“Độc thân” lần thứ hai, có gì mà không dám?
Một con số đáng lo ngại, trong vài năm trở lại đây, tỷ lệ ly hôn ở các cặp vợ chồng trẻ đã chiếm đến… 70% các trường hợp ly hôn nói chung. Cưới nhau được một vài năm, đứa con đầu lòng chào đời. Nụ cười tươi tắn bên hạnh phúc gia đình chưa kịp trọn vẹn thì những sóng gió mâu thuẫn đã bắt đầu xuất hiện.
Thiếu những kỹ năng làm cha mẹ, lần đầu tiên phải đối diện với những “trận” thức thâu đêm canh con bệnh, rồi kèm theo đó là chi tiêu trong gia đình tăng vọt, vợ chồng nảy sinh những trận cãi vã đầu tiên. Với nam giới, họ cảm giác mình bị cho “ra rìa” khi thời gian của vợ hầu hết dồn cho con. Với nữ giới, những bận bịu khiến họ trở nên lười biếng trong việc chăm chút bản thân mình. Sức hấp dẫn ban đầu không còn, chuyện gối chăn trở nên lạnh nhạt. Rồi thì đầu bù tóc rối. Rồi thì suốt ngày phải ca cẩm điệp khúc mẹ chồng, anh chị em chồng, gia đình chồng thế nọ thế kia, sao anh bạn bè, sao anh nhậu nhẹt…
Sự bận rộn và thiếu kiên nhẫn khiến hai vợ chồng dễ cáu bẳn, lục đục, không chấp nhận được lỗi lầm của người bạn đời. Và điều đáng ngại là trong lúc “căng như dây đàn” đó, sự “nhẫn nhịn”, “chịu đựng” như bà, như mẹ từ xưa nay vẫn thế dường như lại trở thành một thứ “xa xí phẩm” với những cô vợ trẻ có cái tôi to bằng trời.
Linh Lan là một phụ nữ trẻ ở cái tuổi mới tròm trèm 29. Cưới nhau vài năm, có một mặt con chưa tròn tháng, tình cảm gia đình đã bắt đầu nảy sinh vết rạn. Lan nói bằng giọng hãy còn đầy cay cú: “Tôi không chịu được cảnh mẹ chồng cứ can thiệp vào, đòi mọi việc trong nhà theo ý của bà. Chồng thì chán lắm, cái gì cũng vâng vâng dạ dạ, không hề biết bênh vực vợ, không hề biết cái gì đúng, cái gì sai. Ai đời con mình đẻ ra, mà đến cái tên con cũng không được đặt theo ý riêng… Con ăn làm sao, ngủ làm sao phải theo ý bà, không thì bà la làng la xóm lên, bảo là giết chết cháu bà!!! Chồng thì luôn luôn và luôn luôn chỉ biết nghe theo lời mẹ. Có lúc mẹ chồng ngồi chửi vợ ngu mà chồng cũng không biết đường lên tiếng. Tôi không can gì phải chịu đựng nữa. Con không có cha cũng mặc. Mình nuôi con là đủ. Độc thân lần nữa càng tốt, chứ cứ chịu đựng mãi một anh chồng nhu nhược, không bao giờ muốn ra riêng để khỏi bám váy mẹ thì chỉ có nước đến ngày nào đó mẹ con họ tìm cách giành mất con và đuổi tôi đi…”
Nghe những chia sẻ của Linh Lan, nhiều người dễ thấy “nóng mặt” giùm cho cô dâu trẻ trong một gia đình chồng “quá quắt” và anh chồng “nhu nhược”. Thế nhưng, thực tế không phải vậy. Khánh – chồng của Linh Lan thở dài “đính chính” lại với chuyên viên tư vấn: “Tôi là con trai duy nhất. Bố lại mất sớm. Gia đình bây giờ chỉ có một mẹ một con thì làm sao mà dọn ra riêng được. Chẳng lẽ vợ chồng ra riêng, bỏ mặc một mình mẹ, với tuổi già đơn độc? Mẹ tôi có nhiều cái khó tính, nhưng thực tế cũng vì bà rất thương con thương cháu. Nếu vợ biết nhẫn một tí, dịu dàng một tí, khéo chiều chuộng bà một tí thì tôi tin đã chẳng có chuyện gì. Vấn đề là cô ấy không bao giờ muốn nhẫn nhịn. Khi mẹ đang giận, quát mắng một câu thì cô ấy muốn trả lời hai câu. Khi tôi bảo cô ấy im, cô ấy cho rằng tôi nhu nhược. Cô ấy chẳng quan tâm đến hoàn cảnh riêng của gia đình mình để cố gắng dung hòa theo, mà chỉ muốn y như những gia đình bình thường khác, hễ cưới là ra riêng, tự quyết mọi thứ theo ý mình… Đau lòng lắm!”
