1. Có kế hoạch định kỳ vào mỗi cuối tuần
Xem phim cuối tuần cùng gia đình là việc bạn nên làm
Bạn có thể lên kế hoạch xem phim cuối tuần cùng các thành viên trong gia đình trên chiếc ghế sofa quen thuộc. Cùng làm một mẻ bắp nổ theo khẩu vị mỗi người và chọn lọc những bộ phim đặc sắc nhất. Chắc chắn hoạt động cuối tuần này sẽ là một kỷ niệm thân thương với các bé khi trưởng thành. Thỉnh thoảng, bạn có thể thay đổi bằng hoạt động vui chơi bên ngoài hoặc tự mình tổ chức trò chơi cho các con để giúp cuộc sống của các bé thêm nhiều màu sắc hơn.
2. Làm việc mình thích vào cuối tuần
Cuối tuần là dịp nghỉ ngơi nhưng bạn lại thường kẹt vào các đám cưới, tiệc tùng, việc bếp núc, vệ sinh, chăm lo cho con… Nếu đã quá ngán ngẩm với các hoạt động như kịch bản lên sẵn thế này, tại sao bạn không thử bứt phá và làm điều gì mình cảm thấy thoải mái nhất? Cho dù bạn nằm ở nhà với bộ đồ pijama hay tắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên ở một điểm du lịch nào đó thì nó cũng sẽ khiến bạn cảm thấy thích thú bởi đã được làm điều mình muốn.
3. Biến hành động ôm hôn thành thói quen
Những cái ôm hôn hàng ngày là chất xúc tác mạnh mẽ nhất để nuôi dưỡng tình cảm của các thành viên
Rất nhiều tài liệu tâm lý đều cho rằng những cái ôm hôn hàng ngày trong gia đình chính là chất xúc tác mạnh mẽ nhất để nuôi dưỡng tình cảm của các thành viên. Thay vì cứ vẫy tay chào tạm biệt mỗi lần ra ngoài, bố mẹ và con cái hãy dành thêm thời gian để cùng trao cho nhau một cái ôm hôn trìu mến. Có như vậy, sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình mới trở nên khăng khít về bền chặt hơn.
4. Lên kế hoạch để cùng các con làm từ thiện
Những việc làm tốt sẽ giúp tâm hồn của các bé ngập tràn niềm vui. Do đó, bạn hãy nhanh lên một danh sách các việc làm từ thiện có thể thực hiện trong năm để giúp các bé hình dung được những việc mình sẽ làm. Chẳng hạn, gom sách báo cũ quyên góp cho học sinh nghèo, dùng đồ chơi cũ đổi một bữa ăn cho người vô gia cư, tham gia đi bộ vì bệnh nhân nghèo…
5. Tập thể dục cùng nhau khi rảnh rỗi
Tùy theo độ tuổi của con, bạn có thể thiết kế những buổi vận động vừa sức nhất
Không nhất thiết bạn phải đưa con mình đến những phòng tập thể dục bài bản. Chỉ cần bạn biết cách để biến những buổi vận động thể chất trở nên thú vị mỗi ngày. Tùy theo độ tuổi của con, bạn có thể thiết kế những buổi vận động vừa sức nhất. Chẳng hạn, bé trên 5 tuổi có thể cùng mẹ tập yoga, bé trai 3 tuổi có thể đạp xe cùng mẹ, các bé lớn hơn có thể chạy bộ hoặc đánh vợt…
6. Tập ăn rau quả như thói quen lành mạnh
Đây sẽ là một ý tưởng tuyệt vời nhất là khi con bạn hàng ngày phải khóc lóc khi ăn các loại rau quả. Một mẹo nhỏ có thể mách cho bạn là hãy biến bữa ăn thành một trò chơi. Vào cuối tháng, các bé có thể tập hợp những điểm số đạt được sau mỗi bữa ăn có rau và nhận giải thưởng nếu như bé xứng đáng với mục tiêu mẹ đưa ra. Bé có thể dùng nó để đổi lấy một buổi xem phim, một chuyến dã ngoại hoặc một ít tiền để bé tích cóp cho một dự định lâu dài.
7. Quy định giờ sử dụng thiết bị công nghệ
Giờ cơm của cả nhà không ai được dùng thiết bị công nghệ
Đừng để đến lúc các bé nghiện kỹ thuật số bố mẹ mới hớt hải nhảy vào can thiệp! Thay vào đó, bạn nên đặt ra quy định giờ giấc cụ thể cho việc sử dụng các thiết bị này. Bạn có thể cấm không cho bé dùng điện thoại trong giờ ăn, giờ chơi chung và mỗi buổi tối. Nếu bạn nghĩ các bé sẽ buồn tay chân khi bị cấm túc như vậy, bạn có thể dành thời gian của mình để nói chuyện và hiểu con nhiều hơn.
8. Không tự sướng hay nhắn tin khi lái xe
Nếu đây là thói quen của bạn thì nên bỏ nó ngay khi bạn bước sang năm mới. Một cách nghiêm túc, đây là thói quen vô cùng nguy hiểm đối với tính mạng của bạn. Hãy dành thêm cho mình một cơ hội nữa để bạn có thể nói lời yêu thương với các con vào mỗi ngày nhé!
9. Tăng cường ý thức bảo vệ môi trường
Hãy cùng con thực hiện các biện pháp giúp cải thiện môi trường sống như dùng đồ tái chế, dạy các bé vặn kỹ vòi nước sau khi sử dụng, tắt đèn khi rời phòng… Bằng những hành động thiết thực này, bé và bạn đã góp phần rất lớn để tạo ra một môi trường sống lành mạnh cho chính mình và mọi người xung quanh.