1. Đừng đòi hỏi sự “công bằng”
Thực tế, mẹ chồng bạn là một người phụ nữ. Và đã là phụ nữ thì thường… cảm tính! Hãy thông cảm với điều đó. Nếu có được một người mẹ chồng thương hai cậu con trai, thương hai cô con dâu đồng đều như nhau thì là một chuyện quá sức lý tưởng. Nhưng nếu mẹ chồng bạn không được thế thì hãy biết rằng đây chỉ là lẽ bình thường. Sau này, khi bản thân bạn làm mẹ, tuy nói “thương các con như nhau” nhưng bạn thử xem, hẳn là chính bạn cũng có tình cảm với đứa này hơn đứa khác tí chút. Con út thì dễ được cưng hơn. Đứa con tình cảm hay quấn quýt mẹ thì dễ được chiều chuộng hơn. Hiểu điều này và chấp nhận điều này, bạn sẽ bớt có sự so đo không đáng có.
Mẹ chồng bạn nếu có một chút thiên lệch với hai con trai, dẫn đến “nhiều chút” thiên lệch với hai cô con dâu cũng chỉ là điều dễ hiểu. Đừng giận hờn và giữ trong lòng tâm lý ghét chị em bạn dâu của mình chỉ vì cô ấy được mẹ chồng… cưng hơn! Khi bạn rộng mở tấm lòng, nhìn nhận vấn đề nhẹ nhàng, xem đây chỉ là chuyện thường gặp của mọi gia đình, chính bạn sẽ thấy thoải mái và dễ thở. Hãy biết rằng, khi bạn thoải mái, mẹ chồng bạn và chị em bạn dâu của bạn cũng sẽ thoải mái theo. Điều đó rất tốt cho mối quan hệ vốn đã khá nhạy cảm này.
2. Tích cực học hỏi từ chị em bạn dâu
Nếu bạn là dâu trưởng
– Thể hiện vai trò “người chị” trong mối quan hệ với các em bạn dâu: Bao dung với em, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm trong những sự kiện lớn của gia đình, biết cách phân công công việc cho em bạn dâu rõ ràng, cụ thể.
– Nên có những lời khen ngợi với các em trước mặt bố mẹ chồng. Bạn sẽ luôn được các em đánh giá cao về điều ấy.
– Tránh cậy quyền, tránh nhắc đi nhắc lại rằng con trai mình là “cháu đích tôn” trong nhà vì các cô em bạn dâu khác dễ khó chịu với điều này.
Nếu chị em bạn dâu của bạn kết hôn trước bạn, về làm dâu trước bạn và được mẹ chồng có vẻ rất thương yêu, thay vì “ganh tỵ”, bạn nên thật sự mở lòng học hỏi, xem cô ấy đã làm được những gì? Chẳng hạn bạn thấy cô ấy hay gọi điện thăm hỏi mẹ chồng, vậy sao bạn không thử học cách này để thể hiện sự quan tâm, hiếu thuận của dâu con? Ngày giỗ chạp, khi quây quần về, bạn thấy cô ấy nấu món gì cũng được nhà chồng khen, vậy sao bạn không tươi cười nhờ: “Chị ơi, chỉ cách cho em nấu với?”.
Phụ nữ thường không thích bị “thua kém” người khác, nhất là người khác ấy cũng là một cô con dâu giống hệt như mình. Song, bạn hãy biết rằng càng chủ động học hỏi, bạn càng dễ được lòng mọi người và càng dễ tạo nên mối quan hệ tốt với chị em bạn dâu. (Không ai lại không thấy vui thích khi được bạn thật lòng hỏi han, muốn học hỏi điều gì đó từ họ đâu!).
