Đổ mồ hôi: Chưa chắc do con nóng!
Ngoài mồ hôi “bình thường”, tức là mồ hôi bé toát ra khi đùa giỡn, chạy chơi, vận động nhiều, thời tiết oi bức hay bé đang phải mặc nhiều áo hơn mức cần thiết, còn có một thứ mồ hôi khác mà có lẽ mẹ nào cũng từng nghe đến: Mồ hôi… trộm!
Đó là một cách gọi dân gian, để chỉ những giọt mồ hôi vẫn cứ toát ra trên đầu, trên lưng áo con dù trời mát rượi, thậm chí có khi hơi lạnh. Đây là điều đầu tiên bạn cần quan tâm về mồ hôi của bé. Vì nguyên nhân dẫn đến mồ hôi trộm không hẳn là do nóng, do thời tiết, nhiệt độ, mà đó rất có thể là dấu hiệu báo động bé bị thiếu canxi – vitamin D.
Làm sao để phân biệt đó có phải là thứ mồ hôi “báo động” hay không? Rất đơn giản. Bạn hãy quan sát xem bé, ngoài triệu chứng ra mồ hôi nhiều còn gặp phải các triệu chứng khác như bị ói, hay giật mình khóc thét lúc nửa đêm, còi xương… hay không. Cũng nên nghĩ đến việc bé ra mồ hôi “báo động” nếu bé phải ngưng sữa mẹ quá sớm, phải bú bình, không được tắm nắng sớm, không được uống bổ sung vitamin D.
Mẹ lưu ý rằng trong trường hợp bé ra nhiều mồ hôi trộm nhưng cân nặng bình thường, phát triển tốt thì đây lại là một nguyên nhân khác, không đáng ngại. Giải thích dễ hiểu nhất, đó là do hệ thần kinh điều hòa nhiệt độ của bé còn chưa phát triển chưa hoàn chỉnh để giúp hạ nhiệt độ cơ thể khi trời quá nóng. Chính vì vậy, bé bị đổ mồ hôi hơi “thất thường”. Nếu là vì nguyên nhân này thì bạn không cần chữa trị vì hiện tượng này sẽ biến mất tự nhiên khi bé lớn lên sẽ mất.
Trẻ nhỏ rất dễ đổ mồ hôi?
Đúng thế! Nguyên nhân trẻ đổ mồ hôi là vì hệ thần kinh đại não của trẻ phát triển chưa hoàn thiện, trẻ đang trong thời kỳ sinh trưởng phát triển, sự trao đổi chất diễn ra mạnh hơn người lớn, nếu lại tăng thêm một chút hưng phấn và kích thích thì sẽ ra mồ hôi để tỏa nhiệt trong cơ thể. Đây cũng là sự điều chỉnh giữ cho nhiệt độ cơ thể luôn ổn định.
Tìm hiểu sâu hơn một chút, bạn cần đặt ra câu hỏi là: Bé toát nhiều mồ hôi trộm như vậy thì có sao không, có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không? Nhiều người cho rằng đổ mồ hôi tức là quá trình thải bỏ các chất độc hại trong cơ thể ra ngoài. Người lớn tập thể dục cũng chỉ mong… toát mồ hôi để giảm cân, thải chất độc hại đấy thôi. Vì suy nghĩ đó nên mẹ coi thường luôn chuyện đổ mồ hôi trộm ở trẻ, cứ “vô tư” cho rằng con đổ mồ hôi có khi lại… tốt cho sức khỏe của con!
Xin khẳng định ngay đây là suy nghĩ sai lầm. Bạn có thể hình dung thế này, khi bé ra mồ hôi nhiều, mất nước nhiều thì một số chất điện giải như Natri, Kali… sẽ mất theo, khiến cơ thể trẻ yếu đi, người mệt hơn. Nếu không được bổ sung nước cũng như sữa đầy đủ, thì bé có thể không phát triển hoàn thiện được mà hay bị thiếu chất, còi cọc, thậm chí suy kiệt. Thêm vào đó, việc đổ mồ hôi thường xuyên cũng làm cho da và quần áo của bé bị ẩm ướt. Nếu không được cho nằm chỗ thoáng, vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày thì bé dễ bị rôm sảy, hăm da…
Giúp bé ngăn mồ hôi trộm
Nói thế thôi là đã rõ, mồ hôi trộm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bé yêu. Vậy làm thế nào để ngăn ngừa chuyện đổ mồ hôi trộm cho con nhỉ? Trước hết, việc quan trọng cần làm đầu tiên là hãy giữ cho cơ thể trẻ thoáng mát. Không gian sống của bé (nhà cửa, phòng ốc) cần sạch sẽ, có cửa sổ để gió và khí trời lùa vào. Bạn hoàn toàn không nên nhốt trẻ trong phòng kín, đóng kín cửa vì e ngại nắng gió nhé. Lưu ý thêm rằng nên sử dụng khí trời chứ không phải giúp trẻ “mát” bằng cách mở quạt hoặc mở máy lạnh suốt ngày đêm (điều này hoàn toàn không tốt cho sức khỏe, nhất là hệ hô hấp của bé).
