1. Chích ngừa thủy đậu bao lâu mới nên có thai?
Nếu dự định mang thai, bạn nên đi chủng ngừa thủy đậu trước tối thiểu 3 tháng để phòng ngừa lây truyền bệnh cho con trong thời gian mang thai và sau sinh.
2. Mắc thủy đậu lúc mang thai, con tôi có thể gánh hậu quả gì?
– Nếu bà mẹ mang thai mắc thủy đậu trong 3 – 4 tháng đầu của thai kỳ sẽ có nhiều khả năng gây dị dạng cho thai nhi. Trong 3 tháng đầu, đặc biệt tuần lễ thứ 8 đến 12 của thai kỳ, thai nhi có nguy cơ bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh. Biểu hiện thường gặp nhất của hội chứng thủy đậu bẩm sinh là sẹo ở da. Những bất thường khác có thể xảy ra là tật đầu nhỏ, bệnh lý võng mạc, đục thủy tinh thể, nhẹ cân, chi ngắn, chậm phát triển tâm thần hoặc có thể dẫn đến thai chết lưu, sảy thai, sinh non, sinh nhẹ cân.
– Nếu người mẹ mắc thủy đậu trong 3 tháng giữa thai kỳ, đặc biệt tuần 13 – 20 của thai kỳ, nguy cơ thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 2%. Sau tuần lễ thứ 20 thai kỳ, thủy đậu hầu như không ảnh hưởng trên thai.
– Nếu người mẹ nhiễm bệnh trong vòng 5 ngày trước sinh và 2 ngày sau sinh, bé sơ sinh dễ bị bệnh thủy đậu lan tỏa do mẹ chưa có đủ thời gian tạo kháng thể truyền cho thai nhi trước sinh. Tỉ lệ tử vong bé sơ sinh lúc này lên đến 25 – 30% số trường hợp bị nhiễm. Trong trường hợp bà mẹ bị nhiễm bệnh sau sinh khoảng 1 tuần sẽ dễ lây bệnh cho con. Trẻ bị nổi bóng nước nhiều hơn so với trẻ lớn, dễ bị viêm phổi và tử vong.
3. Từng bị thủy đậu lúc còn bé thì khi mang thai có cần lo lắng?
Phụ nữ đã từng nhiễm bệnh thủy đậu trước khi mang thai hoặc đã được chủng ngừa bệnh thủy đậu thì được miễn dịch với bệnh này, do trong cơ thể đã có kháng thể chống lại bệnh. Khi mang thai, thai phụ đã có kháng thể chống lại bệnh thủy đậu không cần phải lo lắng về biến chứng của bệnh đối với bản thân họ cũng như thai nhi.
4. Với bản thân thai phụ, thủy đậu có thể gây ảnh hưởng thế nào?
Không chỉ ảnh hưởng đến thai nhi mà với bản thân thai phụ, thủy đậu cũng gây nên hậu quả khó lường. Thai phụ nhiễm bệnh thủy đậu có nguy cơ viêm phổi do virus Varicella 10 – 20%. Trong số thai phụ viêm phổi do virus này thì tỉ lệ có nguy cơ tử vong lên đến 40%. Mẹ lưu ý rằng tỉ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu cao nhất trong số những người lớn nhiễm bệnh này. Điều đó nghĩa là không chỉ gây ảnh hưởng lớn cho bé mà với chính bạn, chuyện mắc thủy đậu trong lúc mang thai cũng rất nguy hiểm.
5. Nếu chẳng may mắc thủy đậu, thai phụ nên làm gì?
Chẳng may mắc thủy đậu trong thai kỳ, thai phụ cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu hóa, giữ vệ sinh thân thể, tránh làm vỡ những bóng nước vì có nguy cơ bội nhiễm. Song song đó, cần trao đổi ngay với bác sĩ đang theo dõi thai kỳ cho mình để có hướng xử trí phù hợp nhất, giảm thiểu những ảnh hưởng do thủy đậu mang đến.
6. Nếu mang thai nhưng chưa tiêm phòng thủy đậu, chưa mắc thủy đậu lúc nhỏ, bạn nên làm gì?
Trường hợp bạn có thai trước khi kịp tiêm phòng, lại chưa từng mắc thủy đậu khi còn nhỏ, cách tốt nhất có thể làm là tránh tiếp xúc với người bệnh thủy đậu, hạn chế đến những khu vực đông người. Giữ vệ sinh môi trường sống và vệ sinh thân thể tốt. Tuy nhiên, xin nhấn mạnh để bạn nhớ, virus gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp (hoặc không khí). Người lành rất dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi. Do đó, lý tưởng nhất vẫn là tiêm phòng chứ không phải chỉ ỷ y vào phương pháp cách ly người bệnh, vệ sinh thân thể…
Khi nào nên nghi ngờ mắc thủy đậu?
Khi khởi phát, người bệnh có thể có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ. Tuy nhiên, một số trường hợp lại có thể không có triệu chứng báo động. Sau đó, cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những “nốt rạ”. Đây là những nốt tròn nhỏ xuất hiện nhanh trong vòng 12-24 giờ. Các nốt này sẽ tiến triển thành những mụn nước, bóng nước. Nốt rạ có thể mọc khắp toàn thân hay mọc rải rác trên cơ thể, số lượng trung bình khoảng 100 – 500 nốt.
Trường hợp bình thường (lành tính), những mụn nước này khô đi, trở thành vảy và tự khỏi hoàn toàn trong 4 – 5 ngày. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như: Viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong.