Bạn không thể thiếu những chất nào?
Bé yêu trong bụng sẽ nhận dưỡng chất từ bạn để tăng trưởng và phát triển tốt mỗi ngày. Lúc này, cho dù bạn có “phát hoảng” khi nhận ra cơ thể mình quá xồ xề, cho dù bạn quá mệt mỏi, ngán ngẩm khi nhìn thấy những ly sữa, những chén cơm vun đầy thì lời khuyên cho bạn là bạn vẫn… cần phải ăn thôi!
Cũng đừng quên, nhiệm vụ “làm mẹ” của bạn không chỉ dừng lại sau khi sinh bé ra. Nếu chế độ dinh dưỡng của bạn lúc này không tốt, cộng thêm việc mất máu, tiêu hao nhiều sức lực sau kì vượt cạn, bạn có thể bị mất sữa, có lượng sữa không nhiều, và con sẽ là người chịu thiệt thòi đấy!
Chế độ dinh dưỡng của mẹ 3 tháng cuối thai kì cần bao gồm những thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao. Giai đoạn này, bạn có thể tăng tới 6-7kg nên đừng ngần ngại bồi bổ cho mình hơn một chút. Tuy nhiên, xin lưu ý rõ với bạn là việc bồi bổ này cần thực hiện hợp lý, không phải cứ ồ ạt cái gì cũng ăn thật nhiều, vì trường hợp tăng cân quá mức, ăn quá nhiều chất béo, mỡ động vật, chất ngọt lại có thể dẫn đến nguy cơ tiểu đường, phù nề, khiến thai quá lớn gây khó khăn cho việc sinh nở một cách bình thường.
Các nhóm thực phẩm cơ bản vẫn phải được đảm bảo đầy đủ trong 3 tháng cuối thai kì là nhóm chất bột gồm: gạo, mì, ngô, khoai, sắn…, nhóm chất đạm gồm: thịt, cá, trứng, tôm cua, đậu đỗ…, nhóm chất béo gồm: dầu, mỡ, vừng, lạc…, nhóm vitamin – chất khoáng gồm: rau xanh và quả chín.
Ở 3 tháng cuối thai kì, mỗi ngày cơ thể mẹ cần khoảng 2550 kcal. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý đặc biệt là trong 3 tháng cuối, khẩu phần đạm cần tăng cao để đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi.
Bạn cần ăn nhiều thịt nạc, cá, một số loại hải sản nếu như không bị dị ứng. Còn với vitamin và khoáng chất, có thể ăn nhiều tôm, cua, đậu các loại, rau quả, trái cây, gan heo, xương… vốn là những món có chứa nhiều vi chất cần thiết cho mẹ và thai nhi lúc này.
Ngoài ra, có một điều đơn giản nhưng không phải thai phụ nào cũng biết và cũng chú ý là 3 tháng cuối thai kì, bạn cần chú trọng đến lượng nước cung cấp cho cơ thể, để đảm bảo đủ lượng nước ối cần thiết, làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, không bị táo bón.
Đó là chưa kể chính việc uống đủ nước lúc này còn ngăn chặn được những cơn co thắt tử cung dễ dẫn đến sinh non, vì khi mất nước, cơ thể sẽ sản sinh ra các hormone kích thích cơn co thắt. Bạn có thể uống khoảng 2,5 lít nước/ngày. Không cần uống một lần mà chia nhỏ ra thành từng chút, mỗi lần uống một ít.
Mẹ ăn đúng, bé khỏe từ lúc chào đời!
Như đã nói, chế độ dinh dưỡng của bạn trong 3 tháng cuối ảnh hưởng rất nhiều đến bé yêu, cả khi bé trong bụng mẹ đến lúc bé chào đời. Ngoài những yêu cầu chính như đã nhắc ở trên, bạn cần lưu ý hạn chế hấp thu những thức ăn nhiều mỡ, chỉ nên sử dụng mỡ cá và các loại dầu thực vật.
Không nên ăn thức ăn quá mặn như cá muối khô, dưa muối trong suốt thai kì, nhất là những tháng cuối cùng vì dễ dẫn đến huyết áp cao, gây nguy hiểm cho chính bạn và cho bé.
