Mẹ&Con - Thuyền cập bến ngay khúc đường Trần Xuân Soạn, Quận 7. Thiệt lạ, giữa đất Sài Gòn phồn hoa đô hội, nhất là lại ngay Quận 7, cái khu đất mắc hơn vàng này lại vẫn còn tồn tại một “bến thuyền”. Những chiếc ghe, chiếc thuyền chở chuối, chở trái cây không hẹn mà rủ nhau về, cập lại ở đây, tạo nên một khu lạ mắt, vui vui, trên bến dưới thuyền bán mua rổn rảng. Sau 7 tháng bé vẫn khóc dạ đề? Vợ la khóc khi đốt sùi mào gà, chồng che mặt xấu hổ Trẻ khóc dạ đề

Andre dừng chiếc xe “bụi đời” ngay quán cà phê cóc. Chủ quán nước quen, xởi lởi ra dấu cứ yên tâm, để đó sẽ có người coi kỹ càng cho. Người đàn ông gốc Pháp tuổi xấp xỉ 40, mất cả gia đình vì một tai nạn không ngờ. Trái tim đông cứng lại với nỗi đau quá lớn, ông bán hết nhà cửa, rời Pháp, sang Việt Nam sống một mình đã tròm trèm 7 năm. Những sáng thứ Bảy, Chủ nhật, không có chuyện gì làm, Andre vác máy ảnh, một mình một “ngựa” lùng sục khắp các ngõ ngách Sài Gòn, tìm những góc lạ lạ, độc chiêu khiến không ít tay chơi hình Sài Gòn “chính tông” cũng phải ngỡ ngàng kinh ngạc.

Andre ghé khúc sông này vào một buổi sáng tinh mơ, khi từ khu Phú Mỹ Hưng rẽ sang, rồi cứ chạy mãi, chạy mãi vô định “coi thử nó đi đâu”. Những chiếc thuyền cập san sát nhau buổi sớm mai, dưới một khúc đường trồng toàn những cây muồng bò cạp đến kỳ nở hoa vàng rực rỡ khiến người đàn ông gốc Pháp bất ngờ. Ông dừng xe, đưa máy bấm lia lịa, đầy thích thú khi khám phá ra cả một “thế giới” mà ông chưa từng biết tới. Rồi cũng từ hôm đó, tuần nào, hai buổi sáng cuối tuần ông cũng lượn ra đây. Lượn riết rồi quen. Ông chủ quán cà phê cóc hồ hởi ngó chừng giùm xe, biết đến cuối buổi, khi chụp ảnh chán chê xong, quay lại, bao giờ “ông Tây” dễ thương kia cũng tự động “bo” cho hai chục ngàn là ít.

Khúc sông sáng nay phập phều những nhánh lục bình. Ở mé cuối, cạnh hai chiếc ca nô của đội tuần tra đang được cột dây, thuyền của Hiền dập dềnh theo con nước. Sợi lòi tói buộc con thuyền với cọc gỗ sát bờ chỉ giữ cho thuyền đừng trôi, chứ không giữ được cho nó đứng yên. Cứ mỗi lúc phía ngoài có chiếc xà lan nào ngang qua, là những con sóng lại khiến chiếc thuyền dềnh lên dềnh xuống, cũng như lòng Hiền vậy.

ben-thuyen-voi-nguoi-dan-ong-xa-xu-noi-dat-khach-que-nguoi

Đời Hiền, bao lâu rồi gắn với chiếc thuyền này. Thuyền là nhà. Nhà là thuyền. Thấy vậy mà cũng có hẳn hai “tầng”. Tầng “lầu” phía trên là mui, xếp những buồng chuối to, lại có cả một tấm nệm cũ mèm, người ta vứt, rồi chồng Hiền vác xuống đây. Những đêm gió mát hồi xưa, Hiền nhớ chồng cũng hay leo lên nằm khểnh ở trển, gọi vọng xuống biểu vợ là “nhà” mình cũng có “giường nệm” như ai. Tấm nệm giờ đã tả tơi lắm rồi. Chồng Hiền cũng đã biền biệt bốn năm, bỏ lại chiếc ghe nhỏ, bỏ lại Hiền và đứa con thơ dại. Vậy mà chẳng hiểu sao, Hiền vẫn không nhờ ai khiêng giùm lên bờ vứt tấm nệm đi. Hình như, thấp thoáng trong lòng, Hiền vẫn đợi có ngày chồng về, vẫn sợ anh rầy rà, càm ràm là sao tự ý mà bỏ mấy thứ của anh, bộ mong anh đi luôn thiệt hả.

