Mẹ&Con - Thật ngộ nghĩnh, nhưng có một thực tế rằng mỗi khi thấy trẻ nhũ nhi khóc, khó chịu, bỏ bú… các bậc cha mẹ thường nghĩ ngay đến những lý do như bé đói, bé mệt, bé ướt tã, bé bị tiếng ồn làm bực mình, song lại hay bỏ lơ lý do con mình đang… đau! Việc tưởng nhầm trẻ nhỏ không biết đau, không phải chịu đựng những cơn đau dẫn đến việc coi nhẹ các biểu hiện đau ở trẻ! Các phương pháp giảm đau khoa sản thường dùng - Chương trình truyền hình làm mẹ Bí quyết giảm đau lưng cho bầu công sở Giúp bà bầu khỏi đau lưng

Hiểu cho đúng về “cơn đau” của bé!

Mẹ cần biết rằng, nếu không xử lý tốt những cơn đau ở trẻ ngay từ khi còn là nhũ nhi, thì sẽ có nguy cơ hình thành cảm xúc, hành vi sai lệch của trẻ khi lớn lên.

Nhận biết trẻ đang đau

– Ở trẻ lớn (từ 8 tuổi trở lên), trẻ đã có cảm giác và miêu tả mức độ, vị trí đau như người lớn. Bạn nên chú ý lắng nghe những mô tả của con và có thể đặt thêm những câu hỏi để hiểu rõ về cơn đau, mức độ đau của bé.

– Ở trẻ dưới 8 tuổi, đặc biệt là ở trẻ còn chưa biết nói, mẹ có thể quan sát để nhận biết sự thay đổi hành vi của trẻ đang bị đau như: bứt tai, khóc thét và khóc dai, nghiến răng – run môi, giãy đạp, không cử động hoặc khư khư ôm giữ một phần cơ thể.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo: Đau nên được xem như một dấu hiệu sinh tồn quan trọng thứ năm bên cạnh nhịp mạch, nhịp thở, huyết áp, nhịp tim. Theo các nghiên cứu khoa học, từ tuần thứ 23 trong bụng mẹ, thai nhi đã có thể cảm nhận được đau. (Đây là một kiến thức thú vị cho mẹ. Vì thông thường, mẹ cứ hay nghĩ lúc còn là thai nhi ở trong bụng mẹ thì bé đã biết gì đâu, làm sao mà “biết đau” được chứ!). Kế đến, giai đoạn trước khi sinh, hệ thần kinh của trẻ đủ phát triển để cảm thụ đau!

Các dạng đau trẻ em thường gặp nhất

Khi nói đến đau ở trẻ nhỏ, chúng ta thường hay gặp đau đầu, đau bụng, đau tai, đau do va chạm gây chấn thương, đau do viêm khớp… Trong đó, đau đầu và đau bụng phổ biến hơn cả. Một con số thống kê có thể gây bất ngờ với mẹ là 85% trẻ em từ 5-7 tuổi và 100% trẻ em từ 14-16 tuổi có bị đau đầu do nguyên nhân bệnh lý và tâm lý.

Mẹ nên đặc biệt chú trọng đến những con số này, vì theo kinh nghiệm của bác sĩ khi khám cho trẻ, rất nhiều bà mẹ tỏ ra bất ngờ khi biết đứa con đang tuổi học mẫu giáo của mình bị đau đầu. Nhiều chị còn khăng khăng: “Trẻ lớn mới đau đầu chứ nhỏ xíu thế này thì bé có phải học hành hay căng thẳng gì đâu mà… đau đầu, thưa bác sĩ?”. 

Khám phá và không nên coi nhẹ những cơn đau của trẻ 5

Ngoài đau đầu và đau bụng thì viêm khớp cũng là loại bệnh phổ biến gây đau cho trẻ khi đứng hàng thứ 5 các bệnh mạn tính thường gặp ở trẻ em.

Xử trí đau sao cho đúng?

Bắt nguồn từ việc đánh giá chưa đúng tình trạng đau của trẻ nên nhiều dạng đau thường gặp ở trẻ hay bị chẩn đoán và điều trị trên mức, dưới mức, hoặc chẩn đoán nhầm.

