Mẹ&Con - Năm học mới vừa trôi qua được gần một tháng. Với cha mẹ có con học lớp 1, đây là một “sự kiện” bởi việc bé lần đầu bước vào con đường học vấn chứa nhiều nỗi háo hức. Trái ngược với niềm háo hức đó thì một số phụ huynh và con mình đang phải “vật lộn” với một vấn đề khác: học thêm.

Học ngày không đủ, tranh thủ… học thêm

Chị Thu Hằng ở Quận 1 có con đang theo học tại một trường tiểu học nổi tiếng ở đây cho biết: “Chưa bao giờ thấy việc học lại là gánh nặng cho trẻ con như hiện nay. Thời trước, cả đến bậc học phổ thông mà chỉ có những học trò kém cỏi nhất mới phải đi học thêm. Còn bây giờ, giỏi dở thế nào chưa biết cũng cứ phải học thêm, mà học thêm ngay từ trước khi vào lớp 1 trở đi”.

Chị cũng chia sẻ: “Theo kinh nghiệm của những người xung quanh, tôi đã cho con đi học rèn chữ từ năm bé học lớp lá. Thế nhưng vào lớp một, với áp lực trường điểm nổi tiếng, sợ con không bằng bạn bằng bè, tôi vẫn tiếp tục phải cho bé đi học thêm, ngoài rèn chữ đẹp thì còn học thêm toán nâng cao, tiếng Anh …”.

Một số phụ huynh khác lại có những lý do nghe rất… hoàn cảnh. Anh chị Hiền – Khoa nhà ở Quận Phú Nhuận cứ một tuần ba buổi đón con từ trường về, chở thẳng đi ăn cơm hàng rồi đưa bé đến nhà cô giáo cách xa nhà mình đến hai chục cây số để học thêm.

Anh chị cho biết: “Chúng tôi làm nghề buôn bán, thật buồn cười là tính nhẩm tiền hàng thì rất nhanh nhưng lại bó tay trước mấy bài toán lớp 1 đơn giản vì không làm sao để bé hiểu được. Dạy con thì cháu phản đối “không, ở lớp cô giáo dạy khác mà” hoặc “chữ này phải đọc thế này, không phải đọc thế kia”… Thế là anh chị nản vì không biết cách dạy cho bé dễ hiểu, đành phải gửi con đi học thêm ở nhà cô.

Gia đình bé An Huy ở Quận 2 thì lại đôn đáo cho con đi học thêm vì lý do khác. Trước đó anh chị chủ trương không muốn cho con học trước chương trình lớp 1 với suy nghĩ để bé còn được thoải mái vui chơi trước khi bước vào học chính thức.

Vậy là năm học mới bắt đầu, khi các bạn trong lớp hầu như đã viết chữ thuần thục, đã làm toán được rồi thì con chị mới bắt đầu ê a học vần và gò tay để tập viết. Sĩ số lớp đến gần 50 bé mà cô giáo thì “canh” theo tốc độ học của đa số học sinh trong lớp mà dạy, nên bé An Huy bị xếp vào nhóm “tiếp thu chậm”.

Đọc những lời cô giáo phê trong vở của con “học còn chậm”, “tay viết còn rất yếu”, “chưa biết làm toán” – trong khi mới chỉ trải qua ba tuần học đầu tiên của năm học mới mà chị thấy rất bức xúc, đứng ngồi không yên. Sốt ruột, sợ con không theo kịp bạn bè đâm ra chán học nên chị hỏi cô giáo và đăng ký cho bé học thêm …

Lớp 1 cũng phải học thêm

(Ảnh minh hoạ)

Khi học thêm phản tác dụng

Hầu hết các trường tiểu học hiện nay đều có chương trình bán trú, nghĩa là bé học chương trình chính vào buổi sáng và làm bài tập, ôn lại bài vào buổi chiều. Như vậy về nhà trẻ chỉ cần ôn thêm một lần nữa kiến thức đã học. Thời lượng học như vậy đã đảm bảo là trẻ đủ nạp và ghi nhớ kiến thức đã học. Tuy nhiên nhiều bậc cha mẹ vẫn bắt con phải học thêm để có điểm số xuất sắc nhất.

Hậu quả của việc ép trẻ học thêm nhiều là lấy mất thời gian vui chơi giải trí của bé. Trẻ cũng dễ trở nên chán học, ù lì, mất đi sự hồn nhiên của lứa tuổi do phải dồn sức quá nhiều cho việc học thêm. Những trẻ bị cha mẹ ép học quá nhiều cũng dễ trở nên yếu ớt về thể chất vì không dành thời gian để vui chơi vận động.

Cá biệt một số trẻ thể chất trở nên suy kiệt vì việc học thêm kéo dài đến 10 – 10h30 mỗi tối gây ra việc thiếu ngủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và trí tuệ của trẻ.

Tình trạng học thêm – dạy thêm đã được nói đến nhiều mà tại sao vẫn diễn ra rất “nhộn nhịp” như một chuyện hết sức bình thường? Theo một chuyên gia tâm lý thì tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Áp lực của các cha mẹ là muốn con mình học thật giỏi, điểm số phải thật cao vẫn còn tồn tại phổ biến.

Thêm vào đó, nhận thức chưa hoàn toàn đúng về quan niệm cho trẻ học chữ trước với việc làm quen chương trình tiền lớp 1 còn chưa đầy đủ. Làm quen với chương trình tiền lớp 1 nghĩa là tập cho bé khả năng thích ứng với việc tập trung lâu (45 phút cho một tiết học) và làm quen với chữ số và chữ cái, làm quen với các bài toán đơn giản. Nếu không có bước làm quen này, trẻ sẽ bắt nhịp chậm so với bạn bè khi vào học lớp 1 chính thức.

Thêm nữa, dù Bộ Giáo dục đào tạo đã ra chủ trương là không được dạy trước mà chỉ cho trẻ “làm quen” chương trình lớp 1 nhưng phần nhiều các trường mẫu giáo đều dạy theo kiểu “chạy trước”, mà cách dạy này cũng xuất phát từ tâm lý lo lắng của cha mẹ, sợ con mình thua kém bạn khi vào học lớp 1. Cha mẹ không tìm hiểu cách dạy con học, không có phương pháp hướng dẫn bé học hiệu quả cũng dẫn đến việc bé không tiến bộ trong học tập.

Lớp 1 cũng phải học thêm 1

(Ảnh minh hoạ)

Nhưng cũng đừng quá dị ứng với việc học thêm 

Theo cô Hồng Tuyết, giáo viên kinh nghiệm nhiều năm thì việc cho con học thêm không nên xem nặng nhưng cũng đừng dị ứng quá mức với nó. Với các bé học tiếp thu chậm, nếu cha mẹ không có phương pháp sư phạm và khả năng dạy bé thì cho bé học thêm cũng là một cách giúp trẻ bắt kịp nhịp với bạn bè.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cha mẹ vẫn phải song song tìm ra vấn đề cụ thể xem con học còn chưa tốt ở chỗ nào thì tập trung nhiều vào phần đó để con bắt kịp nhịp học. Việc tìm hiểu chương trình học, cách dạy bé và kể cả các “mẹo” giúp bé học dễ nhớ dễ thuộc cũng rất quan trọng.

Cha mẹ nên mua sách hướng dẫn hoặc hỏi giáo viên trực tiếp dạy bé để có cách hướng dẫn con phù hợp. Rèn cho con một thói quen tự giác học và sự tập trung chăm chú khi học cũng giúp bé mau tiến bộ.

Tags:

Bài viết liên quan