Sữa ơi, “ra” đi chứ!
Trước hết, bạn cần biết tại sao tự dưng sữa lại không “ra” được, bị tắc lại bên trong. Hãy hình dung ống dẫn sữa như những ống cao su thiên nhiên. Tạo hóa khi sinh ra tuyến sữa, muốn cho “gọn” nên đã cho chúng có cấu trúc ngoằn ngoèo để tăng dung tích chứa. Tuy nhiên, chuyện “gọn” này có một trục trặc nhỏ đi kèm. Ấy là nếu chẳng may có một chỗ bị gập lại giống như bạn lấy tay gập ống cao su thì đương nhiên nước ngừng chảy. Lúc mới tắc, sữa vẫn “ra” nhưng ít. Song, nếu mẹ chủ quan lơ là, ống dẫn bị tắc sẽ căng phồng lên, chèn ép toàn bộ đường đi các ống dẫn khác, thế là hai bầu ngực của bạn đều… tắc cả!
Nếu bạn cảm thấy ngực cương cứng lên, ấn bên ngoài đau trong thời gian cho con bú, có khả năng bạn đã bị tắc tuyến sữa.
Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân khác. Chẳng hạn như bé bú ít, không làm cạn bầu sữa được nên dẫn đến tình trạng dễ tắc. Bạn cần biết rằng ngay khi bạn mang thai tháng thứ 4 và 5, tuyến hormone của ngực đã bắt đầu tạo sữa. Nhưng để “khởi động” việc tạo sữa này thật sự lại là công việc của trẻ sơ sinh. Ngay khi vừa ra đời, chỉ với lần bú đầu tiên, đứa trẻ đã tạo ra điều kỳ diệu là dòng sữa mẹ! Tại thời điểm này có hai tuyến hormon cùng hoạt động: prolactin và oxytocin. Prolactin để tạo sữa, còn oxytocin làm cho sữa tiết ra.
Tuyến sữa bắt đầu hoạt động tích cực từ 3-4 ngày sau sinh. Đồng thời ngực của người mẹ sẽ cương lên và có thể đau khi ấn mạnh. Cơ thể người mẹ sẽ cung cấp đủ sữa theo nhu cầu bú của từng đứa trẻ. Nếu trẻ bú không đủ no, thì qua nhiều lần cho bú trong một khoảng thời gian ngắn, lượng sữa mẹ sẽ tự tăng. Ngay cả việc tổng hợp nguồn dinh dưỡng cho sữa mẹ cũng thay đổi thường xuyên. Sữa mẹ luôn bảo đảm đủ chất dinh dưỡng cần thiết phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của trẻ.
Tuy nhiên, tình hình không phải lúc nào cũng “trời yên biển lặng” như thế. Sữa có thể tắc, khi bạn vấp phải một số sai lầm như: Không day đều bầu sữa để thông tia sữa ngay sau khi sinh; Không vắt bỏ sữa thừa khi trẻ bú không hết; Tinh thần không thư thái, stress, trầm cảm; Ăn uống thất thường; Sau khi cho trẻ bú không vệ sinh lau rửa đầu vú sạch dẫn đến viêm nhiễm…
Làm gì để “khơi thông” dòng chảy?
Nắm được rõ những nguyên nhân gây tắc sữa cũng đồng nghĩa với việc bạn đã biết cách khắc phục chúng. Sau khi sinh và suốt quá trình cho con bú, bạn cần hết sức tránh những trạng thái ức chế tâm lý. Nếu bực tức, giận dữ, stress vì bất kỳ một nguyên nhân nào đó, hãy tự cứu lấy dòng sữa của mình bằng cách sớm giải tỏa những ức chế đó ngay. Trò chuyện với những người có khả năng an ủi, động viên bạn. Nghe nhạc, nghỉ ngơi… Bằng mọi cách, bạn cần duy trì cảm giác thoải mái, thư giãn bằng cách tập những bài tập thở, tắm nước ấm hoặc ngâm chân bằng nước ấm.
