Ợ nóng là triệu chứng thường gặp khi mang bầu do cơ thể sản sinh progesterone, một hoóc môn làm thư giãn cơ bắp trong thời kỳ mang thai, đồng thời cũng làm giãn van dạ dày khiến van này đóng mở không đúng cách, axit dễ thoát ra khỏi thực quản gây ra chứng ợ nóng. Tuy nhiên, cũng có những cách an toàn và hiệu quả để ngăn chặn những cảm giác khó chịu này.
1. Ăn nhiều bữa nhỏ
Nếu bạn đang bị ốm nghén, kém ăn uống thì có lẽ không vấn đề gì. Nhưng nếu bạn thèm ăn thì nên tránh ăn quá nhiều. Dạ dày bị nhồi nhét quá no có thể làm gia tăng chứng ợ nóng. Thay vì ăn ba bữa mỗi ngày thì bạn nên chia nhỏ thành 5 đến 6 bữa để giảm áp lực dạ dày.
2. Ăn chậm
Ăn quá nhanh khiến thực phẩm liên tục dồn xuống dạ dày cũng dễ dẫn đến chứng ợ nóng và khó tiêu. Cố gắng thư giãn và thưởng thức bữa ăn một cách chậm rãi và thong thả. Điều này cũng sẽ giúp bạn tránh ăn quá nhiều.
3. Chia nhỏ lượng nước uống
Hãy cố gắng đáp ứng lượng nước cần thiết cho cơ thể bằng cách uống nước xen kẽ giữa các bữa ăn thay vì uống trong bữa ăn. Hấp thụ quá nhiều chất lỏng trong dạ dày sẽ làm dạ dày bị rỗng và pha loãng axit trong đó làm chứng ợ nóng dữ dội hơn.
Chia nhỏ bữa ăn giúp bà bầu giảm áp lực lên dạ dày, đồng thời ngăn ngừa được chứng ợ nóng hiệu quả. (Ảnh minh họa)
4. Ngồi hoặc đứng sau bữa ăn
Sau bữa ăn, mẹ bầu đừng vội nằm xuống mà nên thong thả đi bộ, làm việc nhà nhẹ nhàng, ngồi xuống và đọc một cuốn sách… bất cứ việc gì mà không đòi hỏi bạn phải cúi hay nằm xuống. Bởi các hoạt động ấy có thể giúp đẩy axit trở lại thành thực quản của bạn.
5. Không ăn trước khi đi ngủ
“Ăn một bữa thịnh soạn trước khi ngủ là điều kiện tốt thúc đẩy cho chứng ợ nóng”, Joel Richter – giám đốc khoa tiêu hóa – dinh dưỡng và các bệnh thực quản tại Đại học South Florida ở Tampa, người đã nghiên cứu chứng ợ nóng trong khi mang thai cảnh báo. Ông đề nghị các thai phụ cố gắng không nên ăn ít nhất 3 giờ trước khi đi ngủ. Bạn cũng nên cố gắng tránh uống từ một vài giờ trước khi đi ngủ.
6. Giữ cho đầu và ngực của bạn ở vị trí cao hơn khi ngủ
Khi ngủ, bà bầu nên nằm kê cao đầu, đồng thời nằm hơi nghiêng sang bên trái một chút sẽ giúp làm giảm chứng ợ nóng. Bạn cũng có thể trang bị loại gối ôm đặc biệt dành cho bà bầu để giữ cho phần trên của cơ thể được thoải mái khi ngủ. Chiếc gối cũng giúp nâng đỡ phần bụng ngày càng lớn, giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
7. Biết những thực phẩm gây kích ứng
Chất béo, cà phê, sô cô la, cam quýt… là những thực phẩm nên tránh đối với những thai phụ bị ợ nóng vì chúng có thể làm trầm trọng các triệu chứng. Tuy nhiên, đối với mỗi người có thể không giống nhau, nếu không thể xác định được những thực phẩm mà mình bị kích ứng, bạn nên theo dõi để biết đó chính xác là những thực phẩm nào.
8. Mặc quần áo rộng rãi
Mặc quần áo chật sẽ gây áp lực lên bụng của bạn, và có thể làm tăng tình trạng axit trào ngược. Vì vậy, bạn nên mặc quần áo rộng rãi khi mang bầu, đặc biệt là nếu bạn đang cố gắng để dập tắt chứng ợ nóng.
Gừng giúp giảm bớt axit trong dạ dày nên có thể chống buồn nôn, vốn là “bạn đồng hành” của chứng ợ nóng
9. Ăn gừng
Một số phụ nữ thấy rằng gừng hay các sản phẩm từ gừng như trà hay kẹo gừng… có thể giúp giảm bớt sự khó chịu ở bụng. Gia vị này cũng có thể chống buồn nôn, vốn thường “tay trong tay” với chứng ợ nóng. Lý do là gừng có thể giúp làm giảm bớt axit trong dạ dày gây ra triệu chứng ợ nóng.
10. Hãy xem xét đến một loại thuốc kháng axit
Nếu việc thay đổi lối sống không cải thiện được chứng ợ nóng thì bạn cần phải tìm đến thuốc kháng axit để dập tắt tình trạng này. Thuốc kháng axit có chứa canxi hoặc magiê nên vẫn an toàn khi sử dụng trong thời kỳ mang thai. Trong thực tế, lượng canxi bổ sung trong các thuốc kháng axit là tốt cho mẹ và bé. Nhưng tránh thuốc kháng axit có chứa nhôm bởi vì nó có thể gây ra táo bón và gây độc ở liều cao. Để có được lựa chọn chính xác, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sỹ trong trường hợp này.
11. Thuốc ức chế H2
Nếu ngay cả khi sử dụng thuốc kháng axit mà triệu chứng ợ nóng vẫn trầm trọng thì bạn cần phải cân nhắc đến loại thuốc mạnh hơn. Lựa chọn đầu tiên của bạn sẽ là thuốc ức chế H2, thuốc ức chế sản xuất axit dạ dày. Tất cả những loại thuốc ức chế H2 trên thị trường đang có sẵn đều được coi là an toàn khi mang thai. Nhưng bạn vẫn nên trao đổi với bác sỹ trước khi dùng thuốc.