Có thể bạn sẽ gặp phải cảm giác chán ăn trong những tháng cuối cùng. Trong trường hợp đó, hãy tự động viên chính mình, chia nhỏ bữa ăn, mỗi bữa ăn một ít nhưng ăn nhiều bữa hơn, để đảm bảo cung cấp đủ lượng dưỡng chất cần thiết, đồng thời không tạo cảm giác đầy bụng, không gây áp lực lên thành bụng và dạ dày. Việc hấp thu dưỡng chất khi bữa ăn được chia nhỏ như thế cũng sẽ tốt hơn.
Nhắc bạn thêm một chi tiết nho nhỏ nữa là việc mẹ bị tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm những tháng cuối thai kì có thể gây nguy hiểm đặc biệt cho bé. Do đó, cần tăng cường các bữa ăn chế biến tại nhà, hạn chế thấp nhất việc ăn uống ở hàng quán bên ngoài trong những tháng này.
Khi chế biến thức ăn tại nhà cũng cần kỹ lưỡng chọn nguyên liệu tươi ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Không nên “tiếc” mà ăn những thức ăn để từ buổi trưa sang buổi tối hay từ buổi tối sang buổi sáng. Thức ăn nấu xong là ăn ngay. Ăn không hết vẫn nên bỏ chứ đừng để dành đến bữa sau ăn tiếp.
Các vi chất cơ thể mẹ rất cần trong 3 tháng cuối thai kì bao gồm chất sắt, canxi, magiê, kẽm, vitamin B, axit folic, vitamin A, C, E, D và beta-caroten. Bạn cần có thực đơn phong phú để đảm bảo cơ thể được cung cấp đầy đủ các vi chất này
Cũng đừng quên rằng trong 3 tháng cuối thai kì, thai nhi sẽ hoàn thiện việc phát triển xương. Vì vậy, nếu chế độ ăn của bạn không đủ canxi, lượng canxi từ cơ thể bạn sẽ chuyển sang cho em bé và điều này sẽ gây nguy cơ mắc bệnh loãng xương cho bạn trong những năm tiếp theo.
Mỗi ngày bạn cần bổ sung khoảng 1.500 mg. Để đảm bảo đủ canxi, nên uống sữa trong 3 tháng cuối thai kì. Trong trường hợp cơ thể bạn khó khăn với việc hấp thụ sữa, hễ uống vào là có dấu hiệu đi ngoài, khó chịu thì có thể thay sữa bằng sữa chua cũng rất tốt.
Cuối cùng, hãy nhớ đến chất sắt. Vì nếu cơ thể không đủ sắt, lại mất máu trong quá trình sinh nở, bạn có thể phải đối diện với những nguy cơ về sản khoa, cơ thể tiều tụy, không đủ sức để chăm sóc bé sau đó. Khi bị thiếu máu do thiếu sắt, bạn cũng gặp nhiều khó khăn khi sinh nở, khiến nguy cơ sinh non cũng tăng lên. Nhu cầu về sắt cho cơ thể khi mang thai tăng gấp đôi so với người bình thường, tương đương khoảng 30mg mỗi ngày. Bạn cần ăn nhiều các loại đậu đỗ, rau xanh, phủ tạng để bổ sung đủ sắt cho mình.
Tuyệt đối tránh!
– Tránh ăn kiêng trong 3 tháng cuối thai kì, bất kể vì lý do gì, trừ khi bạn đã tăng cân quá nhiều trước đó và được bác sĩ yêu cầu điều chỉnh chế độ dinh dưỡng. Tam cá nguyệt thứ ba là giai đoạn đặc biệt quan trọng, cần cung cấp đủ năng lượng cho cả mẹ lẫn con.
– Tránh thức ăn quá cay, quá mặn gây kích thích.
– Tránh các loại nước ngọt có ga, thức uống giải khát đóng chai vì hàm lượng đường trong các loại nước này thường rất cao.
– Tránh uống nước đá vì dễ gây co thắt huyết mạch.