Nếu con bạn bú yếu, bạn có thể mua máy hút sữa ở hiệu thuốc và thường xuyên hút sữa để kích thích tuyến sữa tạo sữa. Ngoài ra, bạn cũng có thể tự nặn sữa: dùng ngón tay cái và ngón trỏ một tay ấn đều lên vùng ngực sau đó vuốt từ trên ngực xuống dần đầu vú cho đến khi sữa nhỏ giọt ra. Không nên để sữa trong tình trạng “dồn nén” khi trẻ không bú kịp.
Nguyên nhân gây tắc tuyến sữa thường do người mẹ bị ức chế, stress, có vấn đề về tinh thần hoặc cũng có thể do rối loạn hormone làm quá trình tạo sữa và tiết sữa bị rối loạn.
Thỉnh thoảng, khi thấy ngực có dấu hiệu căng cứng, khó chịu, bạn nên mát-xa nhẹ toàn bộ ngực để làm tan những hạch cứng nổi lên, hoặc chườm khăn ấm. Bạn cần biết rằng tắc sữa có thể dẫn đến bệnh viêm vú. Lúc này, bạn có thể bị sốt trên 39 độ C, đầu và người đau như khi bị cúm. Toàn trạng cơ thể mệt và yếu. Tình trạng này nếu không được chữa trị thì tại những vùng bị viêm sẽ tạo những khối mủ. Do vậy, chỉ cần chớm tắc tuyến sữa, bạn phải có cách điều trị ngay.
Một bí mật thú vị mà bạn cần biết, là bé yêu chính là người giúp bạn tránh tắc sữa tốt nhất (chứ không phải bác sĩ đâu nhé). Bạn hãy cho bé bú thường xuyên, cho dù mỗi lần bú chỉ vài phút. Khi bé bú hàm dưới của bé sẽ mát-xa vào những hạch cứng, vì vậy bạn nên thử nhiều tư thế cho bú khác với bình thường. Bạn sẽ nhận ra bé bú càng nhiều, bạn sẽ càng cảm thấy khỏe hơn và nhờ đó mà hiện tượng vón cục gây tắc tia sữa sẽ không kịp xuất hiện. Nếu bạn đang cho con bú kiểu ẵm, thì hãy đổi sang tư thế cho bú nằm. Nhiều bà mẹ nói rằng cách này rất hiệu quả. Động tác mút mạnh của bé có thể giúp làm tan cục sữa bị vón và làm thông mạch dẫn sữa.
Bạn cũng nên mang áo ngực thoải mái, không quá chật. Áo phải nhẹ nhàng đỡ được bộ ngực. Nếu được, hãy lót một lớp vải mềm bên trong để thấm sữa thừa chảy và chống làm xây xát tổn thương đầu “ti”. Và nếu khăn này ướt, bạn phải thay ngay vì các vi khuẩn rất dễ sinh sôi trong môi trường ẩm, làm tổn thương đầu “ti” của bạn.
Những dấu hiệu cho thấy sữa đang bị tắc
– Bầu ngực căng to hơn so với bình thường và càng lúc càng tăng dần.
– Bề mặt vú đỏ, sờ thấy đau.
– Sốt nhẹ.
Nếu có cùng lúc cả 3 dấu hiệu này thì bạn lập tức nên nghĩ ngay đến hiện tượng tắc tia sữa. Cần nhanh chóng tìm cách làm tan sữa đã vón kết và hạn chế việc tạo lập thêm những vị trí tắc mới, khơi thông dòng chảy tự nhiên của sữa.
Mẹo cho mẹ:
Trước khi cho bé bú phải lau sạch và vắt một vài giọt sữa đầu bỏ đi, khi bú xong lại phải lau sạch, khô. Nếu khi vắt sữa thấy một tia nào tắc hoặc chảy không thành tia, thì phải xoa bầu ngực cho mềm, sau đó vắt mạnh để thông ống sữa khi cho bú, như vậy sẽ tránh được tắc tia sữa. Khi thấy một phần của vú bị sưng đỏ, sờ thấy nóng thì cần khám bác sĩ chuyên khoa ngay.