Một ngày nọ, khi chuẩn bị đi đám tang, anh phát hiện mình không còn một chiếc sơ mi trắng nào hết. Sơ mi đen thì anh có, nhưng sơ mi trắng thì đã vắng mặt từ rất lâu trong tủ áo của vợ chồng anh. Nếu không có đám tang đứa bạn cùng quê hôm ấy, chưa chắc anh đã nhận ra sự thiếu vắng này.
Vợ anh phẩy tay, thì anh mặc sơ mi đen đi, bao năm nay vẫn vậy mà. Chiếc sơ mi đen có thêm một cái sọc chìm màu xanh dương chạy từ vai xuống gấu, trông cũng thời trang và chững chạc. Thì phải vậy thôi, chứ đâu có gì khác thay thế. Xe các bạn đón đang bấm kèn chờ dưới đường.
Ở quê anh, người ta mặc áo trắng đi đám tang chứ hiếm ai mặc áo đen. Trong mớ quần áo khiêm tốn của người quê, nhất là những người già, áo trắng luôn được giặt giũ treo móc cẩn thận. Phụ nữ có lòe loẹt xanh đỏ tím vàng ở đám cưới ra sao, thì bước chân vào đám tang cũng cứ áo trắng mà mặc, áo bà ba trắng càng tốt.
Sau này ở phố, đi đám tang ở chùa, ở nhà tang lễ của nhà nước, anh quen dần với tục mặc áo đen của người xứ khác. Chuyện này dễ hiểu, trắng đen đơn giản là tôn trọng sự đau buồn của tang gia, mình đừng có màu mè chướng mắt là được.
Nhưng, dường như có một điều gì đó vừa nhói lên trong anh. Như là chiếc xe đang bon bon trên đường bỗng xóc lên một cái vì ổ gà… Một đám mây áo trắng trở về, lồng lộng và vần vũ trong tim anh. Sơ mi trắng với nhiều người là gắn liền với tuổi học trò. Sơ mi trắng là hiện thân hoàn hảo của sự tinh khiết và thơ ngây.
Sơ mi trắng có khi là vô nhiễm mà lại dễ lấm bẩn đến xót xa. Anh từng yêu một người áo trắng. Người ấy cũng nói yêu anh vì sơ mi trắng.
Hồi đó, đại học không quy định gì về áo quần của sinh viên. Ai có gì mặc nấy, miễn sao đừng quá kệch cỡm, buông thùa mà bạn bè cười chê. Giáo sư thường là lim dim giảng bài cho đến hết giờ, chẳng mấy ai quan tâm đến trang phục của sinh viên.
Anh thì trăm ngày như một, cứ sơ mi trắng mà đến giảng đường. Cứ sơ mi trắng mà bước vào tình yêu với người ấy. Sơ mi trắng cùng anh hiện ra trong mắt người ấy, đĩnh đạc và tự tin, trong khi bạn bè cùng trang lứa cứ rộn ràng quần jeans áo thun thời thượng.
Chỉ anh mới biết, anh mặc sơ mi trắng còn vì một lý do khác, vì đó là trang phục của nhân viên phục vụ nhà hàng.
Đó là việc làm thêm để anh giảm nhẹ gánh nặng tiền bạc cho gia đình. Anh biết mình không có gì phải xấu hổ, vì anh lao động chân chính và tự trọng, nhưng những lý luận tích cực đó vẫn không dẹp nổi mặc cảm luôn đầy ứ trong lòng anh.
Người ấy xuất thân từ một hoàn cảnh tốt. Những chiếc áo trắng của nàng cứ như mây như gió. Trắng tinh và đẹp đẽ vô cùng. Yêu nàng, anh luôn nhủ mình phải cố gắng làm sao để giữ gìn sự trong trắng đó…
Nhưng đôi khi, anh lại hay chạnh lòng. Vì nàng không biết, sơ mi trắng với anh là do không còn lựa chọn khác. Sơ mi trắng chẳng phải vì cá tính hay sự giản dị đỉnh cao như nàng nghĩ.
Sơ mi trắng cứ bảng lảng suốt một quãng dài tự ti và mặc cảm của đời anh. Sau khi ra trường, kết thúc công việc bồi bàn, bước vào con đường làm thuê kiểu khác, anh đã chối bỏ áo trắng như thể chính nó hạ thấp nhân phẩm của anh.
Anh căm thù nó mà quên mất rằng, sự yếu đuối trong chính tâm hồn, nhận thức của anh mới khiến nàng cảm thấy anh thật tội nghiệp. Cuối cùng thì tình yêu chẳng có kết cục gì.
Tình yêu thời sơ mi trắng giờ hiện ra như một cái ổ gà, xóc chiếc xe anh một chút. Anh biết cảm xúc rồi cũng sẽ qua. Nhưng, chắc chắn là sau khi đi đám tang về, anh sẽ tự mình mua một cái sơ mi trắng. Dù nó có là nỗi mặc cảm đến ám ảnh thì sơ mi trắng cũng đã là một phần đời của anh, đâu dễ xóa bỏ được.
Chưa kể, sơ mi trắng sẽ nhắc nhở anh rằng, anh đã ngốc dại bao nhiêu khi cứ chăm chăm vào chuyện giàu nghèo mà ứng xử với tình yêu. Và cuối cùng, nếu vợ có hỏi vì sao, anh sẽ nói, anh thấy cũng cần có một cái sơ mi trắng trong nhà, để dành đi đám tang.
Mua lại một cái sơ mi trắng, lần này coi như anh cũng vừa đưa tang cho một tình yêu. Dẫu trễ một chút, nhưng anh thấy nhất thiết phải có nghi thức này. Rồi cuộc sống sẽ tiếp diễn…