Bạn biết gì về rạch tầng sinh môn?
Rạch tầng sinh môn là một thủ thuật nhỏ, khiến âm đạo rộng ra, giúp bé chào đời dễ dàng hơn. Có thể giải thích đơn giản, rạch tầng sinh môn là một thao tác dạng cắt vùng da từ âm đạo hướng xuống dưới hậu môn (vùng giữa hậu môn và cơ quan sinh dục) để tạo đường rộng cho em bé chui ra.
Tại sao cần rạch tầng sinh môn?
Tất cả những trường hợp rách tầng sinh môn sau sinh, ngoại trừ những vết rách tầng sinh môn cạn đều có thể kèm theo những tổn thương khác nhau của phần dưới âm đạo. Những vết thương như thế có thể đạt đến độ sâu gây tổn thương cho cơ vòng hậu môn và có thể lan rộng đến những độ sâu khác nhau xuyên qua vách âm đạo.
Để tránh những tổn thương này, bác sĩ thường chủ động cắt tầng sinh môn nhất là ở những người sinh con so, do tầng sinh môn còn rắn chắc. Khi thực hiện các thủ thuật phải đúng chỉ định, đủ điều kiện và đúng kỹ thuật.
Rạch tầng sinh môn giúp quá trình chuyển dạ nhanh hơn và hạn chế rách âm đạo do rặn đẻ, nhất là trong lần sinh nở đầu tiên. Như đã nói, việc này sẽ giúp tránh được những vết rách nghiêm trọng (có thể là rách trực tràng). Không những thế, khi bị rách tự nhiên, vùng kín sẽ phục hồi chậm, bị đau nhiều hơn và khả năng đàn hồi ở các cơ xương chậu cũng kém hơn. Trong khi đó, việc rạch tầng sinh môn tuy đau nhưng sẽ giúp phục hồi nhanh hơn, tránh nhiều nguy hiểm.
Có phải ai sinh con cũng… rạch?
Điều này không đúng. Bác sĩ chỉ rạch tầng sinh môn trong trường hợp sản phụ không biết cách rặn đẻ, đầu của bé quá to so với âm đạo của mẹ, thai trong tình trạng nguy hiểm, trường hợp phải nhờ kẹp forcep (dùng để kẹp vào đầu bé, giúp lôi bé ra ngoài dễ hơn). Trường hợp mẹ sinh dễ dàng, rặn đẻ tốt, bé ra được nhanh chóng thì không cần rạch tầng sinh môn. Vì vậy, bạn không nên hoang mang, kể cả trong trường hợp rạch hay không rạch.
Thủ thuật này có nguy hiểm?
Câu trả lời là không. Tuy nhiên, khi phải rạch tầng sinh môn, mẹ sẽ phải đối diện với một số nguy cơ như: Nhiễm khuẩn, ra máu, sưng phù, thâm tím, đau ở chỗ rạch trong một khoảng thời gian. Nhiều người mẹ cảm thấy cơn đau ở chỗ rạch tầng sinh môn còn kéo dài 1-2 tuần sau đó. Trong khi một số khác bị đau hàng tháng, hoặc lâu hơn.
Sau khi bị rạch, tầng sinh môn được may lại thế nào?
Tầng sinh môn được may làm 3 lớp: lớp thành âm đạo, lớp cơ tầng sinh môn và lớp da. Lớp da có thể may bằng chỉ không tiêu hoặc may luồn dưới da bằng chỉ tiêu. Khi may tầng sinh môn phải đảm bảo nguyên tắc là không bị chồng mép, không so le và không còn khoảng trống giữa các lớp.
Nếu chỉ may ở phía ngoài mà không lấy sâu vào tổ chức vùng đáy chậu, niêm mạc âm đạo và lớp cơ có thể đưa đến giãn rộng âm đạo (ảnh hưởng đến chuyện sinh hoạt vợ chồng về sau) và có thể là một yếu tố góp phần gây ra sa trực tràng, sa bàng quang, sa tử cung.
Sản phụ sẽ được may phục hồi tầng sinh môn sau khi sổ nhau và buồng tử cung sạch, tử cung co tốt, cổ tử cung bình thường. Vết may tầng sinh môn sẽ được kiểm tra (xem có bị sưng nề, bầm tím, đỏ đau nhiều, có tụ máu âm hộ, âm đạo, chân chỉ có mủ… hay không).
Nên làm gì để giúp vết thương chóng phục hồi?
Sau khi may tầng sinh môn, bác sĩ sẽ cho bạn dùng thuốc 3 lần mỗi ngày để sát trùng. Hãy tự tay vệ sinh cẩn thận (dù rất đau) khi đi ngoài, thay băng vệ sinh sạch nhiều lần trong ngày, nên tập đi tiểu, ngồi dậy đi lại, tránh bị táo bón vì nếu táo bón, việc rặn sẽ gây ảnh hưởng đến sự phục hồi của vết may.
Bác sĩ thường cho kháng sinh trong 5 đến 7 ngày. Bạn cần uống thuốc đều, nghỉ ngơi, cố gắng chịu đựng cơn đau để vệ sinh vùng kín tốt. Nếu vết may tốt, sau khoảng 7 ngày vết thương sẽ hồi phục.
Vậy còn chuyện “chăn gối vợ chồng” sau khi sinh?
Vết khâu ở tầng sinh môn không đến nỗi gây trở ngại cho chuyện chăn gối vợ chồng. Tuy nhiên, để yên tâm, trong những lần đầu tiên sau khi đã hồi phục hoàn toàn, cần chú ý chăm chút cho “khúc dạo đầu”, giúp mọi việc dễ dàng hơn. Ngoài ra, có thể dùng đến dầu bôi trơn dạng nước, tránh mọi động tác quá mạnh vào thời gian này.
Rách tầng sinh môn được chia ra làm 4 độ:
Độ 1: Tổn thương lớp da, niêm mạc âm đạo.
Độ 2: Tổn thương cơ âm đạo, tổn thương âm đạo nặng với rách âm đạo hai bên.
Độ 3: Rách rộng liên quan đến rách vỏ bao ngoài hoặc đứt cơ vòng hậu môn.
Độ 4: Tổn thương phức tạp, tổn thương niêm mạc ống hậu môn trực tràng.
>>> Để có thể tránh bị rạch tầng sinh môn…
Điều này đồng nghĩa với việc bạn cần tự thực hiện một số biện pháp để giúp việc vượt cạn dễ dàng hơn. Nên đi học lớp tiền sản, để biết cách rặn đẻ một cách thuần thục. Tập thể dục nhẹ nhàng suốt thai kỳ, vì việc vận động sẽ giúp quá trình sinh nở thuận lợi hơn. Ngoài ra, trong thời gian bầu bì, nên ăn những thực phẩm có chứa dầu và chất béo lành mạnh. Lý do là da sẽ hấp thu những dưỡng chất bạn ăn thông qua hệ tiêu hóa. Vì vậy nếu bạn đang ăn chất béo lành mạnh, da sẽ có thêm độ ẩm và độ đàn hồi. Một số loại có thể kể ra bao gồm quả bơ, mỡ cá hồi. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy với những mẹ có chế độ ăn uống tốt, đã qua những lớp tiền sản và tinh thần sẵn sàng cho ngày sinh thì ít có nguy cơ cần rạch khi sinh nở hơn.