Thuyền không có đàn ông, nên ở “tầng” dưới, ngay chỗ “sàn nước” mé sau cùng, sợi dây phơi đồ chỉ toàn mấy bộ đồ bộ cũ xơ, với lại mấy thứ áo quần con nít. Một thùng nhựa to to đựng nước sạch, thêm bốn năm can nước nhỏ. Hiền tiết kiệm dữ lắm. Nước sạch mua chỉ để dành rảy cho những buồng chuối được tươi, để nấu ăn và tắm giặt. Ngay cả tắm cho con, nước tắm xong còn hứng lại để dành rửa tay rửa chân, giặt giẻ lau sàn. Thuyền “hàng xóm” cập ngay sát bên cạnh thì sạch sẽ, bảnh tỏn hơn, có cả xe máy, với mấy cái tủ con con. Mỗi lần đưa cái xe máy từ dưới thuyền lên được trên bờ là hai vợ chồng nhà đó hì hục kê ván, rồi chồng đẩy đằng sau, vợ rị đằng trước. Đôi lúc còn phải hô hào nhờ vài người đàn ông tốt bụng trên bờ nhào xuống tấm ván kéo phụ.

Mấy lúc nhìn thấy cảnh ấy, Hiền hay tủi. Bên thuyền của Hiền, thứ tài sản duy nhất của cô có lẽ chỉ là thằng con năm tuổi, với vài ba rương quần áo. Gần hết diện tích, những chỗ sạch sẽ nhất, rộng rãi nhất đều đã dành cho… chuối. Bán hết thì lại quay thuyền đi lấy tiếp. Chỉ duy nhất một góc tí xíu ở trên mui, Hiền mới dám “phung phí”, để ở đó năm sáu chậu kiểng nhỏ xíu xiu, mấy cây sống đời, sen đá, và cả một chậu mai bé tí, xác xơ, từ hôm sau Tết người ta vứt đi, Hiền thấy được lúc vác chuối xuống thuyền, rồi mang về chăm bẵm.

Cũng vì mấy chậu kiểng mà ngay lần đầu đi dọc dọc trên bờ, ngắm máy ảnh xuống mấy chiếc thuyền đậu san sát nhau, Andre đã chú ý ngay đến chiếc thuyền “lạ lùng” này. Góc ảnh sống động, vui vui. Ừ, vốn dĩ cuộc sống gói gọn trên những chiếc thuyền nghèo đã là thú vị với ông, nhưng trên một chiếc thuyền nghèo lại có hẳn một “góc vườn” bé xíu, xinh xinh càng khiến ông chú ý. Người phụ nữ trạc ngoài ba mươi, thấp thoáng nét duyên, đôi mắt hiền hậu, cái vẻ bẽn lẽn nhìn tội tội, buồn buồn. Một người phụ nữ như thế, trên chiếc thuyền hoang hoác, vẫn dành một góc cho mấy cây xanh, búng búng từng ít nước sạch trong cái gáo để tưới cây, tấm ảnh đầu tiên đó của Andre đã khiến không ít bạn bè trong nhóm chơi ảnh của ông phải ồ lên trầm trồ, khen mãi.

