Mẹ&Con – Cha mẹ ly hôn, mỗi người mỗi nơi, khi đã đủ sự nhận thức chắc chắn con sẽ thắc mắc về điều này. Vậy bạn giải thích thế nào với trẻ về điều này?

Chào chuyên gia!

Con trai tôi được 5 tuổi. Vợ chồng tôi ly hôn từ khi bé mới 2 tuổi. Từ đó đến nay, 3 năm qua anh vẫn thường xuyên lui tới, mua đồ chơi, chở bé đi chơi, thậm chí là đi đón con giúp tôi những lúc tôi quá bận. Tôi nghĩ bé quen thuộc với nhịp sống cha một nơi, mẹ một nơi vì thấy bé vẫn vui vẻ bình thường, hiếu động, thông minh, được cô giáo khen trong lớp.

Tuy nhiên, khoảng mấy tháng nay, tôi nhận ra con hay hỏi những câu bâng quơ về cha. Chẳng hạn như tôi đưa bánh cho con ăn, con hỏi: “Cha có thích bánh này không mẹ?”. Xem ti vi thấy gia đình gấu bố, gấu mẹ và gấu con, con bảo: “Cha đâu rồi mẹ?”. Tôi cảm giác như con đang dần nhận ra sự khác biệt, tức là dần thắc mắc về sự vắng mặt của cha trong cuộc sống bình thường của bé. Tôi nên nói sao với con những lúc ấy?

Hương Giang (Quận 2)

Bác sĩ trả lời

 

Đúng vậy bạn ạ! Năm tuổi, bé không còn đơn giản chấp nhận sự vắng mặt của cha trong cuộc sống của mình, không đơn giản thấy cha đến những ngày cuối tuần để đưa đi chơi là đủ nữa. Với sự thông minh, hiếu động, nhạy cảm như con bạn thì việc bé ý thức được điều đó càng không có gì là khó hiểu.

Cha mẹ chia tay là một thiệt thòi lớn lao cho con trẻ. Tuy nhiên, hiện tại mọi thứ đã lỡ diễn ra rồi. Cách tốt nhất có thể làm là bạn đừng né tránh con theo kiểu: “Lớn lên con sẽ biết”, “Cha đi công tác”, “Ăn đi, không được hỏi nữa”, v.v.. Hãy xem con như một người bạn nhỏ, chia sẻ với con một cách đầy tôn trọng, tất nhiên theo cách đơn giản nhất mà bé có thể tiếp thu.

Chẳng hạn, bạn có thể nói: “Cha và mẹ hay cãi nhau nên bây giờ phải sống ở hai nơi, nhưng cha mẹ đều rất thương con”, “Cha ở cách nhà chúng ta một quãng, nhưng cha sẽ đến chơi với con cuối tuần”. Bạn cũng cần trao đổi với chồng cũ của mình để anh có một thái độ ứng xử thật tốt với con. Cho dù đã chia tay nhau, nhưng vợ chồng bạn nên cố gắng nhắc đến người kia trước mặt bé với đầy đủ sự tôn trọng, hạn chế tối đa thái độ thù ghét, khinh miệt, giận dữ với nhau.

Nhớ, điều quan trọng nhất bạn cần làm là giúp bé hiểu rằng hoàn cảnh của bé có thể khác với bạn bè, song tình thương yêu bé nhận được từ cha mẹ không hề thay đổi. Điều đó sẽ giúp ổn định tâm lý cho trẻ và khiến con trưởng thành với sự “thiếu hụt” nhưng không mặc cảm, tự ti hay căm ghét, thù hận cuộc đời.

Bác sĩ Lê Phương Thúy

Tags:

Bài viết liên quan