Nếu trẻ vẫn nóng, toát mồ hôi, bứt rứt, bạn có thể lấy khăn nhúng nước mát, vắt khô lau người cho trẻ thường xuyên. Có thể “tận dụng” một chút gió từ quạt, nhưng nên để quạt ở xa giường của trẻ, cho quạt chế độ quay (không đứng yên tập trung hơi gió về trẻ). Áo quần mặc cho trẻ nên là loại vải cotton, thoáng. Nếu áo trẻ ướt mồ hôi nên lập tức thay chứ không để yên đó vì trẻ sẽ dễ cảm lạnh dù đang thấy nóng.
Việc thứ đến mẹ nên làm là hãy cho trẻ tắm nắng sớm (nắng khoảng 6-7 giờ sáng) 15-20 phút đều đặn mỗi ngày. Khi trẻ đến tuổi biết đi, đi vững, nên tạo điều kiện cho trẻ được chơi đùa ngoài trời lúc trời còn nắng dịu, hoặc chơi dưới bóng râm. Sau khi trẻ chơi xong, cho trẻ nghỉ ngơi một lát rồi cho uống nước mát, tắm bằng nước ấm hoặc nước mát, lau khô và thoa phấn rôm cho trẻ.
Mẹ nên biết
Khi mồ hôi ra quá nhiều và liên tục, cơ thể sẽ mất đi một lượng nước và muối khoáng khiến trẻ yếu đi, người mệt hơn, lỗ chân lông mở rộng. Đây là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ dễ bị nhiễm lạnh, dễ mắc các chứng bệnh về hô hấp như viêm họng, viêm phổi, cảm, ho, sổ mũi… Nếu hiện tượng đó kéo dài và liên tục ngày này sang ngày khác, cơ thể trẻ sẽ bị suy kiệt.
Với trẻ ở độ tuổi mẫu giáo, cấp 1, bạn cũng nên hạn chế cho trẻ ăn quá nhiều các thức ăn sinh nhiệt như mỡ, thức ăn nhanh, các loại trái cây như sầu riêng, xoài, ổi… Thay vào đó, nên cho trẻ ăn nhiều rau tươi, trái cây, cá sông. Những ngày thời tiết nóng bức, cho trẻ ăn một ít canh mát như canh atiso, rau má, cải bẹ xanh… đều rất tốt.
Ngoài ra, như đã nói, mồ hôi trộm là “báo động” của cơ thể với tình trạng trẻ thiếu Canxi, vitamin D. Do đó, bạn nên chủ động đưa trẻ đi khám bác sĩ thường xuyên, kiểm tra kỹ chiều cao, cân nặng, phát hiện kịp thời nếu trẻ có phát triển bất thường để bổ sung ngay các vi chất cần thiết. Tuy nhiên, nhớ là chỉ cho trẻ bổ sung vi chất dạng viên uống theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý mua về để con uống. Trừ trường hợp trẻ thiếu hụt nặng, bác sĩ mới cho bổ sung dạng viên uống, còn thông thường, bạn sẽ được khuyến khích cho trẻ ăn hải sản, uống nhiều sữa để có thể cung cấp đủ lượng Canxi, vitamin từ dinh dưỡng tự nhiên.
Phân biệt đổ mồ hôi sinh lý và đổ mồ hôi bệnh lý
– Mồ hôi sinh lý ra nhiều ở đầu và cổ, thường toát vào lúc trẻ đi ngủ khoảng 30 phút và khoảng 60 phút sau thì không còn nữa. Trẻ đổ mồ hôi sinh lý vẫn thoải mái, ăn ngủ tốt, cân nặng và chiều cao đúng chuẩn.
– Mồ hôi bệnh lý xuất hiện ở những trẻ mắc bệnh còi xương, lao sơ nhiễm. Mồ hôi bệnh lý không liên quan đến thời tiết, thường đi kèm với những biểu hiện khác của còi xương như thóp chậm liền, đầu xương to, ngực dô, chân vòng kiềng hoặc có biểu hiện của lao sơ nhiễm (ho kéo dài, ăn uống kém, Xquang có tổn thương lao sơ nhiễm). Trẻ thường hay quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình, do tình trạng thần kinh bị kích thích. Bạn quan sát sẽ thấy trẻ ra mồ hôi ở trán, gáy ngay cả khi trời lạnh, đặc biệt ra nhiều mồ hôi lúc ngủ nên bé hay rụng tóc vùng gáy.