Chào chuyên gia!
Bé nhà tôi năm nay 3 tuổi. Vợ chồng tôi đi làm cả ngày nên giao bé cho người giúp việc chăm sóc. Chị ấy là người ở dưới quê, có bà con gần; thêm nữa bé có vẻ quý mến chị nên vợ chồng tôi cũng yên tâm. Ban ngày, cháu đi học ở nhà trẻ đến 4 giờ mới đón về. Dạo gần đây, thấy bé nói chuyện thỉnh thoảng hay dùng những ngôn từ “lạ”, có phần hơi tục tĩu. Tưởng đâu bé học ở bạn bè trên lớp, nhưng không phải vậy. Một lần đi làm về sớm, cả hai vợ chồng tôi đều “choáng” khi nghe cuộc đối thoại của con với người giúp việc, với những ngôn từ hết sức thô thiển. Con còn tỏ ta khoái chí với cách ăn nói như vậy. Tôi đã nghĩ trong đầu cần phải nói chuyện nghiêm túc với chị giúp việc. Tuy nhiên, còn với con, ở cái tuổi dễ bắt chước người lớn ấy, tôi phải làm sao cho cháu hiểu những gì nên và không nên bắt chước?
Phương Nam (Quận 4)
Tôi có thể hình dung được sự lo lắng đến mức “phát hoảng” của bạn về hành vi và ngôn ngữ thiếu trong sáng của con vì bị ảnh hưởng từ người giúp việc. Tuy vậy, không như điều bạn lo lắng, trẻ con có thể dễ dàng bắt chước những hành vi và ngôn ngữ của người thường xuyên gần gũi, chăm sóc, nhưng cũng rất dễ dàng để thay đổi theo những hành vi và ngôn ngữ tích cực khi được quan tâm điều chỉnh thích hợp.
Trước mắt và cần thiết nhất là bạn góp ý ngay với người giúp việc để chị ấy chú ý hơn đến cách hành xử và ngôn ngữ của mình với con. Tất nhiên, nếu bạn có thể bình tĩnh để góp ý một cách chân tình và nhẹ nhàng thì tình huống sẽ ít căng thẳng hơn và vẫn có thể “giữ được” người giúp việc mà lâu nay gia đình bạn đã tin tưởng. Sau đó, chuyện thứ hai cũng quan trọng không kém (và đôi lúc là quan trọng nhất) là vợ chồng bạn cần thu xếp nhiều thời gian hơn dành cho con, trao đổi và tập cho con những hành vi và ngôn ngữ thích hợp. Không nhất thiết phải la mắng hoặc dạy bảo con phải ăn nói như thế nào, mà chỉ cần chơi với con nhiều hơn, dùng những từ ngữ thích hợp và tập cho con làm theo. Dần dần tình hình sẽ thay đổi, tôi tin là sẽ không quá phức tạp trong trường hợp như con của bạn.