“Con gái tôi năm nay tuy mới 12 tuổi, lứa tuổi các bạn đồng trang lứa đều mặc trang phục dễ thương, màu mè, họa tiết hoạt hình … Riêng bé nhà tôi chỉ thích mặc đồ theo… phong cách người lớn. Cháu thích những loại áo trễ cổ, quần đùi ngắn, đầm ôm sát gợi cảm và đi guốc cao. Tôi có khuyên nhưng cháu không nghe. Mới 12 tuổi mà ra đường ai cũng nghĩ cháu 20 tuổi. Tôi cảm thấy rất buồn, tôi phải làm sao với con gái mình?”
Quốc Vinh – Quận 10
Với trường hợp của con gái của chị, chúng tôi có một vài điều chia sẻ như sau:
Thứ nhất: Tuổi dậy thì trung bình của trẻ ngày nay sớm hơn so với trước đây khá nhiều, thậm chí trẻ tiểu học đã hoặc đang có dấu hiệu dậy thì chứ không còn là cuối trung học cơ sở, đầu trung học phổ thông nữa. Trẻ được sinh ra, lớn lên và bước qua ngưỡng cửa dậy thì mới có thể trưởng thành được. Và cái ngưỡng cửa dậy thì ấy luôn là sự bối rối, lúng túng không chỉ của các bậc làm cha mẹ mà còn của chính các bé.
Tuổi dậy thì không chỉ dẫn đến sự thay đổi về cơ thể, mà còn dẫn đến sự thay đổi chóng mặt về tâm sinh lý, đặc biệt là sự hình thành mạnh mẽ của “cái tôi” cá nhân. Chính “cái tôi” này dẫn đến rất nhiều điều “chướng tai gai mắt” hoặc lối sống, cách hành xử, gu thời trang không hợp nhãn phụ huynh, người lớn… nhưng lại cực kỳ “có giá” trong mắt bạn bè – nhóm đối tượng có sức ảnh hưởng cực kỳ lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ tại giai đoạn dậy thì. Phân tích những điều này để chị có cái nhìn đồng cảm, bao dung với những điều chưa “hợp lý” lắm trong các nét tính cách của con trẻ bởi những thay đổi đó diễn ra vô cùng tự nhiên, mang tính bản năng và không được báo trước. Điều chúng ta có thể làm, là đón đầu sự phát triển của trẻ bằng các phương thức giáo dục phù hợp với từng giai đoạn lứa tuổi để chuẩn bị cho trẻ những hành trang kiến thức, kỹ năng giúp trẻ – những “chú hươu” mới lớn chạy đúng con đường phát triển của mình.
Đón đầu sự phát triển của trẻ bằng các phương thức giáo dục phù hợp với từng giai đoạn lứa tuổi – Ảnh minh họa
Thứ hai: Cách giáo dục, nhắc nhở trẻ trong giai đoạn đặc biệt nhạy cảm “con nít chưa qua người lớn chua tới” này cũng cần rất nghệ thuật. Trong đó, phụ huynh đóng vai trò không chỉ là cha mẹ, mà còn là bạn bè, là thần tượng, là thầy cô giáo, là chuyên gia tư vấn tâm lý, thời trang… Với mỗi vai chúng ta đều phải đóng rất tròn thì mới có thể ‘xâm nhập” vào thế giới nội tâm của trẻ, khiến trẻ tin và làm theo chúng ta. Đó là nguyên tắc chung. Quay lại trường hợp phong cách ăn mặc của con chị, có một vài điểm chị nên chú ý như sau:
Bé ăn mặc như vậy là do học hỏi tư người thân trong nhà hay do ảnh hưởng bên ngoài? Nếu do người thân thì chúng ta nên điều chỉnh chính mình, bởi dù có già dặn đến mấy, con trẻ vẫn bị ảnh hưởng theo lối sống của người trong gia đình. Nếu là do ảnh hưởng của bên ngoài, thì cũng nên tìm hiểu xem là do ảnh hưởng từ bạn bè hay thần tượng của các bé… từ đó chúng ta mới phân tích cho bé hiểu đi tiệc mặc gì? Đi chơi mặc gì? Ở nhà mặc gì? Độ tuổi mới lớn mặc những loại trang phục nào vừa cá tính, vừa tạo ra nét đặc biệt mà đẹpvà không bị phản cảm… Để làm được điều này chị nên tìm hiểu về tuổi dậy thì, những xu hướng thời trang cũng như làm đẹp cho trẻ thông qua các kênh truyền thông, từ đó cho các bé lời khuyên phù hợp và bé “muốn nghe” thì bé sẽ “làm theo”. Cấm đoán, mặc định hoặc không thừa nhận bé đang lớn, vẫn chỉ là đứa con nít thì sẽ khiến bé chống đối với mọi lời khuyên răn.
Câu chuyện nhỏ – vấn đề to, mong chị sẽ cùng con gái đi qua giai đoạn dậy thì của bé một cách nhẹ nhàng nhất!
Theo sự tư vấn của Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung