Họ trẻ, thường độc lập về kinh tế. Một số thậm chí còn rất xinh đẹp, giỏi giang, có vị thế cao trong xã hội. Và họ xem việc được làm một “single mum” (người mẹ đơn thân nuôi con) như một… mốt “sành điệu”, một cuộc sống thoải mái chứ không phải là “nỗi tủi hờn”.
Từ “bị động” đến “chủ động”
Có hai “thể loại” single mum chính hiện nay. Thứ nhất là những người “bị động”, nghĩa là ban đầu họ cũng mong ước một cuộc sống gia đình ổn định, bình thường như bao nhiêu phụ nữ khác. Song, cuộc sống hôn nhân không phải lúc nào cũng như ý. Những chuyện xung đột xảy đến, nhiều nhất là chồng “lăng nhăng”, ngoại tình. Từ đó, họ cương quyết ly hôn, bắt đầu cuộc sống của một người phụ nữ giờ đây chỉ còn có con là trên hết!
Đại diện cho nhóm single mum này, chị Lê Hồng N. (mới 27 tuổi, có con được 7 tháng) cười buồn: “Thật sự chẳng ai muốn phải một mình nuôi con. Tủi thân lắm! Vất vả gấp mấy lần một bà mẹ bình thường ấy chứ. Nhưng biết làm sao được. Em chịu đựng nhiều quá rồi. Cưới nhau một năm mà bao nhiêu là sóng gió đến từ những cuộc hẹn hò lăng nhăng của anh ấy. Đã chấp nhận ban đầu là tính anh ấy nghệ sĩ, nhưng không ngờ đến mức thế này. Quyết định ly hôn xong, mới hay là mình đã có thai… Em phân vân, lưỡng lự nhiều ngày. Có nghĩ rất nhiều đến con, song cuối cùng thì đành vậy. Chọn con đường này, nhiều gian nan, nhưng em tin là mình thanh thản!”
Không giống như chị N., hiện nay trong xã hội có một nhóm khác, tỷ lệ nhiều không kém, là các single mum “chủ động”. Điều kiện để làm một single mum “chủ động” thường là đã có nhà riêng, có cuộc sống kinh tế độc lập (nếu không nói là vững vàng). Họ vì nhiều lý do mà không lập gia đình, không cần cho mình một “bóng tùng quân”, song lại vẫn muốn có một đứa con để làm vui vầy cuộc sống.
Có trăm ngàn nguyên nhân khác nhau để dẫn đến con đường làm single mum chủ động thế này. Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Sương (Khoa Hiếm muộn – Bệnh viện Từ Dũ) cho biết: Thời gian gần đây, không ít trường hợp các chị phụ nữ khoảng 30-35 tuổi, độc thân, ổn định về kinh tế tìm đến bệnh viện với mong muốn xin tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng bệnh viện để có con theo phương pháp khoa học. Nhiều chị chia sẻ rất thẳng thắn rằng bao nhiêu năm toàn lo học, rồi lo làm việc, giờ mọi thứ ổn định cả thì tuổi không còn trẻ nữa. Chờ đến tận khi có người yêu, rồi có chồng thì có khi qua mất tuổi làm mẹ còn gì. Thôi, cứ xin từ ngân hàng tinh trùng của bệnh viện một “đứa con”, vừa là con ruột của mình, vừa là “lộc” trời cho. Nếu như sau này có duyên phận với ai khác, thì hẳn người chồng tương lai cũng dễ chấp nhận khi biết đứa con là sản phẩm “khoa học”, không ảnh hưởng gì đến chuyện “quá khứ”.
