“Con em năm nay 3 tuổi, tuy là con gái nhưng bé rất quậy phá. Lần đầu tiên cho bé đi học, ở lớp có gần 20 bạn thì bé “gây sự” với hơn 10 bạn khiến cô giáo gọi về “mắng vốn” làm em rất ngại. Sau đó em chuyển bé qua vài trường khác nhưng tình hình cũng không được cải thiện, bé vẫn hay ăn hiếp các bạn, kể cả những bạn cao lớn hơn mình khiến người làm mẹ như em rất khó xử. Em phải làm sao để con gái mình trở nên dịu dàng, bớt quậy phá?”
Ánh Hòa (Phú Yên)
Bé tuy mới 3 tuổi nhưng rất quậy phá – Ảnh minh họa
Chuyên gia tư vấn:
Một đứa trẻ lên ba tính khí ương bướng là hiện tượng tâm lý bình thường. Lúc này trẻ chưa biết thế nào là lễ độ hay những khuôn phép trong giao tiếp của thế giới người lớn. Vì vậy, khi thấy con có những hành vi “gây sự” thái quá ở giai đoạn “khủng hoảng tuổi lên 3” này, đừng vội quy chụp cho bé là “lệch chuẩn”, hư, hỗn láo, càng không nên đánh mắng, quát tháo. Bởi điều đó chỉ làm trẻ thêm căng thẳng, khó bảo hơn. Để có giải pháp tốt nhất rèn bé, đưa bé vào nền nếp, cần phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao bé lại như vậy:
Phải chăng hành vi này xuất phát từ việc hồi nhỏ bé hay cắn núm vú và ngón tay mẹ mà không nhận được sự “cảnh báo” hợp lý (có mẹ giật mình hét lên vả vào miệng hoặc phát vào mông con, có mẹ xô mạnh con ra, có mẹ nghiến răng chịu đau), bé thấy vui với trò này, càng ngày càng “leo thang” và hình thành thói quen cắn hoặc vả vào mặt người khác.
Bố mẹ và người thân cưng chiều và cung phụng con quá mức, cho con quá nhiều tự do và quyền hạn, cứ như ý bé là ý Trời. Khi được đáp ứng vô điều kiện mọi nhu cầu, một số trẻ nhận ra: làm quá lên sẽ được thỏa mãn một yêu sách nào đó. Từ đó hình thành tính ích kỷ và bé không biết được giới hạn của bản thân, dần dần củng cố thêm những hành vi tiêu cực khi giao tiếp với bạn bè và người khác. Ngược lại, nếu trẻ nhận được lối dạy dỗ khá “mạnh tay” ở nhà thì sẽ “giận cá chém thớt” và thường có xu hướng bắt chước người lớn khi giải quyết mọi mối quan hệ.
Cũng có thể bé làm vậy để gây chú ý, thu hút sự quan tâm của mọi người, muốn trở thành “thủ lĩnh”, “đại bàng” trong lớp.
Một số bà mẹ có con mắc tật hay đánh người đã áp dụng chiêu “lấy độc trị độc” bằng cách đánh con, rồi hỏi bé thấy thế nào, có thích không, có đau không, có muốn bị làm như thế nữa không. Có mẹ nghiêm mặt và đánh bé 1 cái thật đau đúng vào chỗ bé đã đánh người khác để bé “tởn”. Tưởng rằng nghiêm khắc làm vậy nhiều lần, bé sợ thì sẽ chừa hóa ra không ăn thua. Càng đánh bé càng lỳ đòn, hung dữ thêm, có bé còn đánh lại. Có mẹ chọn cách “làm ngơ”, cố gắng không để bé bị “quê” và không để mọi người “đụng vào tổ kiến lửa”.
Các nhà tâm lý nhi đồng khuyên rằng, đừng bị “bốc hỏa” khi đối mặt với các trò quá đáng của trẻ. Cần kiên quyết ngăn cấm trẻ trong các trường hợp: Làm đau người khác – Cáu gắt, mè nheo, ăn vạ – Nghịch ác, đùa dai. Không dùng bạo lực dù tức giận đến mấy, kẻo trẻ nghĩ rằng bạo lực và hung hăng là điều bình thường trong cuộc sống. Cách tốt nhất để giúp bé ý thức được những hành động của mình là từ tốn nói: “Mẹ biết con không cố ý đánh bạn, nhưng nhỡ tay làm bạn đau rồi kìa” hoặc: “Con có quyền bực mình nhưng không được đánh bạn. Đấy con xem, mẹ bực con nhưng có đánh con đâu”. Hãy đề nghị: “Bạn khóc rồi, con xin lỗi bạn đi”, nếu bé không chịu làm ngay thì đừng ép bằng được. Cứ “mưa dầm thấm lâu”, mỗi lần bé gây sự với bạn, dù là chuyện vặt, mẹ cũng yêu cầu con phải xin lỗi bạn ấy. Người lớn trong nhà cư xử đúng mực và xin lỗi nhau để làm gương cho con. Cả nhà giữ nguyên tắc: Luôn luôn tôn trọng, đối xử với bé như một người lớn. Khen ngợi khi bé làm đúng, không nặng lời khi bé làm sai và khuyến khích bé diễn đạt vì sao làm thế. Đây là dịp cha mẹ giúp con biết lắng nghe và nói ra những “vấn đề” của mình. Dần dần, bé sẽ hiểu và học được cách ứng xử.
Hãy giúp bé “thấy mình quan trọng” bằng cách làm bạn với con, cho con chạy nhảy ngoài trời, xen kẽ các trò chơi vận động mạnh và các trò đòi hỏi sự nhẹ nhàng, khéo léo. Qua các hoạt động vui chơi, trẻ học được cách tuân theo quy tắc (phải chờ đến lượt mình, chấp nhận sai thì bị loại, hợp tác với người cùng nhóm), bé cũng nếm mùi thua cuộc đồng thời cảm nhận được niềm vui của tình đoàn kết.
Theo sự tư vấn của Thạc sĩ – Bác sĩ Lan Hải (Cố vấn chuyên môn Hội quán các bà mẹ TP.HCM)