Mẹ&Con – Một chuyện tế nhị nhưng ít bà bầu nào để ý. Ấy là suốt chín tháng thai kì, cơ thể bạn thay đổi rất nhiều, dễ phát sinh ra những mùi “không mấy dễ chịu”. Bạn muốn giữ hình ảnh đầu bù tóc rối, cơ thể, răng miệng đều… có mùi, hay muốn mình sẽ là một bà bầu tươi xinh, sạch sẽ và “thơm phức”?

Vệ sinh răng miệng

Trong thời kì mang thai, bạn sẽ phải “đối mặt” với một nguy cơ chẳng dễ chịu chút nào, ấy là những vấn đề về răng miệng. Trước tiên, răng và lợi của bạn bị suy yếu đi, do cơ thể có những thay đổi về hormon. Kế đến, bạn dễ bị viêm lợi, đau răng, chảy máu răng và… có mùi hôi với răng miệng nữa.

Vì sao à? Bên cạnh nguyên nhân chính là sự thay đổi về hormon, còn có nguyên nhân thứ hai là những thay đổi trong chế độ dinh dưỡng. Phụ nữ mang thai thường có cảm giác buồn nôn, thậm chí hay bị nôn mửa, gây ảnh hưởng đến men răng. Chưa kể bạn tăng cường nhiều đồ ngọt, đồ chua. Nếu chừng ấy thứ mà bạn còn… lười đánh răng nữa thì bạn biết hậu quả thế nào rồi đấy.

Biện pháp cho những rắc rối này là nên nhớ đến nha sĩ lấy cao răng đều đặn, khám răng thường xuyên, đánh răng hàng ngày tối thiểu 3 lần. Và nhớ “dè chừng”, thỉnh thoảng kiểm tra lại bằng cách phà hơi vào lòng bàn tay xem có mùi không nhé.

Ba bau thom phuc

(Ảnh minh họa)

Chữa triệt để các bệnh về da

Thật ra, bạn nên làm điều này từ trước khi quyết định có thai sẽ tốt hơn là để đến khi “có chuyện” mới bắt đầu tính đến phương cách giải quyết. Nhiều thai phụ mới có thai được vài tháng, mặt đã nổi đầy mụn trứng cá. Cả lưng cũng đầy mụn. Sau đó là các chứng ngứa ngoài da như sẩn ngứa thai kì, viêm nang lông ngứa của thai kì, vàng da ứ mật thai kì….

Các bà mẹ thường thờ ơ với vấn đề này và nghĩ thầm: Ai có thai mà chẳng vậy! Nhưng quan niệm như thế là bạn sai lầm to rồi đấy. Hãy hình dung một thai phụ đầu bù tóc rối, người xồ xề, mặt đầy mụn và cứ luôn tay “gãy đàn”. Chính bạn còn không “chịu đựng” nổi hình ảnh ấy nữa là ai khác!

Đa số bệnh da trong thai kì là các bệnh có thể gặp ở bất cứ phụ nữ bình thường nào. Bệnh nhiễm chiếm tỉ lệ cao nhất (22.56%), nổi bật là mụn trứng cá (15.01%), kế đến là nhóm bệnh hắc tố (10.44%) và bệnh da dị ứng (6.23%).

Lời khuyên cho bạn để tránh xa những mùi hương… không chịu nổi ấy chính là giữ vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ hàng ngày. Bạn cũng cần thận trọng trong việc dùng thuốc và mỹ phẩm; giữ vệ sinh và bảo vệ da khỏi các tác nhân gây bệnh như bụi bặm, vi trùng, ánh nắng…

 Chăm sóc và vệ sinh “vùng nhạy cảm”

Âm đạo của phụ nữ thường xuyên chứa nhiều vi khuẩn có ích. Những vi sinh vật này có khả năng ngăn chặn sự phát triển của nhiều mầm bệnh, khiến cho khu vực này tự làm sạch một cách tự nhiên. Chính vì thế, rửa quá nhiều sẽ làm mất đi những vi sinh vật có ích. Sử dụng xà phòng, dung dịch tẩy rửa không phù hợp, cũng sẽ làm sưng đỏ, đau rát lớp da nhạy cảm của âm đạo. Tốt hơn hết là bạn nên sử dụng một chất tẩy rửa dịu nhẹ, không mùi để vệ sinh khi cần thiết.