Làn sóng này quả thật đang âm ỉ lan rộng dần trong xã hội. Như trường hợp của chị Ngọc L. – một phụ nữ trẻ có học vấn ở bậc MBA, công việc hàng tháng thu nhập tính “sơ sơ” cũng đã vài ngàn “đô”, thuộc gia đình nề nếp ở TP.HCM. Chị chia sẻ hết sức chân thành: “Tôi đã 33 tuổi. Chẳng mấy năm nữa là hết tuổi đẹp sinh con. Năm 23 tuổi tôi cũng từng tha thiết yêu một người… Tình yêu kéo dài 8 năm, nhưng rồi tan vỡ. Những đớn đau trong lòng vì bị phụ rẫy ám ảnh tôi khôn nguôi. Tôi mất cả năm trời để trấn tĩnh lại mình. Nhưng sau đấy, càng lúc tôi càng thấy mình mạnh mẽ, độc lập trong suy nghĩ và trong cách sống hơn. Tôi tin mình hoàn toàn có thể lo liệu chu toàn cho một đứa trẻ lúc này. Tôi vẫn tạo cơ hội cho chính mình để quen và tìm hiểu những người đàn ông. Song thật sự hiện tại, đây không còn là mục tiêu chính của tôi nữa…”
Bên cạnh chuyện có con và làm một single mum bằng phương pháp khoa học, cũng nhiều bà mẹ trẻ chủ động làm single mum với chính người đàn ông mình yêu vì lý do “mạo hiểm” hơn. Hồng T. (31 tuổi, có con được đầy năm) là một trường hợp trong số đó. “Ban đầu, mình cũng hoàn toàn không muốn mạo hiểm chuyện tình ái với một người đàn ông đã có gia đình. Song con tim có những lý lẽ riêng của nó. Mình cứ càng ngày càng yêu, không dứt ra được. Biết rằng anh cũng không thể bỏ gia đình của anh, nên mình quyết định “xin” anh một đứa con, rồi cứ thế một mình nuôi con. Thật ra, ở Sài Gòn chuyện này cũng khá dễ. Mình sống ở chung cư cao cấp, cuộc sống gia đình nào độc lập gia đình nấy, chẳng ai “dòm ngó” gì. Có một đứa con và làm một single mum chẳng phải lo điều tiếng với ai. Dần dần thậm chí mình còn thấy hạnh phúc và an ổn với cuộc sống này. Giờ hỏi mình có muốn tìm một người chồng nào khác không thì chắc là tạm thời mình cũng chẳng cần đến nữa…”, chị cho biết.
Single mum – cứng cỏi và yếu đuối
Thật sự mà nói, dù muốn dù không, dù bị động hay chủ động thì vẫn phải công nhận rằng những single mum là những người phụ nữ can đảm, cứng cỏi và mạnh mẽ. Trong điều kiện không thể có một người đàn ông bên cạnh mình để làm chồng, làm cha, họ phải đóng cả hai “vai”: người cha và người mẹ trong quá trình mang thai, sinh nở, nuôi dạy con khôn lớn.
“Khó khăn nhiều kinh khủng. Ngay cả như tôi, ở cái tuổi 33, có nhà riêng, kinh tế hoàn toàn ổn định, có bác giúp việc tin cậy từ quê lên ở cùng, có gia đình ba mẹ ruột cảm thông, hỗ trợ hết lòng trong quá trình sinh nở, nuôi con mà tôi còn thấy khó. Nhất là những lúc con đau bệnh, một tay mình xoay xở chạy ngược chạy xuôi, thèm biết bao một bờ vai đàn ông để ngả vào. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng tôi chưa bao giờ hối tiếc với quyết định có con của mình. Có bé là có tất cả. Tôi biết con sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi không có bố, nhưng tôi sẽ làm tất cả sức mình để có thể bù đắp cho con…”, chị Ngọc L. – người mẹ quyết định sinh con bằng phương pháp khoa học được nhắc ở trên cho biết.
