6 thắc mắc thường gặp của “mẹ bầu” với thủy đậu
1. Chích ngừa thủy đậu bao lâu mới nên có thai?
Nếu dự định mang thai, bạn nên đi chủng ngừa thủy đậu trước tối thiểu 3 tháng để phòng ngừa lây truyền bệnh cho con trong thời gian mang thai và sau sinh.
2. Mắc thủy đậu lúc mang thai, con tôi có thể gánh hậu quả gì?
– Nếu bà mẹ mang thai mắc thủy đậu trong 3 – 4 tháng đầu của thai kỳ sẽ có nhiều khả năng gây dị dạng cho thai nhi. Trong 3 tháng đầu, đặc biệt tuần lễ thứ 8 đến 12 của thai kỳ, thai nhi có nguy cơ bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh. Biểu hiện thường gặp nhất của hội chứng thủy đậu bẩm sinh là sẹo ở da. Những bất thường khác có thể xảy ra là tật đầu nhỏ, bệnh lý võng mạc, đục thủy tinh thể, nhẹ cân, chi ngắn, chậm phát triển tâm thần hoặc có thể dẫn đến thai chết lưu, sảy thai, sinh non, sinh nhẹ cân.
– Nếu người mẹ mắc thủy đậu trong 3 tháng giữa thai kỳ, đặc biệt tuần 13 – 20 của thai kỳ, nguy cơ thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 2%. Sau tuần lễ thứ 20 thai kỳ, thủy đậu hầu như không ảnh hưởng trên thai.
– Nếu người mẹ nhiễm bệnh trong vòng 5 ngày trước sinh và 2 ngày sau sinh, bé sơ sinh dễ bị bệnh thủy đậu lan tỏa do mẹ chưa có đủ thời gian tạo kháng thể truyền cho thai nhi trước sinh. Tỉ lệ tử vong bé sơ sinh lúc này lên đến 25 – 30% số trường hợp bị nhiễm. Trong trường hợp bà mẹ bị nhiễm bệnh sau sinh khoảng 1 tuần sẽ dễ lây bệnh cho con. Trẻ bị nổi bóng nước nhiều hơn so với trẻ lớn, dễ bị viêm phổi và tử vong.
3. Từng bị thủy đậu lúc còn bé thì khi mang thai có cần lo lắng?
Phụ nữ đã từng nhiễm bệnh thủy đậu trước khi mang thai hoặc đã được chủng ngừa bệnh thủy đậu thì được miễn dịch với bệnh này, do trong cơ thể đã có kháng thể chống lại bệnh. Khi mang thai, thai phụ đã có kháng thể chống lại bệnh thủy đậu không cần phải lo lắng về biến chứng của bệnh đối với bản thân họ cũng như thai nhi.
4. Với bản thân thai phụ, thủy đậu có thể gây ảnh hưởng thế nào?
Không chỉ ảnh hưởng đến thai nhi mà với bản thân thai phụ, thủy đậu cũng gây nên hậu quả khó lường. Thai phụ nhiễm bệnh thủy đậu có nguy cơ viêm phổi do virus Varicella 10 – 20%. Trong số thai phụ viêm phổi do virus này thì tỉ lệ có nguy cơ tử vong lên đến 40%. Mẹ lưu ý rằng tỉ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu cao nhất trong số những người lớn nhiễm bệnh này. Điều đó nghĩa là không chỉ gây ảnh hưởng lớn cho bé mà với chính bạn, chuyện mắc thủy đậu trong lúc mang thai cũng rất nguy hiểm.
Biến chứng nguy hiểm của thủy đậu trên mẹ bầu
– Nhiễm trùng các nốt phỏng sẽ để lại sẹo xấu sau này. Viêm mô tế bào, áp xe dưới da, viêm hạch ngoại biên.
– Viêm phổi thủy đậu: Đây là biến chứng nguy hiểm, có thể xảy ra trong thời kì xuất hiện bóng nước với sốt cao, khó thở, tím tái, đau ngực và ho ra máu.
– Tổn thương khác: Viêm não (nhức đầu, co giật , rối loạn ý thức) tổn thương thần kinh (liệt thần kinh) và hội chứng Reye (kết hợp tổn thương gan và não, có khả năng gây tử vong )…
5. Nếu chẳng may mắc thủy đậu, thai phụ nên làm gì?
Chẳng may mắc thủy đậu trong thai kỳ, thai phụ cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu hóa, giữ vệ sinh thân thể, tránh làm vỡ những bóng nước vì có nguy cơ bội nhiễm. Song song đó, cần trao đổi ngay với bác sĩ đang theo dõi thai kỳ cho mình để có hướng xử trí phù hợp nhất, giảm thiểu những ảnh hưởng do thủy đậu mang đến.
6. Nếu mang thai nhưng chưa tiêm phòng thủy đậu, chưa mắc thủy đậu lúc nhỏ, bạn nên làm gì?
Trường hợp bạn có thai trước khi kịp tiêm phòng, lại chưa từng mắc thủy đậu khi còn nhỏ, cách tốt nhất có thể làm là tránh tiếp xúc với người bệnh thủy đậu, hạn chế đến những khu vực đông người. Giữ vệ sinh môi trường sống và vệ sinh thân thể tốt. Tuy nhiên, xin nhấn mạnh để bạn nhớ, virus gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp (hoặc không khí). Người lành rất dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi. Do đó, lý tưởng nhất vẫn là tiêm phòng chứ không phải chỉ ỷ y vào phương pháp cách ly người bệnh, vệ sinh thân thể…
Khi nào nên nghi ngờ mắc thủy đậu?