Bạn chú ý những chi tiết tưởng chừng rất nhỏ, như sau khi đi vệ sinh phải lau khô, sạch sẽ, không giữ ẩm ướt. Nội y thay ra phải giặt ngay, không giặt chung với quần áo người khác, không ngâm. Trong giai đoạn thai kì, nên ưu tiên dùng quần nội y bằng vải cotton. Nội y phải được phơi ngoài nắng cho mau khô.

Nếu cảm thấy quá “khó chịu”, bạn có thể dùng thêm loại băng vệ sinh sử dụng hàng ngày.

Mỗi lần thay băng, bạn rửa bộ phận sinh dục bằng nước sạch, có thể dùng nước rửa chuyên dùng cho vệ sinh phụ nữ có bán trong các nhà thuốc, sau đó lau khô bộ phận sinh dục trước khi đặt băng vệ sinh mới. Không nên rửa bên trong âm đạo để tránh nhiễm trùng và có thể làm tổn thương đến âm đạo.

 Dung dịch vệ sinh phụ nữ (thuốc rửa phụ khoa)

Đây không phải thuốc trị bệnh mà chỉ là một dạng dung dịch tẩy rửa được đặc chế dành riêng cho việc vệ sinh vùng kín. Bình thường, độ pH trong âm đạo dao động từ 3,8 – 4,2. Vì vậy, các loại dung dịch vệ sinh phụ nữ trên thị trường đã được điều chế phù hợp với môi trường ấy.

Khi sử dụng thuốc rửa phụ khoa, nếu thấy “vùng kín” bị nóng rát, đỏ bất thường và khó chịu, bạn nên ngưng sử dụng ngay và đến bác sĩ. Có thể bạn đã bị dị ứng với một thành phần nào đó trong thuốc rửa.

Ngứa ơi là… ngứa!

Theo ước tính của các nhà khoa học, có khoảng 14% phụ nữ mang thai thường xuyên bị ngứa, đặc biệt từ ba tháng thứ 2 trở đi của thai kì. Ngứa khi mang thai có rất nhiều nguyên nhân như: những biến đổi về sinh lý, có sự căng giãn da hay rạn da do thai lớn dần, nổi sẩn kèm theo tăng sắc tố.

Tình trạng này thường được gọi là sẩn ngứa khi mang thai, các vị trí hay gặp nhất là vùng bụng, hai bầu vú do mô tuyến vú tăng sinh, cánh tay, mông, đùi thường do tích tụ mỡ, cẳng, bàn chân do sự đè ép của thai lên tĩnh mạch chủ dưới gây ứ trệ tuần hoàn chi dưới có thể bị phù chân. Ngoài ra, đổ mồ hôi nhiều cũng làm xuất hiện rôm sảy, đặc biệt ở những vùng kẽ, nếp gấp da như dưới vú, háng, cổ, gáy, ngực, lưng…

Về điều trị, trước hết cơn ngứa phải được cắt bằng nhiều giải pháp như chườm lạnh, chườm nóng và không bao giờ được gãi, vì đặc thù ngứa trong thai kì càng gãi thì càng ngứa, càng gãi thì kích thích gây tăng sừng, tăng sắc tố khiến vùng đó dày lên trở thành mãn tính rất khó điều trị hoặc để lại di chứng về sau. Có thể giảm những triệu chứng khó chịu trên da bằng một số biện pháp như: mặc quần áo bằng vải thoáng mát, đủ rộng,  tránh ra ngoài lúc trời nắng hay ở những nơi nóng bức, tắm với nước mát, không nên lạnh quá vì có trường hợp ngứa do lạnh hoặc nước ấm để giúp giảm ngứa, tùy vào sự nhạy cảm nhiệt độ của mỗi người.

Tags:

Bài viết liên quan