Ví dụ như khi mẹ cứ tưởng đứa con tuổi mẫu giáo của mình “giả bộ”, “nhõng nhẽo” khi bé than đau đầu, từ đó cứ lơ là và tin rằng con sẽ… tự hết đau. Hoặc trường hợp khác, vừa nghe bé đau đầu, mẹ đã phản ứng thái quá, vội đưa bé đến bác sĩ để tập trung kiểm tra xem bé có bị rơi vào những trường hợp đặc biệt nguy hiểm như nhiễm trùng viêm màng não, u não… hay không.

Khi thấy bé không rơi vào những trường hợp đặc biệt nguy hiểm này thì mẹ thở phào nhẹ nhõm, từ đó nảy sinh tâm lý không cần điều trị nữa hoặc điều trị dưới chuẩn. Mẹ tin rằng những cơn đau “không nguy hiểm” thì sẽ chóng qua và chẳng cần can thiệp gì cho bé cả. Trong khi đó, thực chất bé vẫn đang phải chịu đựng với cơn đau!

Các tình huống tương tự cũng hay xảy ra khi trẻ bị đau bụng, đau xương do phát triển nhanh, đau khớp…

Nguy hiểm nào có thể xảy ra nếu không xử trí đau ở trẻ kịp thời?

Thử hình dung một điều đơn giản, khi bạn bị nhức đầu và không được xử lý đúng, không được điều trị phù hợp, cứ “kệ” cơn đau, bạn cảm thấy thế nào? Rõ ràng, tuy không phải là bệnh nguy hiểm đến tính mạng như u não, viêm màng não… nhưng cơn đau vẫn ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của bạn. Bạn ăn không ngon, ngủ không yên, bạn cáu kỉnh và bực dọc, bạn khó chịu và mệt mỏi, bạn không tập trung được vào cái gì cả và muốn tung hê tất cả mọi thứ lên!

Khám phá và không nên coi nhẹ những cơn đau của trẻ 6

Tưởng tượng một chút thế thôi, bạn sẽ hiểu ngay bé đang phải chịu đựng những cơn đau như thế nào và tình trạng đau nếu không được xử trí kịp thời sẽ ảnh hưởng thế nào đến trẻ. Trong thực tế, khi trẻ còn nhỏ, các thụ thể đau còn non yếu, nếu chúng ta không xử trí đau cho trẻ kịp thời và đúng cách sẽ làm thay đổi cấu trúc cảm nhận đau theo thời gian, dẫn đến các thay đổi tâm lý, hành vi, thái độ, phản ứng của trẻ.

Với trẻ em, kinh nghiệm đau còn rất ít, do đó khi bị đau những lần đầu tiên trẻ thường sợ hãi và ảnh hưởng về sau này. Một ví dụ nhỏ, có những đứa trẻ khi vừa thấy bác sĩ đã… khóc òa lên, giãy giụa dữ dội dù bác sĩ chưa khám hay làm gì cả. Đơn giản vì trong những lần trước đó, trẻ từng bị chích ngừa chẳng hạn, từng biết cảm giác đau nhưng lại không được xử trí đau đúng cách.

Trong khi đó, chỉ cần một mẹo nhỏ, như cho bé vùi vào ngực mẹ, bú mẹ, được ôm ấp vỗ về và chăm sóc đúng cách lúc “đau” thì ấn tượng sợ hãi với cơn đau sẽ không in đậm trong những lần sau.

Giảm đau cho trẻ, cần cẩn thận và đúng cách!

Hiểu đúng về cơn đau của trẻ là một việc quan trọng. Kế đến, xử trí sao cho đúng mỗi lúc bé đau lại càng là việc quan trọng hơn. Một lưu ý cần nhớ, để giảm đau cho trẻ thì nên sử dụng các loại thuốc giảm đau dạng nhẹ, không gây nghiện. Tuyệt đối không dùng thuốc giảm đau có gốc Asprin, sẽ gây hội chứng Reye, ảnh hưởng tới tế bào gan, tổn thương não.