3. Tránh “chung đụng”
Nhiều người nghĩ chị em bạn dâu là những người cùng hoàn cảnh, như vậy sẽ dễ gần gũi, cảm thông, yêu thương nhau chứ! Nhưng sự thật không phải vậy. Hai người phụ nữ xa lạ tự dưng về chung sống trong một gia đình, họ rất dễ “kèn cựa” nhau khi thấy người này người kia được yêu thương nhiều hơn, ít phải làm việc nhà hơn, được khen ngợi hơn…
Mẹ chồng mua cho cô con dâu này cái bánh mà không mua cho cô con dâu kia cũng đã thành đề tài dễ bị “ghim” trong lòng. Cô con dâu này đi làm về muộn trong khi cô con dâu kia phải lo liệu việc rửa chén, nấu cơm, thế là lập tức thành… lớn chuyện. Biết điều này vốn là khó tránh ở phụ nữ thì tốt nhất bạn nên hạn chế.
Mức độ hạn chế dễ thực hiện nhất và tốt nhất chính là tránh chung đụng dưới một mái nhà. Khi lập gia đình, trừ khi có hoàn cảnh quá ngặt nghèo không thể khác, còn lại bạn nên chủ động với việc xin sớm ra riêng. Ở riêng, tình cảm thấy vậy mà lại dễ bền chặt hơn. Bạn không phải ghim vào lòng từng thứ tủn mủn rồi đâm tủi thân, suy nghĩ lung tung, dẫn đến gây nên nhiều căng thẳng không đáng có.
4. Một chút “quà cáp”
Nếu bạn là dâu thứ hoặc dâu út
– Thể hiện sự tôn trọng chị em bạn dâu của mình, nghe lời người trên, nhường nhịn người dưới (cho dù tuổi tác của bạn so với cô con dâu trưởng trong nhà có thể lớn hơn, bạn vẫn nên tôn trọng vị trí của cô ấy).
– Trách nhiệm của bạn với các sự kiện của gia đình như giỗ chạp, lễ lạt sẽ có phần nhẹ nhàng hơn các cô dâu trưởng, song đừng vì thế mà… “trốn” việc. Sự chủ động sẻ chia, sẵn sàng tham gia, hỗ trợ, giúp đỡ chị em bạn dâu của mình một cách nhiệt tình trong những dịp này rất dễ được ghi nhận.
– Nếu là người về làm dâu sau (kết hôn sau), bạn nên chủ động hỏi han chị em bạn dâu của mình những lề thói trong gia đình. Nếu là người về làm dâu trước, hãy thể hiện sự thân tình để “bật mí” cùng các chị em bạn dâu nhiều điều mà bạn nghĩ sẽ có ích cho họ.
Không cần là món quà gì quá đắt giá, bạn chỉ cần thể hiện sự quan tâm của mình đến chị em bạn dâu. Tốt nhất, hãy làm việc ấy thật sớm, ngay từ đầu, khi mối quan hệ giữa cả hai còn ở mức độ tốt đẹp, chưa thành kiến về nhau. Những món quà như thế sẽ để lại một ấn tượng đẹp, lâu bền, khiến cho sau này có chuyện gì, cả hai cũng dễ hòa giải với nhau hơn.
Một thỏi son, một hộp phấn, một bộ quần áo mua cho cháu, một ít quà bánh khi bạn đi chơi xa về… Những thứ linh tinh này không hề “khách sáo” như bạn tưởng. Nó rất quan trọng và rất cần cho các mối quan hệ nhạy cảm trong gia đình. Một khi đã quý mến và có thiện cảm với nhau từ đầu thì sau đó, bạn dễ vun đắp cho mối quan hệ ấy ngày một tốt đẹp hơn lên.
5. Giúp hai anh em trai thuận hòa
Nếu hai anh em trai luôn “hấm hứ”, “gầm ghè” nhau thì lẽ tất nhiên, mối quan hệ giữa hai chị em bạn dâu khó lòng cơm lành canh ngọt. Bạn không nên là người đứng sau lưng đổ dầu thêm vào lửa. Thực tế, anh em thuận hòa sẽ giúp đỡ cho nhau rất nhiều và mối quan hệ này mang đến rất nhiều lợi ích cho chính gia đình bạn. Vì thế, thay vì cứ khiêu khích sau lưng, nói xấu anh chồng hoặc em chồng, bạn nên là người luôn tích cực hòa giải, tích cực cải thiện mối quan hệ tốt đẹp giữa chồng mình và họ.
Hãy làm điều này một cách tự nguyện và tự nhiên, không tính toán, không so đo. Bạn nghĩ bạn sẽ được gì từ đó? Thật sự “phần thưởng” cho bạn rất nhiều. Không ai lại không nhìn ra sự thiện chí thật sự của bạn. Chỉ cần mối quan hệ của hai anh em trong một gia đình tốt đẹp thì mối quan hệ của bạn với chị em bạn dâu cũng tốt đẹp theo. Gia đình chồng cũng sẽ đánh giá cao những nỗ lực của bạn.
6. Đừng để “tiền bạc” thành nguyên nhân hiềm khích
Bạn thấy chồng mình và chồng của cô “chị em bạn dâu” kia đều là con trai trong nhà. Thế nên dễ nảy sinh một tâm lý tự nhiên: Bạn hay để ý đến những gì liên quan đến “tiền bạc” với nhà chồng. Chẳng hạn như mẹ chồng có căn nhà, bà chỉ cần một lần buột miệng nói đùa: “Mai sau cái nhà này để cho con trai trưởng”, bạn cũng dễ… tức anh ách và nghĩ đến việc sao chồng mình là con trai kế lại không được “cưng” bằng. Những suy nghĩ dính tới “tiền” như thế khiến bạn nhìn đâu cũng thấy… ghét gia đình ông anh của mình, ghét lây luôn cả cô chị em bạn dâu mà bạn nghĩ trong tương lai hẳn sẽ dễ được mẹ chồng “dành phần hơn”.
Thực tế, tiền bạc rất dễ thành nguyên nhân dẫn đến hiềm khích giữa các cô chị em bạn dâu với nhau. Cứ nghĩ: “Chồng mình cũng là con trai mà…”, “Sao người kia được thế kia mà chồng mình lại không được như thế nọ…”, bạn sẽ dễ mắc kẹt trong mớ tư tưởng ghen ghét, căng thẳng, mệt mỏi.
Hãy xem nhẹ bớt chuyện tiền bạc và hãy tự nhủ rằng quan trọng nhất là vợ chồng đồng lòng, đồng tâm xây dựng một gia đình nhỏ với nhau. Bố mẹ cho được gì thì cho, không thì chẳng sao vì chỉ cần vợ chồng thương yêu nhau, hết lòng với nhau là đủ. Bạn có thể cảm thấy điều này khó làm quá! Song, hãy thử làm! Bạn nhất định có thể làm được. Khi có được tư tưởng đó, bạn sống rất nhẹ đầu, thanh thản và dễ được nhà chồng lẫn cô chị em bạn dâu đánh giá cao.
7. Góp ý nhẹ nhàng, riêng tư
Sẽ có vô vàn điều bạn không hài lòng về cô chị em bạn dâu của mình. Những khác biệt vùng miền, tuổi tác, thói quen… khiến không dễ dàng gì bạn “quý mến” chị em bạn dâu ngay được. Nhưng có một công thức này bạn luôn cần ghi nhớ: Nếu có gì không hài lòng về chị em bạn dâu của mình, bạn nên tìm cách nói riêng, góp ý riêng, thay vì cứ ầm ầm lên cố tình cho người khác biết.
Những góp ý nhẹ nhàng, riêng tư, mang tính thủ thỉ như hai người bạn sẽ khiến chị em bạn dâu của bạn dễ chịu. Cũng đừng quên những lời khen thật lòng, chân tình dành cho cô ấy khi bạn thấy nể phục cô ấy một việc gì. Mối quan hệ chị em bạn dâu có vẻ nhạy cảm song nếu một khi đã thân, bạn sẽ có thêm một “đồng minh” mới trong gia đình chồng, người sẽ giúp bạn sẻ chia những bổn phận dâu con, người sẽ cùng bạn lo việc giỗ chạp gia đình, người sẽ cùng bạn cảm thông mọi vất vả của một người phụ nữ “làm dâu”, nhớ nhé.