kèm theo tiếng chó sủa inh ỏi… Vậy, với những hành vi vô cùng táo tợn của những kẻ bắt cóc, các bậc phụ huynh nên làm gì? Dưới đây là chia sẻ của anh Hoàng Anh Tú – “Chánh Văn” một thời trên báo Hoa Học Trò.
Anh Chánh Văn – Hoàng Anh Tú
Kẻ nguy hiểm và nỗi sợ hãi triền miên
“Hôm rồi, tôi có nhận được comment của một bạn trẻ hỏi tôi: Sao chúng ta luôn dạy con mình về kẻ lạ nguy hiểm, nhồi nhét vào đầu con về những hiểm nguy tiềm tàng trong cuộc sống. Rồi đứa trẻ lớn lên cùng nỗi sợ hãi triền miên…
Tôi mất 5 ngày để nghĩ mãi về câu hỏi đó. Đây chưa hẳn là một câu trả lời vì thực lòng tôi vẫn chưa tìm ra câu trả lời. Chỉ là đôi câu giãi bày, trải lòng về kẻ lạ nguy hiểm!
Nỗi sợ hãi thường trực chung của tất cả mọi ông bố, bà mẹ đó là sợ ai đó sẽ bắt cóc con mình. Và những tổn hại gây ra cho con mình. Đó là lý do chúng ta vẽ một vòng tròn “Tôn Ngộ Không” xung quanh con. Vòng tròn tạo bởi những răn đe, doạ dẫm về người lạ. Chúng ta còn cách nào để bảo vệ con mình ngoài cách ấy???
Chính chúng ta, hồi còn nhỏ, nhiều người cũng đã bị nhốt trong cái vòng tròn đó. Ông Ba Bị luôn là quái vật đáng sợ nhất của chúng ta. Bao nhiêu đứa trẻ lớn lên mang theo nỗi sợ hãi ấy. Thành chứng khó gần. Thành bệnh sợ tiếp xúc với người lạ. Thành nỗi ám ảnh khôn nguôi về những hiểm nguy rập rình. Lòng tin về thế giới bên ngoài vì thế mà mong manh, vì thế mà toàn ngờ vực. Những người lạ yêu trẻ con, chỉ muốn xoa đầu trẻ con, thơm một đứa trẻ, cưng nựng hay tặng quà một đứa trẻ cũng bị nghi ngờ bởi chính đứa trẻ. Tôi cũng đã từng bị vậy đôi lần bởi thói quen muốn ngắm lũ trẻ mỗi khi mình stress hồi chưa có Pi, My, Nguyên.
Chúng ta muốn con cái tự tin, hoà đồng, sẵn sàng kết bạn hay đơn giản chỉ là không rụt rè, nhút nhát khi gặp người lạ. Nhưng chính chúng ta lại, ở một thời điểm nào đó, dạy con tránh tiếp xúc với người lạ. Vậy con sẽ phải nghe theo điều nào? Một đứa trẻ liệu có đủ hiểu biết để biết lúc nào là người lạ ta cần bày tỏ và lúc nào là người lạ ta nên tránh tiếp xúc???
Tôi nghĩ, nghĩ mãi mà vẫn chẳng có câu trả lời! Có nhiều cha mẹ chọn từ khoá “người lạ” nguy hiểm khi mà nỗi sợ hãi con bị bắt cóc lớn hơn hẳn nỗi mong muốn con tự tin. Nhưng một đứa trẻ thiếu tự tin thì cũng thật đáng sợ, đáng buồn.
Tôi chọn cách dạy con tự bảo vệ chính mình và không thổi phồng nỗi sợ người lạ. Rằng người lạ không đáng sợ nếu như con biết cách tự bảo vệ mình. Dạy con đánh giá tình huống thay vì cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng. Tuỳ từng lứa tuổi mà bài học khác nhau. Với 3 đến 6 tuổi là chỉ tiếp xúc người lạ khi có bố mẹ, người thân ở cạnh. Luôn ở sát bên bố mẹ, người thân. Người lạ nào cũng cần phải được làm quen, kết bạn với sự trợ giúp của bố mẹ, người thân. Không ai được bế ẵm nếu chưa có sự đồng ý của bố mẹ. Tôi sẽ cùng con kết bạn với nhiều người lạ thay vì đóng cửa. Với trẻ lớn hơn, tôi sẽ dạy con về những kỹ năng nên và không nên. Và cả những tình huống có thể xảy ra. Như chọn nơi đông người khi phải tiếp xúc với người lạ. Như cách liên lạc với người thân. Như các dấu hiệu nguy hiểm….
Chừng đó hẳn vẫn là chưa đủ với những hiểm hoạ rình rập quanh con. Nhưng chí ít chúng ta có thể giúp con nhìn nhận, chia sẻ, đánh giá một cách công tâm hơn về người lạ. Và hơn cả thế, tôi thật lòng muốn con mình lớn lên cùng những nỗi sợ hãi đúng chỗ chứ không mơ hồ hay tất thảy. Nỗi sợ hãi vừa đủ để tự bảo vệ mình thay vì cản bước mình, đặt giới hạn cho mình.
Nguy hiểm thì lúc nào cũng có. Dạy con ứng xử với nguy hiểm có lẽ vẫn tốt hơn dạy con tránh né hay kè kè bên con! Tôi nghĩ vậy. Còn bạn? Bạn có cách nào khả dĩ hơn không???”
Trên đây là cách dạy con ứng xử với nguy hiểm, còn bạn thì sao? Quan điểm của bạn thế nào?