Nhiều chuyên viên tư vấn, thẩm phán hòa giải trong các vụ ly hôn cho rằng, yếu tố độc lập về kinh tế của người phụ nữ cũng là một trong những nguyên nhân khiến họ dễ nghĩ đến chuyện ly hôn hơn. “Khi lắng nghe đôi bên, tôi thường thấy các cô vợ trẻ bắt đầu bằng câu: Em độc lập về kinh tế, hoàn toàn có thể nuôi con cho dù chồng có cấp dưỡng hay không. Em lại còn trẻ nữa. Sống cuộc sống độc thân càng nhẹ người. Ngày xưa, vì áp lực phải lấy chồng nên mới cưới. Chứ bây giờ thì em thấm lắm rồi. Có chồng xong suốt ngày phải hầu hạ chồng, chịu đựng những chuyện vớ vẩn của chồng và gia đình chồng. Cực hơn bao nhiêu… Em đâu có ngu dại mà chịu đựng hoài như thế. Để được cái gì kia chứ?”, chuyên viên tư vấn Thu Hiên (tổng đài 1080) chia sẻ.
Quả thật, khi kinh tế càng độc lập thì càng có nhiều phụ nữ trẻ cảm thấy chuyện ly hôn là một điều gì đó “nhẹ nhàng” hơn. Như Thúy Quyên – một bà mẹ trẻ măng mới chưa tròn 30 tuổi. Hàng tháng, thu nhập của Quyên không dưới 20 triệu đồng. Ly dị chồng xong, cô và đứa con trai 4 tuổi vẫn có hẳn cho mình một căn chung cư xinh xắn. “Anh ấy ngoại tình. Tôi không chấp nhận được chuyện đó nên đã quyết định ly hôn. Mẹ tôi khuyên tôi chịu đựng, ráng nhẫn nhịn để con có cha. Nhưng tôi nghĩ khác. Tại sao phải cố gắng chịu đựng và bắt con mình sống trong bầu không khí chịu đựng giả tạo như thế? Anh ấy không có tôi thì trở nên luộm tha luộm thuộm, không ai giặt ủi quần áo cho, không ai chăm sóc bữa ăn giấc ngủ cho. Chứ còn mẹ con tôi, tôi hoàn toàn hạnh phúc với cuộc sống hiện tại. Công việc ổn định, mẹ con thương yêu nhau. Về đến nhà, tôi đùa giỡn với con và ngủ ngon chứ không còn nuốt nước mắt nghĩ đến những tin nhắn à ơi của chồng với cô gái khác. Điện nước hoặc bất cứ cái gì hư chỉ cần alô với nhân viên chung cư, họ sẽ sửa cho mình từ A đến Z. Không có bàn tay đàn ông, nhà vẫn ổn chứ có sao đâu!”
Nhưng còn những “di chứng” đằng sau đổ vỡ…
Không thể phủ nhận rằng trong nhiều trường hợp, ly hôn chính là giải pháp tốt cho cả hai vợ chồng, đặc biệt là người vợ. Thế nhưng, cần khẳng định rằng đây chỉ là giải pháp “tốt nhất” sau khi đã nỗ lực tìm mọi cách hàn gắn, tìm mọi cách cứu vãn lấy gia đình.
