Một cháu bé hàng xóm mới bị bắt cóc, may người nhà phối hợp với công an đã tìm lại được. Tuy vậy, tôi vẫn rất sợ và rất muốn dạy con mình cách tránh xa “mẹ mìn”. Hai vợ chồng hiện tại đều phải đi làm, con 10 tuổi phải tự đi bộ đi học (nhà rất gần trường, chỉ cách độ 200m) và tự về nhà. Sau sự việc này, tôi cố tự đưa đón con đến trường, nhưng vẫn thấy rất lo. Làm thế nào để có thể hướng dẫn bé đề phòng người lạ mà không làm con cảm thấy quá sợ hãi? Mong chuyên gia tư vấn giúp.
Quỳnh Thủy (Q. Gò Vấp)
Ðứa con là “tài sản” vô giá của cha mẹ. Những kẻ bắt cóc hiểu được điều đó nên dễ nhắm vào những đứa trẻ gia đình khá giả để bắt cóc tống tiền cha mẹ. Trước khi ra tay, chúng thường tìm hiểu kỹ sinh hoạt thường ngày của trẻ, đánh vào tâm lý dễ tin (bằng cách kể địa chỉ nhà, số điện thoại người thân…), sở thích (rủ đi chơi game, cho quà bánh, tiền bạc…), có trường hợp dùng bạo lực.
Một số trường hợp đã xảy ra, kẻ bắt cóc dụ dẫn bé đi mua đồ chơi, dụ dẫn bé đi “phỏng vấn nhận quà”, bảo bố mẹ bận nói chú đến đón ở trường… Ðể bảo vệ cho trẻ, ngoài việc bố mẹ luôn để mắt đến con, không để trẻ đi một mình, chơi một mình thì còn cần dạy con cách tránh xa những kẻ bắt cóc, vì thực tế cho dù cẩn thận đến mấy, bố mẹ cũng không thể lúc nào cũng ở bên cạnh con, nhất là khi con đã bắt đầu vào cấp 1.
Cần dạy con những gì? Cụ thể, bạn cần dạy trẻ:
– Tuyệt đối không đi một mình ở nơi tối tăm, vắng vẻ.
– Ði ra ngoài phải thông báo mấy giờ về, đi với ai, làm gì…
– Không nói chuyện với người lạ. Bất cứ người lạ nào muốn hỏi gì cũng cần lắc đầu, tránh đi.
– Tuyệt đối không nhận tiền, quà, không tin những lời hứa “cho quà”, “giúp đỡ” từ người lạ.
– Không leo lên xe của người lạ.
– Khi người lạ muốn chạm vào người thì con phải hét lớn lên: “Không đụng vào con!”. Hét càng lớn càng tốt để gây sự chú ý của những người khác.
– Khi lạc mẹ không hoảng sợ, không khóc mà tìm ngay những nhân viên mặc đồng phục bảo vệ ở đó để nhờ giúp đỡ.
– Trong mọi trường hợp, không được tin có ai khác muốn đón con, ba mẹ bận việc. Cho con biết chỉ đi về với ba mẹ, ông bà nội ngoại hoặc cô chú nào đó (chỉ cụ thể từng người) trong nhà.
– Không vào nhà người khác, dù là hàng xóm hay người quen chơi mà không xin phép ba mẹ.
– Trong những trường hợp bất thường như tình huống xảy ra mà mẹ không có nhà, cần gọi điện cho mẹ để được chỉ dẫn. Không tự ý mở cửa.
Sáu tuổi là bé đã có thể quen dần và thực hiện tốt dần những điều này. Vì vậy bạn cần hướng dẫn cho con từ sớm. Tốt nhất nên lồng ghép việc hướng dẫn vào các trò chơi. Ví dụ như trò chơi hỏi đáp. Mẹ hỏi các tình huống, xem con đáp thế nào, con hiểu thế nào. Bằng cách đó, bé có thể tiếp thu một cách nhẹ nhàng, hiểu các biện pháp cơ bản cần làm để phòng tránh “mẹ mìn”.