Khi khởi phát, người bệnh có thể có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ. Tuy nhiên, một số trường hợp lại có thể không có triệu chứng báo động. Sau đó, cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những “nốt rạ”. Đây là những nốt tròn nhỏ xuất hiện nhanh trong vòng 12-24 giờ. Các nốt này sẽ tiến triển thành những mụn nước, bóng nước. Nốt rạ có thể mọc khắp toàn thân hay mọc rải rác trên cơ thể, số lượng trung bình khoảng 100 – 500 nốt.
Trường hợp bình thường (lành tính), những mụn nước này khô đi, trở thành vảy và tự khỏi hoàn toàn trong 4 – 5 ngày. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như: Viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong.
Mẹ bầu nên:
– Giữ vệ sinh răng miệng bằng nước muối sinh lý, vệ sinh tai mũi họng.
– Bổ sung nước cam, nước chanh (để có vitamin C tự nhiên, giúp tăng cường sức đề kháng).
– Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi.
– Chú ý đảm bảo vệ sinh da để tránh xảy ra biến chứng.
– Giữ bàn tay thật sạch, tránh gãi cào làm vỡ các nốt thủy đậu vì dễ gây bội nhiễm và có thể tạo thành sẹo lâu dài.
– Chủ động cách ly để tránh lây lan cho mọi người xung quanh.
– Giữ phòng ốc thoáng sạch.
– Báo ngay với bác sĩ đang theo dõi thai kỳ của bạn.
– Nếu thai phụ thấy khó chịu, lừ đừ, mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc có xuất huyết trên nốt rạ, người nhà cần đưa thai phụ đến ngay bệnh viện.
Ai nên tiêm vắc-xin thủy đậu?
Tất cả những người chưa bị mắc bệnh hoặc chưa được tiêm vắc-xin đều nên chủng ngừa. Lưu ý, không tiêm vắc-xin thủy đậu khi đang sốt hoặc bị bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, người mẫn cảm với các thành phần của vắc-xin, người bị thiếu hụt miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải, phụ nữ đang mang thai.
Vắc-xin này được tiêm 1 liều cho trẻ từ 12 tháng tuổi tới 12 tuổi, và 2 liều cách nhau 4 – 8 tuần cho trẻ thiếu niên từ 13 tuổi trở lên hoặc người lớn. Với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (18-40 tuổi) nên chủ động tiêm vắc-xin thủy đậu trước khi mang thai 3 tháng.
Hiệu quả bảo vệ của vắc-xin thủy đậu có tác dụng lâu bền. Nếu đã được chủng ngừa thủy đậu thì đại đa số từ 90% có khả năng phòng bệnh tuyệt đối. Khoảng 10% còn lại có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị rất nhẹ, với rất ít nốt đậu, khoảng dưới 50 nốt, và thường là không bị biến chứng.
Mẹ bầu cần biết
Thủy đậu xảy ra nhiều nhất vào giai đoạn từ cuối năm dương lịch cho đến tháng 4 – 5 hàng năm. Bệnh thủy đậu có thể gặp ở tất cả mọi người nhưng thường là ở trẻ từ 5 – 9 tuổi và nặng nhất xảy ra ở người lớn tuổi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Với thai phụ, cần đặc biệt thận trọng vì thủy đậu gây ra nhiều tác hại cho cả thai phụ lẫn thai nhi.
Kể từ khi bị nhiễm virus gây bệnh thủy đậu cho đến khi bệnh bắt đầu có triệu chứng biểu hiện trên cơ thể trung bình là 14 ngày, có người bị sớm hơn 10 – 12 ngày và có người trên 20 ngày mới bị phát bệnh. Điều đó đồng nghĩa với việc có những người đã mắc thủy đậu vẫn không biết vì chưa có biểu hiện cụ thể và có khả năng vô tình lây cho người khác.
Triệu chứng lâm sàng của thủy đậu thường dễ nhận biết, bao gồm: Sốt, mệt mỏi, nổi bóng nước khắp người, đường kính bóng nước từ 2 – 5mm.
Bầu có dễ mắc thủy đậu không?
Theo nghiên cứu dịch tễ học, tại Anh và Mỹ, tần suất bệnh thủy đậu trên thai kỳ khoảng 3/1000. Tại Mỹ, có ít nhất 3 triệu thai phụ mỗi năm, như vậy có khoảng 9.000 trường hợp thai phụ mắc bệnh thủy đậu mỗi năm.
Tại bệnh viện Từ Dũ, hàng năm với hơn 70.000 trường hợp đến khám thai, trong đó có số lượng không nhỏ thai phụ bệnh thủy đậu.
Theo sự tư vấn của TS.BS. Lê Thị Thu Hà (Khoa Khám bệnh, BV Từ Dũ), BS.CK1. Trần Thị Anh Lan (Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin)