ĐUỐI NƯỚC Ở TRẺ – ỪNG ĐỂ TRẺ CHẾT VÌ… MỘT THAU NƯỚC
Hầu hết phụ huynh đều chỉ nghĩ đến mối hiểm họa từ “bà Thủy” khi đưa con mình đi về khu vực nhiều sông rạch, hồ biển. Trong khi đó, thực tế cho thấy, một tỷ lệ lớn trường hợp trẻ bị ngạt nước, đuối nước ở trẻ xảy ra ngay chính trong… nhà của mình, do những bất cẩn của người lớn gây ra.
Một trường hợp “hú hồn” cách đây không lâu: Do nhà thường xuyên bị cúp nước nên gia đình chị L.T.B luôn trữ sẵn một thùng nhựa nước to đến mấy vòng tay người lớn ôm mới hết. Hai đứa trẻ trong nhà mới lên 6 và lên 7 lén lúc mẹ đang bận tiếp khách ở nhà trên bèn… leo vào để đùa nghịch, lặn hụp trong đó. Hai đứa trẻ bị trượt chân té, sặc sụa trong thùng nước. May mà được phát hiện kịp thời, nếu không gia đình có thể sẽ phải ân hận suốt đời vì chuyện trữ nước trong thùng nhựa lớn như thế này.
Trò chơi nguy hiểm khác mà không ít trẻ vẫn chơi là thi nhau… ụp mặt vào thau nước, lu nước, nhịn thở xem ai sẽ nín thở được lâu. Nhiều phụ huynh có thấy con chơi nhưng vẫn chủ quan cho qua, nghĩ rằng trẻ lớn rồi, đứng ở bên ngoài, chỉ ụp mặt xuống cái thau hay cái lu bé xíu, không thở được thì trẻ tự động… ngóc đầu lên chứ có vấn đề gì đâu!!! Cũng vì suy nghĩ này, mà vừa qua đã có những cháu bé ngạt nước phải đưa đi cấp cứu chỉ vì… cái thau hay cái lu như thế.
Ngoài ra, ngay giữa thành phố nhưng chỉ cần vài cơn mưa lớn là đã có thể xảy ra tình trạng… ngập lụt. Nước ngập có những điểm cao đến cả hơn nửa mét. Phụ huynh nên hết sức lưu ý chuyện này. Nên đưa đón trẻ đi học trong những ngày mưa, không để trẻ nghịch ngợm đùa giỡn với nước ngập lúc trời mưa.
Luôn để mắt đến trẻ, đừng chủ quan vì đã từng có trường hợp trẻ chết đuối ngay… trong nhà, ở thành phố chứ không phải vùng thôn quê vì nước mưa ngập đến đầu gối trong nhà và trẻ bị té xuống nước mà người nhà không biết.
LÀM GÌ ĐỂ BẢO VỆ TRẺ KHỎI “BÀ THỦY”?
Trong nhà:
Với trẻ dưới 3 tuổi, tuyệt đối không được phép để trẻ một mình trong nhà tắm, dù chỉ trong khoảng thời gian vài phút để đi nghe điện thoại hay làm việc riêng. Ví dụ bạn đang tắm cho con, nghe tiếng chuông gọi cửa, bạn bắt buộc phải bế trẻ theo đi ra mở cửa rồi mới đưa trẻ vào tắm lại. Nếu bạn chủ quan để trẻ trong nhà tắm, ngồi hoặc nằm trong thau nước (dù chỉ có một chút nước), trẻ có thể bị ngã úp mặt và mất đi mạng sống chỉ vì… một thau nước bé cỏn con như thế.
Phòng tắm cần có cửa đóng chặt (khi nhà có trẻ nhỏ). Không cho trẻ tự ý vào phòng tắm nghịch nước một mình. Với trẻ dưới 3 tuổi, phòng tắm nên có thanh chắn để trẻ không tò mò lẻn vào. Bồn vệ sinh cần được đậy nắp khi không dùng đến.
Nếu con bạn để tóc dài, trước khi trẻ vào bồn tắm dạng nằm cần buột tóc trẻ cho gọn gàng trở lại, tránh trường hợp đuôi tóc có thể vướng vào các lỗ rút nước.
Đặt các miếng lót an toàn trong bồn tắm để đề phòng trường hợp bé trượt ngã trong bồn tắm và quá trơn không đứng dậy được.
Đảm bảo trong phòng tắm không có ghế hay vật gì giúp trẻ leo trèo được vào bồn tắm. Chỉ nên cho trẻ tắm bằng vòi hoa sen, không nên đổ ngập nước trong bồn tắm rồi cho trẻ chơi đùa trong đó. Lâu dần trẻ sẽ quen với việc này và một lúc nào đó bạn không để ý, trẻ có thể tự mình… mở nước, vào bồn tắm ngồi nghịch.
Ngoài vườn và các nơi khác:
Không nên sử dụng lu chứa nước khi nhà có trẻ nhỏ. Trẻ rất tò mò, thích thú với những lu, vại, thùng chứa nước lớn này và thường xem đây như “hồ bơi” của mình, lén ba mẹ để vào trong đó bơi, chơi trò ngụp lặn trong chum vại.
Nếu nhà bắt buộc phải có lu vại chứa nước thì cần đóng đậy thật chặt, nói rõ với trẻ (trên 3 tuổi) mức độ nguy hiểm và nghiêm cấm con không đùa nghịch gần khu vực đó.
Một số gia đình khá giả thường có hồ bơi trong khuôn viên biệt thự hoặc có ao cá trong nhà vườn. Đây là những “cái bẫy” nguy hiểm với trẻ. Bạn cần làm rào chắn cẩn thận 4 bên, khóa cửa rào chắn nếu con còn nhỏ.
Luôn vớt dọn không để đồ chơi của trẻ rơi xuống hồ bơi, nổi lềnh bềnh trên nước. Vì đồ chơi sẽ thu hút sự chú ý của trẻ và có thể lôi kéo trẻ lại gần…
Giải thích và tập cho con các thói quen an toàn với nước ngay khi còn nhỏ. Ví dụ: Không đứng gần mép nước, không lại khu vực có nước khi chưa được ba mẹ cho phép…
Dạy con sử dụng áo phao trước khi đi trên thuyền bè, hay xuống tắm biển, tắm sông. Nói với con tầm quan trọng của áo phao ngay khi con hiểu được (khoảng trên 3 tuổi). Cần lưu ý một số trẻ không được ba mẹ giải thích nên không ý thức được tầm quan trọng của áo phao.
Khi trẻ được ba mẹ mặc áo phao cho, nhảy xuống nước thấy mình nổi nên trẻ… tưởng mình có thể tự nổi. Lần sau, không có ba mẹ hay chưa kịp được người lớn mặc áo phao vào cho, trẻ vẫn tự tin… nhảy xuống nước, sẽ rất nguy hiểm! 49% gặp tai nạn ngạt nước là trẻ em khoảng 3 tuổi (chiếm tỉ lệ cao nhất)
Không nên cho trẻ sử dụng phao bè, phao bánh xe vì những phao này rất dễ lật. Khi lật, trẻ không thể tự xoay xở và bám lại vào phao.
Chỉ nên cho con xuống nước khi bạn và con đều đã mặc áo phao và bạn tự tin hoàn toàn ở khả năng bơi lội của mình.
Không nói chuyện với người khác, mải nghe nhạc, đọc sách báo… khi con đang chơi dưới nước (kể cả dù trẻ biết bơi). Cần để mắt liên tục đến trẻ.
Nếu đưa trẻ đi bơi, nên chọn khu vực bơi có nhân viên cứu hộ đề phòng trường hợp nguy hiểm sẽ được trợ giúp ngay.
Bản thân bạn cũng cần phải thành thục các động tác sơ cứu cho trẻ khi bị ngạt nước, chết đuối. Nếu nhà có hồ bơi, ngay cạnh hồ bơi phải để sẵn các thiết bị cấp cứu và một máy điện thoại, cùng với số điện thoại khẩn cấp của bác sĩ gần đó.
Bạn có biết
• Cục Phòng chống thiên tai cho biết, hàng năm, mỗi tỉnh thành tại Việt Nam có khoảng 7-25 trẻ em bị chết đuối. Cá biệt có những tỉnh thành, số trẻ em chết đuối lên đến 80 trẻ/năm. Điều đáng nói là không chỉ chết đuối ngoài biển, ngoài ao hồ sông rạch mà không ít trẻ còn chết do ngạt nước ngay… tại nhà!
• Thống kê cũng cho thấy có đến 18% trẻ bị ngạt nước do chúi đầu vào xô, chậu đang chứa nước. Vì vậy, phụ huynh phải đặc biệt cẩn thận với những vật dụng chứa nước ngay trong nhà này.
• Nên cho trẻ làm quen với nước và học bơi từ khoảng 4 tuổi. Hãy đưa trẻ đến các lớp dạy bơi chuyên nghiệp. Bạn có thể học cùng con để trẻ đỡ sợ nước trong thời gian đầu.
Trong trường hợp trẻ bị ngạt nước, cần làm cách nào để sơ cứu cho trẻ?
Khi trẻ bị ngạt nước, đuối nước, cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nước. Cho trẻ nằm sấp, dốc cho nước chảy ra khỏi cơ thể và làm thông đường thở. Nếu trẻ đã ngừng thở, điều đầu tiên cần làm là phải hô hấp nhân tạo, thực hiện các thao tác cấp cứu cơ bản ngưng thở, ngưng tim ngay tại hiện trường, hà hơi thổi ngạt một cách kiên trì, sau đó nhanh chóng chuyển trẻ bị nạn tới cơ sở y tế gần nhất.