Con trai tôi được 5 tuổi nhưng cháu khá nhút nhát, đặc biệt là khi thấy người lạ hoặc tiếp cận với những điều mới mẻ. Ví dụ như hễ thấy người lạ đến nhà chơi là chạy trốn, ai nắm tay lại để lì xì hoặc hỏi thăm là cháu vội núp sau lưng mẹ rồi khóc ỏm tỏi. Hoặc thời gian nghỉ Tết vừa rồi, tôi tranh thủ đưa con đến những khu trò chơi nhưng thấy chiếc cầu trượt là khóc mếu máo, không dám leo lên vì sợ té. Trong khi xung quanh có những bé 2, 3 tuổi rất khoái trò chơi này. Tôi có hỏi thêm cô giáo mầm non của bé thì được biết ở trường bé chơi đùa bình thường nhưng rất ngại khám phá cái mới lạ. Vậy tôi nên làm gì để khắc phục yếu điểm này của con?
Mẹ Bun (Q.2)
Nhút nhát là một nét tính cách có sẵn trong mỗi đứa trẻ, chỉ khác nhau ở chỗ đứa trẻ ấy được nuôi dạy thế nào, được kiến tạo môi trường vui chơi sinh hoạt ra sao để xóa bỏ tính nhút nhát mà thôi. Khắc phục tính nhút nhát cho trẻ đòi hỏi phải hết sức kiên nhẫn và hết sức… nghệ thuật.
Thứ nhất, bạn nên tôn trọng yếu điểm này của bé vì tự bản thân đứa trẻ không ý thức được thế nào là bạo dạn, thế nào là nhút nhát. Bạn cũng không nên so sánh con với bất kỳ ai dù bằng tuổi hay nhỏ tuổi hơn vì điều này chỉ làm trẻ hoặc thêm chống đối hoặc thêm nhút nhát.
Thứ hai, gia đình nên quan sát để biết lý do trẻ có những phản ứng trái ngược như ở trường thì chơi đùa nhưng ra khu vui chơi lại nhút nhát? Điều này là do bạn bè cùng chơi với trẻ, cô giáo hướng dẫn trẻ chơi hay do trẻ cảm thấy an toàn với những gì quen thuộc (trường học) hơn là những nơi xa lạ (khu vui chơi)? Quan sát xem trẻ sợ tất cả người lạ hay chỉ một vài người? Trẻ có phản ứng như vậy từ bé hay gần đây mới có? Nếu là gần đây thì gia đình nên tìm hiểu có phải con đã từng bị khiếp sợ bởi những lời/hành động dọa dẫm mang tính vui đùa hoặc nghiêm túc để giúp trẻ vượt qua trở ngại tâm lý này.
Thứ ba, bạn cần nắm nguyên tắc: “Giáo dục trẻ em 5 tuổi bằng lời nói ít hiệu quả hơn bằng hành động” nên đừng yêu cầu trẻ dạn dĩ, chủ động trong những việc như trò chuyện với người lạ, tham gia vui chơi ở những nơi mới mẻ. Cha mẹ có thể làm gương và tham gia cùng con trong các trò chơi để trẻ có cảm giác an toàn. Hãy chủ động chuyện trò, chào hỏi những người quen và nhắc trẻ chào hỏi cùng. Nếu trẻ không chào hỏi cũng không nên khó chịu hoặc căng thẳng với bé nhưng bạn cần giải thích rằng: “Cô ấy /chú ấy rất thương con, nếu lần sau có gặp lại con hãy chào họ nhé”. Những điều nhẹ nhàng này sẽ khiến bé dễ hiểu hơn và quan trọng là chính sự thân thiện, chủ động của cha mẹ với người lạ sẽ tạo cảm giác an toàn cho bé.
Thứ tư, gia đình không nên nóng vội, mất kiên nhẫn với những trẻ nhút nhát. Nếu bạn hướng dẫn bé cách chào người lạ, cách chơi một trò chơi một lần chưa thành công, hãy bỏ qua và tập trung trò chuyện và làm những điều trẻ thích nhưng những lần sau bạn vẫn tiếp tục kiên trì hướng dẫn cho bé. Niềm tin và cảm giác an toàn ở trẻ nhút nhát không dễ hình thành như những trẻ khác. Vì thế, dù trẻ chỉ có một sự tiến bộ nhỏ thì gia đình cũng nên coi đó là bước tiến rất lớn, hãy ghi nhận và khen ngợi, khuyến khích để trẻ thấy rằng mình đang làm đúng và có thể từ từ khắc phục được sự nhút nhát.
Theo sự tư vấn của Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung (Trung tâm Đào tạo Kỹ năng sống Ý Tưởng Việt)