Những nguyên nhân gây táo bón ở trẻ
Bên cạnh chuyện ăn thì chuyện đi ngoài của trẻ cũng là một trong những vấn đề khiến các mẹ lo lắng. Số lần đi ngoài hàng ngày thay đổi theo lứa tuổi. Đối với trẻ dưới 1 tuổi, trẻ đi 2 – 3 lần/ngày. Đối với trẻ lớn hơn, trẻ đi ngoài 1 lần/ngày là bình thường. Tuy nhiên, số lần này chỉ mang tính chất tương đối. Vì có khi trẻ dưới 1 tuổi, chỉ đi 1 lần/ngày nhưng phân vẫn mềm, dẻo và khối lượng bình thường thì vẫn không gọi là bị táo bón.
Đối với trẻ còn bú hoặc đang ăn dặm, có hai loại táo bón: táo bón đột xuất và táo bón thường xuyên. Táo bón đột xuất là triệu chứng thường gặp của nhiều bệnh như tắc ruột, lồng ruột, viêm màng não, v.v.. Còn đối với táo bón thường xuyên, nguyên nhân chủ yếu là do chế độ ăn uống không hợp lý. Trẻ bú mẹ 100% hiếm khi bị táo bón. Ngược lại, trẻ bú sữa bò, ăn sữa ngoài, đặc biệt là những loại sữa có độ ngọt nhiều sẽ dễ gây táo bón nếu trong sữa không bổ sung chất xơ. Ngoài ra, khi thời tiết quá nóng nực, mẹ cần để ý cho trẻ uống đủ nước. Vì nếu uống quá ít nước trẻ sẽ tăng khả năng bị táo bón.
Đối với trẻ ở độ tuổi lớn hơn, yếu tố tinh thần đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn đến táo bón. Nhiều bé rất ghét khi phải “ngồi bô” vì sợ bẩn, sợ thối, sợ đau, v.v. nên không chịu đi, qua 1 ngày sẽ dễ bị táo bón. Trẻ rơi vào vòng lẩn quẩn, càng đau càng sợ, không chịu đi…, và càng không chịu đi thì lần sau càng đau hơn. Ở tuổi này, khi trẻ đã ăn ngoài, mẹ cũng cần chú ý đặc biệt đến lượng nước cho trẻ uống hàng ngày, lượng rau quả, chất xơ cung cấp cho con. Đặc biệt, trường hợp bé đang bệnh và phải uống nhiều kháng sinh cũng sẽ dẫn đến tình trạng táo bón như đã nêu.
Làm gì để giúp con tránh xa táo bón?
Trước tiên, bạn cần chú ý cho trẻ uống nhiều nước, có chế độ ăn hợp lý. Ở tuổi trẻ bắt đầu ăn ngoài được, nên tập cho con ăn dần rau quả, các loại sinh tố, sữa chua. Một số loại rau củ quả giúp nhuận tràng rất tốt như khoai lang, đu đủ, mồng tơi, rau dền, thanh long, bưởi, v.v. cần được bạn đưa ngay vào thực đơn hàng ngày của trẻ.
Nếu trẻ vẫn còn dùng sữa bột hàng ngày, bạn nên cẩn thận chọn những loại sữa uy tín, chất lượng, trong thành phần có tăng cường chất xơ (tiếng Anh là fibre) giúp chống táo bón. Bạn cũng cần chú ý là trong giai đoạn cho con bú (nếu trẻ bú sữa mẹ), bạn cần uống nhiều nước, ăn nhiều loại rau củ quả kể trên. Vì nếu mẹ bị táo bón mà cho con bú thì con có nguy cơ táo bón theo.
Ngoài ra, bạn có thể thực hiện các bài tập xoa bụng cho trẻ. Xoa nhẹ nhàng vòng tròn nhiều lần trong ngày, để kích thích tăng nhu động ruột. Khi trẻ bắt đầu ý thức được việc đi ngoài, nên tập cho con thói quen đi ngoài hàng ngày vào một khoảng thời gian nhất định. Không nên cho trẻ ngồi bô quá lâu. Về mặt tâm lý, nếu bé sợ ngồi bô, bạn nên chú ý chọn những chiếc bô có hình dáng ngộ nghĩnh, dễ thương, màu sắc tươi sáng. Giữ không gian nhà vệ sinh sạch sẽ để bé không “sợ” khi bị “ép” đi ngoài.
Trường hợp trẻ bị táo bón nặng, bạn nên trao đổi với bác sĩ để sử dụng những biện pháp thụt tháo hoặc cho trẻ uống các loại thuốc nhuận tràng theo chỉ định. Đặc biệt, trong trường hợp trẻ táo bón kéo dài trên một tuần, thay đổi chế độ ăn không có tác dụng, táo bón khi trẻ mới sinh, bụng chướng, táo bón kèm theo các triệu chứng kém ăn, gầy sút, suy dinh dưỡng, kèm theo nôn, v.v. thì tốt nhất nên đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ theo dõi thêm.
Giúp bé thích ăn rau
- Nên tập cho bé thói quen ăn nhiều rau củ, hoa quả từ khi bé bắt đầu ăn dặm. Bạn chú ý đừng xay nhuyễn tất cả các loại rau củ quả chung với cá thịt bằng máy sinh tố vì bé sẽ không “cảm nhận” được mình ăn rau. Thay vào đó, nên bằm nhuyễn rau bằng dao thớt, nấu các món súp cho bé ăn.
- Ban đầu, bạn có thể nạo trái cây bằng muỗng cho bé “nhâm nhi”. Sau đó, bổ sung từ từ các loại rau mềm như mồng tơi. Nếu bé đặc biệt thích loại rau nào thì cứ chiều theo ý bé. Khi bé lớn dần, bạn có thể giúp bé nếm thêm các loại rau dai hơn như rau muống, cải bó xôi, v.v..
- Luôn khuyến khích và khen ngợi khi con chịu ăn rau củ. Bạn có thể động viên bé ăn rau bằng những câu như: “Ăn rau sẽ giúp mắt con sáng như mắt thỏ… Trái cây này giúp móng tay con chắc…”. Tránh dọa nạt và “ép” bé ăn rau theo kiểu không ăn thì đánh đòn!
- Cố gắng trình bày các món trái cây, rau củ quả thật đẹp mắt. Điều này kích thích bé tò mò, muốn ăn và sẽ ăn ngon miệng mà bạn không cần phải “bắt” gì thêm.