Chẳng hạn với trẻ từ 3-6 tháng tuổi trở lên, thuốc giảm đau nhẹ như Ibuprofen được xem là tốt cho trẻ khi vừa giảm đau vừa có tính chất kháng viêm, hiệu quả khi cần giảm đau khớp ở trẻ em. Bên cạnh đó, Ibuprofen cũng an toàn hơn cho gan của trẻ (vì thuốc giảm đau liều cao thường dễ gây độc cho gan). Thuốc cũng có dạng huyền dịch, rất tốt cho trẻ trong việc hấp thu.

Chú trọng xử trí đúng cơn đau cho con như vậy sẽ giúp bé giải tỏa được nhiều cảm giác khó chịu mà cơn đau mang đến. Tuy nhiên, mẹ luôn ghi nhớ một công thức rằng cần theo dõi kỹ từng cơn đau của con, hỏi ý kiến bác sĩ hoặc đưa trẻ đến bệnh viện trong trường hợp xuất hiện các dấu hiệu bất thường. Mọi loại thuốc dùng cho trẻ nhỏ cần có chỉ định hoặc ý kiến từ bác sĩ, không nên tự ý dùng. 

Tại sao trẻ hay bị đau xương?

Nghe con than nhức xương, không ít bậc cha mẹ đến gặp bác sĩ và chia sẻ rằng họ rất lo: Lo xương con có vấn đề, lo con mang một bệnh nan y nào đó, thậm chí là lo con bị… ung thư xương!

Tuy nhiên, kỳ thực là trẻ từ 4-15 tuổi rất dễ gặp phải chứng đau xương này. Bạn chỉ cần đưa con đến khám ở bệnh viện. Bác sĩ sẽ hỏi bệnh, khám cẩn thận, cho làm một số xét nghiệm cần thiết để loại trừ xem trẻ có vấn đề bệnh lý nào không.

Còn lại, thông thường tình trạng đau nhức kể trên chỉ do trẻ phát triển quá nhanh. Chẳng hạn mới 4 tuổi, trẻ đã đạt chiều cao của bé lên 6 tuổi. Hệ xương và cơ không phát triển cùng nhịp, các đầu bám gân, xương chưa chắc chắn, trẻ lại hoạt động nhiều nên thấy đau xương.

Những cơn đau xương do tăng trưởng nói trên, trẻ không bị nóng, đỏ, sưng ở các khớp. Trẻ cũng dễ chịu khi được vuốt ve, xoa bóp chân tay (trái với đau do bệnh lý thật sự trẻ sẽ rất sợ bị chạm vào khi đau). Tình trạng này không phải bệnh lý và chỉ cần cho trẻ nghỉ ngơi, vận động vừa phải, bổ sung thêm canxi nếu cần. Khi trẻ đau nhiều, có thể sử dụng cho trẻ những loại thuốc giảm đau nhẹ, an toàn, không ảnh hưởng đến gan của trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ. 

Khi nào cơn đau bị xem là nguy hiểm?

Khi có hoặc nghi ngờ là một trong những triệu chứng này, cha mẹ cần đưa bé đến bệnh viện ngay thay vì chăm sóc tại nhà:

– Trẻ thể hiện cảm giác đau (đầu, bụng…) dữ dội.

– Trẻ sốt.

– Trẻ không dám cử động vì sợ đau.

– Trẻ đau có kèm các dấu hiệu như: bỏ bú, ói mửa, chất ói có màu xanh rêu hoặc nâu, đen…

– Nếu là đau bụng, trẻ có những biểu hiện như bụng cứng, bụng đau khi sờ đến, cơ thành bụng co lại, cản trở tay người ấn bụng không thể ấn sâu.

– Trẻ không có dấu hiệu giảm bớt khi được đặt trong phòng yên tĩnh, ít ánh sáng, được mẹ vỗ về. Ngược lại, trẻ lừ đừ nhiều hơn hoặc kích thích, hốt hoảng.

Tags:

Bài viết liên quan