Mẹ&Con – Mang thai “con so” là một việc hoàn toàn không dễ dàng với những bà mẹ trẻ. Đặc biệt, là khi bạn không có mẹ ruột, mẹ chồng, không có những người từng trải kinh nghiệm hướng dẫn. Đây là những gợi ý mang tính ngắn gọn, giúp bạn phần nào vượt qua những khó khăn này.

1. Ngay khi biết (hoặc nghi ngờ) mình có thai, hãy đến khám ở một bác sĩ sản phụ khoa uy tín. Hãy lập riêng cho mình một sổ tay chín tháng thai kỳ, trong đó nêu chi tiết để bác sĩ biết về tình trạng sức khỏe của bản thân bạn, những bệnh bạn thường mắc phải, bệnh sử của gia đình (ví dụ có người bị huyết áp cao, tim mạch…). Đừng ngần ngại hỏi bác sĩ những điều bạn chưa biết cũng như ghi chép kỹ những dặn dò của bác sĩ để nhắc nhở mình làm theo. 

2. Lập tức ngưng tất cả các chất có hại như rượu, cà phê, thuốc lá, chất kích thích… Không chỉ thế, ngay cả việc hút thuốc thụ động cũng cần được tránh (tức là nếu trong nhà có người hút thuốc, trong phòng làm việc có người hút thuốc, bạn cần “thông báo” với mọi người là mình có thai và có hướng tránh hít phải các loại khói thuốc này). 

3. Trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ để biết danh mục thuốc nào bạn được phép sử dụng, thuốc nào không. Nên nhớ, kể từ lúc này, mỗi thứ bạn uống vào đều không chỉ ảnh hưởng đến bạn mà sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi, nặng có thể khiến đứa trẻ sinh ra bị ảnh hưởng về ngoại hình, trí tuệ. 

4. Nếu bạn có chỉ số cân nặng không hợp lý (quá gầy hoặc quá mập), nên hỏi ngay ý kiến bác sĩ để có một chế độ tập luyện, dinh dưỡng phù hợp, đảm bảo không ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi. Hãy biết rằng việc người mẹ thiếu hoặc thừa cân quá mức đều không tốt cho đứa trẻ. 

Viec ban nen lam khi mang thai con so

(Ảnh minh hoạ)

5. Nếu đang có cân nặng khá “lý tưởng”, bạn cũng cần thiết lập một chế độ dinh dưỡng mới, để bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho đứa con trong bụng. Đặc biệt, nên ăn nhiều trái cây, rau củ, sản phẩm từ ngũ cốc và protein. 

6. Nên thực hiện một chế độ tập luyện thể dục thường xuyên. Những bài yoga dành cho bà bầu, động tác đi bộ nhẹ nhàng sẽ giúp bạn giảm bớt những cơn ốm nghén trong lần mang thai đầu, giúp hệ tim mạch và cơ bắp mạnh khỏe sẵn sàng cho việc sinh nở lần đầu tiên. Ngoài ra, việc tập luyện thể dục cũng giúp bạn mau chóng lấy lại “phom” chuẩn sau khi sinh. 

7. Nhanh chóng trao đổi với cấp trên trực tiếp của bạn ở nơi làm việc về chuyện bạn có thai. Tìm hiểu xem quy định nghỉ sinh ở nơi bạn làm việc như thế nào. Nếu công việc của bạn quá áp lực, nặng nề, phải đi lại nhiều, bạn cũng nên xin thay đổi hoặc giảm nhẹ áp lực công việc. Đặc biệt, trong trường hợp môi trường làm việc đòi hỏi bạn phải tiếp xúc với hóa chất, tốt hơn hết là bạn nên xin thay đổi công việc. 

8. Nói chuyện cụ thể với chồng (hoặc gia đình chồng) về việc bạn có thai. Có thai không chỉ là… có thai. Bạn đang sắp có đứa con đầu lòng, và mọi việc từ đây sẽ lật sang trang mới. Bạn cũng như người bạn đời phải chuẩn bị tinh thần đón nhận tất cả những thay đổi ấy. Rất nhiều cặp vợ chồng “có chuyện” ngay sau khi sinh đứa con đầu lòng, vì không thích nghi kịp với những xáo trộn gần như 100% cuộc sống gia đình. Không còn đi sớm về muộn, không còn những giấc ngủ tròn giấc, không còn cả những chuyến đi nghỉ cuối tuần gác hết mọi thứ lại… Hãy nhớ, có đứa con đầu lòng là một niềm vui không gì sánh nổi. Nhưng đó cũng là một trải nghiệm hoàn toàn không dễ dàng cho những ai… chưa chuẩn bị tinh thần! Bạn nên biết rõ đứa trẻ không phải lúc nào cũng nhoẻn miệng cười, xinh xắn như một búp bê trong các đoạn phim quảng cáo. Có những vất vả rất lớn ẩn đằng sau vai trò làm mẹ. Bạn cần thiết phải chuẩn bị tâm lý đón nhận việc này. 

9. Nên có kế hoạch chuẩn bị tiền bạc cho việc sinh nở, chăm sóc trẻ cũng như việc nghỉ sinh. Nếu gia đình bạn không quá khó khăn về kinh tế thì thật may! Trường hợp ngược lại, hãy nhanh chóng bàn bạc với chồng, người thân, có kế hoạch cụ thể thay đổi chi tiêu thế nào cho phù hợp. 

10. Và cuối cùng, tự hỏi mình đã thật sự sẵn sàng với việc đón nhận và chịu trách nhiệm về một “sinh linh” mới, một thành viên tí hon của gia đình mình chưa? Tự hỏi bạn đang lo lắng những gì, có gì vướng mắc trong lòng không… Nếu cần thiết, đừng ngần ngại chia sẻ với mẹ ruột, người thân, bạn bè, hoặc thậm chí là chuyên viên tư vấn tâm lý. Bạn nên nhớ, tâm lý của người mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi. Nếu bạn vẫn còn đang mang những lo lắng, u uất trong lòng chưa giải tỏa được, chắc chắn bạn sẽ “trút” qua chính đứa con bé bỏng của mình những lo lắng, u uất ấy.

Tags:

Bài viết liên quan