Bé ơi, nào mình… bò… bò… bò…!
Nói một chữ “bò” nghe thật giản đơn. Nhưng kỳ thật, đó là cả một quá trình bé học cách “chiến đấu” lại với trọng lực. Từ chỗ chỉ nằm ngửa, bé chuyển sang có thể nằm sấp, ngóc đầu lên nhìn mọi thứ theo hướng “nằm sấp” (bé học lẫy). Rồi kế đến, bé phải thực hiện việc nâng được cơ thể mình lên, hoặc nỗ lực di chuyển về phía trước mà không bị trọng lực “kéo” cho… ngã bẹp xuống.
“Cuộc chiến” này với bé không hề đơn giản. Có thể bạn vô cùng hạnh phúc khi nhìn thấy con lần đầu tiên bò được. Song, bạn còn hạnh phúc gấp nhiều lần nữa nếu biết rằng con bò được nghĩa là con đã có một khả năng vận động cơ bắp và sức khỏe hoàn hảo trong giai đoạn phát triển đó. Chống lại sức kéo của trọng lực, nâng bụng mình lên khỏi mặt đất ở những bước trườn đầu tiên (khoảng 4 tháng tuổi), sau đó là nâng hẳn được bụng cao so với mặt đất, gối co lại, chân tay phối hợp nhịp nhàng.
Bạn cũng cần biết rằng hai cánh tay của bé ban đầu sẽ mạnh hơn đôi chân nhiều nên bé sẽ học cách nâng người và chống đẩy bằng tay trước, sau đó mới đến chân. Quá trình này tuy là tự nhiên, nhưng bạn vẫn cần giám sát con, hướng dẫn và giúp đỡ con biết từng kỹ năng, vượt qua từng giai đoạn khó khăn.
Cũng xin lưu ý với bạn rằng không có gì đáng ngại cả với việc bé biết bò trễ hơn những trẻ em cùng lứa khác. Đơn giản vì cùng một quãng thời gian đầu đời, bé sẽ phải quan sát, học hỏi rất nhiều kỹ năng. Đa số trẻ sẽ biết bò sớm, tương thích với quá trình phát triển bình thường. Nhưng một số bé yêu khác lại tập trung nhiều hơn vào việc lắng nghe, cố phát âm để học nói. Điều đó cũng là bình thường. Bé sẽ biết bò vào khoảng từ 7 đến 10 tháng tuổi. Chỉ bất thường khi sau giai đoạn này, con bạn vẫn không hề có vẻ gì quan tâm đến thế giới xung quanh hay nỗ lực khám phá, cố di chuyển theo cách nào đó bất kỳ.
Trong quá trình cố gắng di chuyển, sẽ có lúc bất chợt bé phát hiện ra cách chuyển trọng lượng của mình từ bên này sang bên khác thông qua việc phối hợp tay chân và đẩy mình về phía trước. Đứa con thông minh của bạn sẽ khám phá ra điều đó vào khoảng 7-10 tháng tuổi. Nhưng nếu chậm hơn vẫn không có nghĩa là bé kém phát triển đâu đấy nhé!
Giúp bé cách nào?
Từ 3-4 tháng tuổi trở đi, mỗi khi chơi đùa với con, bạn có thể thử đặt sấp bé, mỗi lần một vài phút và tăng thời lượng lên từ từ. Tuy nhiên, lưu ý cần cẩn thận không để bé tự mình lật sấp hay học trườn, bò mà không có sự giám sát của bạn. Nguyên nhân là vì bé có thể không tự mình xoay xở được, không lật người lại được, rất dễ xảy ra hội chứng đột tử ở trẻ em khi tư thế nằm sấp làm hẹp đường thông hơi, ảnh hưởng đến hô hấp của trẻ.
Bé bắt đầu học bò thì thế giới xung quanh bé cũng theo đó mà thay đổi theo. Bé sẽ nhận ra mình có thể “đi theo” mẹ, phát hiện ra những điều mà trước kia, lúc còn nằm một chỗ bé không thể biết được. Bạn hết sức lưu ý rằng nhiều bé quá háo hức với những điều mới mẻ này và bò rất… hăng. Do đó, cần quan tâm đến yếu tố an toàn, đảm bảo cho bé được tuyệt đối an toàn trong không gian bò, như không bị va đầu vào những vật cứng nằm dưới đất, giữ cho sàn nhà đủ sạch sẽ…
Mọi người thường nghĩ bé mới biết bò sẽ bò chậm thôi. Nhưng bạn nhầm! Tốc độ của bé có thể vượt xa hình dung của bạn. Vì thế, hãy luôn tự hỏi không gian quanh con có đủ rộng rãi, an toàn cho con để con… lao nhanh tới phía trước mà bạn không kịp đỡ hay không. Bạn có thể giúp bé bằng một cách khác là luôn động viên, cổ vũ, vỗ tay khen ngợi, ôm ấp và hôn con mỗi khi bé di chuyển được từng đoạn ngắn. Sự nhiệt tình, hào hứng của bạn sẽ khuyến khích bé tiếp tục thử với những khoảng cách xa hơn.
Có sao không nếu con bạn “trốn” bò?
– Trốn bò là hiện tượng thiên thần bé bỏng của bạn chuyển tiếp từ biết lẫy, biết trườn sang đứng và đi luôn. Việc đốt giai đoạn này không có gì “trầm trọng” lắm, tuy nhiên, bạn cần lưu ý, vì bé sẽ có thể gặp phải một số khó khăn sau này.
– Hãy biết rằng quá trình tập trườn, bò giúp bé vận động toàn bộ cơ thể. Nghĩa là không chỉ biết bò, thật ra bé đang trang bị cho mình cả một quá trình kết hợp linh hoạt giữa tay phải và chân chân trái, cũng như tay trái và chân phải. Những bộ phận khác của cơ thể cũng tham gia vào quá trình kết hợp nhuần nhuyễn và quan trọng này. Thêm vào đó, khi học bò, cơ bụng, cổ của bé sẽ phát triển cứng cáp hơn, rất có lợi cho bé khi học các kỹ năng khác như viết, đọc, vẽ… sau này.
– Hầu hết những trẻ mắc hội chứng phát âm khó đều là những trẻ bỏ qua giai đoạn tập bò. Thực tế, sự kết hợp tay – chân trong giai đoạn tập bò giúp trẻ làm chủ kỹ năng đọc – viết nhanh hơn. Tập bò cũng giúp khả năng quan sát của bé nhanh nhạy hơn rất nhiều. Điều này giúp ích cho trẻ khi học tiếp những kỹ năng khác ở giai đoạn kế tiếp.