Một thử thách khác tế nhị hơn, là những single mum rất dễ trở thành đối tượng “này kia” của các quý ông “mê của lạ”. Chị Thanh Th. (31 tuổi) chia sẻ rất thật lòng: “Tôi không quơ đũa cả nắm kết tội hết đàn ông. Nhưng thật sự rất nhiều người có ý nghĩ không nghiêm túc nhắm vào chúng tôi. Ở độ tuổi khoảng 25-35, chúng tôi còn rất trẻ, gái một con trông mòn con mắt mà. Thêm nữa, chúng tôi không làm họ e ngại như việc tán tỉnh à ơi với một “em” còn chưa có gì. Với những “em” đó, họ sợ trách nhiệm, sợ phải “dính” vào lâu dài. Trong khi đó, phụ nữ đã có con như chúng tôi thường trầm tĩnh hơn, khéo léo hơn, nữ tính hơn, cuốn hút hơn, ít nhõng nhẽo giận hờn. Rồi thì họ nghĩ rằng chúng tôi có con rồi thì đâu có gì mà sợ… mất. Nhiều ông đã có gia đình mà suốt ngày chọc ghẹo tôi rất cố ý. Nghĩ cũng buồn!”
Đây là một điều tế nhị nhưng hoàn toàn thật. Khá nhiều người đàn ông có hoặc chưa có gia đình thích nhắm vào đối tượng single mum còn trẻ trung, vững vàng này với lý do đơn giản: “Chắc là các cô ấy… cô đơn lắm. Phụ nữ ở tuổi ấy mà…! Đã làm được một single mum rồi thì còn gì mà không dám nữa!”. Vì điều này mà nhiều chị phải sống một cách rất thận trọng, chú ý tới từng mối quan hệ của mình và kể cả đề phòng bị “quấy rối” lúc “không ngờ” nhất.
Giữa rất nhiều thử thách và khó khăn, nên hầu hết single mum bao giờ cũng cố trang bị cho mình một “lớp vỏ” cứng cỏi và bản lĩnh. Tuy nhiên, sâu thẳm trái tim mình, người phụ nữ nào cũng có những ước ao thầm lặng, rất yếu đuối và rất “đời thường”. Trên một câu lạc bộ những ông bố bà mẹ trẻ đơn thân của trang web khá nổi tiếng, người ta thường xuyên đọc được các lời “can gián” của chính người trong cuộc khi có ai đấy lăm le… muốn “nhảy” vào để được làm một single mum. Chị Nguyễn Phạm K.T (30 tuổi) cười buồn: “Nhiều cô gái trẻ trẻ hay… học đòi, nghĩ rằng làm single mum kiểu như chúng tôi thật sướng. Họ hình dung cuộc sống của chúng tôi đầy cá tính và sành điệu, độc lập trong suy nghĩ, sung sướng, tự do, nuôi dạy con theo ý mình… Tuy nhiên, tôi muốn khẳng định rằng chuyện làm single mum là chuyện chẳng đặng đừng và không nên “thử” nếu thật sự mình có thể tìm đến với một cuộc sống gia đình bình thường, toàn vẹn. Chúng tôi gặp nhiều nỗi tủi thân lắm chứ không phải lúc nào cũng hoàn toàn tự chủ, sung sướng như người khác tưởng đâu”.
Trước những “ước mơ” làm single mum của không ít phụ nữ trẻ hiện nay, chuyên viên tư vấn tâm lý Thu Hiên (tổng đài 1080) chia sẻ chân thành: “Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định điều ấy. Vì ở đây, bạn đang đặt lên bàn cân một bên là mong muốn, nguyện vọng, quyền lợi của bản thân với một bên là mong muốn, nguyện vọng, quyền lợi của chính đứa con tương lai. Đứa trẻ có quyền được sinh ra trong một hoàn cảnh bình thường tối thiểu nhất là có một mái ấm gia đình, có đầy đủ tình yêu thương và sự chăm sóc của cha mẹ để nó có thể ngẩng cao đầu với bè bạn xung quanh, để nó không bao giờ phải đi tìm câu trả lời về nguồn gốc của mình, để nó được lớn lên, hình thành một nhân cách lành mạnh. Một khi biết rằng mình không thể đem lại cho con một hoàn cảnh tối thiểu thì đừng sinh nó ra chỉ để thỏa mãn những “ý nghĩ điên rồ” của bản thân mình! Chỉ trừ trường hợp bạn thật sự đã cân nhắc, vững vàng, tự tin đóng trọn vai trò làm cha lẫn làm mẹ thì hãy chọn lựa con đường ấy!”