“Tôi sẽ ủng hộ quyết định ly hôn, nếu thấy rằng đó là giải pháp cuối cùng. Có những gia đình, chồng ngoại tình thành thói tật. Bỏ qua bao nhiêu lần vẫn chứng nào tật ấy. Có những gia đình khác, chồng quá gia trưởng, bạo hành tinh thần vợ không biết bao nhiêu cách… Trong những trường hợp đó, ly hôn là cách tốt nhất để giải thoát cho người phụ nữ. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào những người vợ, người mẹ trẻ cũng chịu suy nghĩ thấu đáo cho đến cạn cùng như thế. Khá nhiều cô vợ trẻ, chỉ cần một hai trận cãi vã đầu tiên đã ngúng nguẩy đòi ly hôn, như một cách dọa nạt, làm nư, như một cách để… thể hiện mình không cần, không thèm gì gia đình chồng hay chồng. Trong trường hợp này, chắc chắn cái hậu ly hôn sẽ không hề… ngọt”, chuyên viên tư vấn Nguyễn Trung Hòa cho biết.
Trường hợp của Minh – một cô vợ trẻ trong “ca” tư vấn của chuyên viên tư vấn Nguyễn Trung Hòa là một ví dụ điển hình. Mới 23 tuổi đã “lật đật” lấy chồng, một năm sau thì có con, Minh gần như chưa có gì ổn định cho cuộc sống riêng. Mức lương hàng tháng hơn 2 triệu đồng, một mình Minh chi tiêu đã khó khăn, huống chi phải nuôi một đứa con nhỏ. Thế nhưng, khi nóng giận thì Minh chẳng nghĩ gì đến chuyện ấy. Cô một hai đòi ly hôn sau trận cãi vã với gia đình chồng và bị chồng tát cho một cái.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng anh ấy dám đánh tôi. Quá nóng giận, uất ức, tôi viết đơn ly hôn. Không ngờ anh ấy ký ngay. Suốt quá trình ly hôn, mẹ tôi cũng nhiều lần khuyên can. Nhưng tôi không thể chịu đựng được việc nhẫn nhịn họ để xin quay về. Nhà chồng cũng một hai nói vào để… ủng hộ cho việc chúng tôi ly hôn. Kết cuộc là gia đình tan vỡ. Phải mấy năm sau, tôi vẫn còn bàng hoàng không biết chuyện gì đã xảy ra với mình. Chật vật nuôi con bằng đồng lương ít ỏi và chút đỉnh trợ cấp của chồng. Những lúc con đau bệnh, tôi thấy mình như kiệt sức. Càng đau đớn hơn khi sau đấy lại biết tin anh có vợ khác, rồi có đứa con khác…”, Minh ứa nước mắt khi nhắc về chuyện cũ.
Quả thật, hệ lụy của những cuộc ly hôn không phải là đơn giản. Ngay cả những phụ nữ rất độc lập về kinh tế như trường hợp Thúy Quyên ở trên, cũng có lúc chạnh lòng: “Thật ra, vẫn có chút gì đó xáo động khi nhìn thấy con người ta bên cha bên mẹ, hồ hởi tíu tít. Mình có bù đắp cho con bao nhiêu chắc vẫn không bù đắp nổi được sự thiếu vắng một người cha. Tôi nghĩ, chỉ nên ly hôn khi vợ chồng đã cố hết sức rồi, tình yêu đã cạn, và cũng đã bình tĩnh bàn tính để định ra tương lai tốt nhất có thể cho con. Chứ nếu ly hôn chỉ vì nóng giận, vì muốn tỏ ra mình hơn, ly hôn chỉ để… làm nư thì không nên chút nào. Đặc biệt, tôi không thể ủng hộ những cuộc ly hôn mà người mẹ không hề nghĩ đến con mình, chỉ đơn giản nghĩ rằng cứ ly hôn cho được phần mình đã, còn con thì… tới đâu cũng được!”