Cũng từ sau cái bữa đầu tiên ấy, hàng chục cuối tuần liền kế đó, không thứ Bảy, Chủ nhật nào Andre không lảng vảng ở đây. Người của “xóm ghe nổi” thì hiền, thấy cái ông Tây to con, ăn bận lịch sự, cầm máy ảnh chụp cảnh này cảnh kia thì cũng vẫy vẫy tay, có khi còn “hế-lô” chào làm quen thân thiện. Chỉ có Hiền là lúng túng ra mặt mỗi khi thấy “ông Tây” xuất hiện. Ngay từ lần đầu, khi phát hiện ông Tây đứng trên bờ cứ chĩa máy ảnh xuống thuyền của mình, Hiền đã đỏ mặt quay đi, luống cuống không biết né vào đâu. Thì đó, thuyền cũng như nhà. Mà cái nhà này lại chẳng cửa nẻo gì hết, trống trợt từ trước ra sau, từ mui xuống dưới. Hiền xấu hổ cảm giác như bao nhiêu cái nghèo của mình đều bị phơi ra cả, và cái ông Tây tò mò kia chẳng hiểu thấy gì hay mà cứ lom lom bấm máy lia lịa từng góc trong “căn nhà” dập dềnh trơ trụi của cô.

ben-thuyen-voi-nguoi-dan-ong-xa-xu-noi-dat-khach-que-nguoi

Thành thử, suốt nhiều tuần sau, dù Andre mon men lại gần, cố ra dấu, Hiền vẫn lảng thiệt nhanh. Chị Năm ở ghe hay đậu kế bên thấy tội tội ông Tây, xí xớn chạy từ dưới ghe lên bờ, huơ tay múa chân chỉ trỏ vô Hiền, nói thiệt chậm, thiệt to bằng tiếng Việt: “Hiền hả? Có chồng rồi! Mà chồng bỏ đi rồi!”. Andre nhờ chị Năm chuyển cho Hiền mấy tấm hình ông chụp cô, được rửa ra. Tấm thì Hiền đang tưới cây. Tấm thì Hiền đang loay hoay sắp lại mấy buồng chuối trên mui. Tấm thì Hiền đang thừ người, nhìn xa xăm.

“Trời đất”. Lúc cầm mấy tấm hình chị Năm đưa cho, Hiền chỉ biết đỏ bừng mặt, kêu trời. “Sao tự nhiên ổng chụp chi em hông biết”. Chị Năm cười cười: “Tao có biết đâu. Mà tao ngó cái kiểu của ổng, coi bộ ổng thích mày nghen. Tuần nào thứ Bảy, Chủ nhật cũng ghé qua đây, mà cứ lảng vảng canh canh ngay chỗ thuyền mày. Hết nhờ tao chuyển mấy tấm hình đến nhờ gửi mấy bộ đồ, mấy món đồ chơi cho thằng nhóc. Không không có ai người ta mất công dữ vậy hông?”.

Nghe tới đó thôi là Hiền giãy như đỉa phải vôi: “Thôi chị về đi, đừng nói tầm xàm”. Mà chừng chị Năm về rồi, sao Hiền vẫn không thôi nghĩ ngợi. Kiếp lấy ghe làm nhà của Hiền, đến cả một anh chồng dân đạp ba gác mướn mà cũng ngán ngẩm, bỏ biệt tích lên bờ “làm lại cuộc đời”, thì nghe cái câu ai đó “coi bộ thích” mình sao mà giống như cổ tích.

Cổ tích thì mơ làm gì. Biết vậy, biết có gì để mơ đâu, mà sao những giấc ngủ đêm đêm, khi dỗ con xong rồi, còn một mình ngồi ở trên mui, ngắm những dãy nhà sang trọng cao cao, Hiền vẫn cứ thấp thoáng thấy nhớ nhớ ánh mắt rất lạ, vẫn cứ ngượng nghịu mỗi khi lật đằng sau tấm hình, thấy dòng chữ viết bằng tiếng Việt vụng về như kiểu trẻ con tập viết: “Em có đôi mắt rất đẹp, rất giống vợ quá cố của tôi”.

Sáng nay cũng vậy. Hiền thở dài, nhìn theo bóng Andre trên bờ, đang bước lại phía thuyền mình. Đã là cuối tuần thứ mấy mươi, “ông Tây” kiên trì ghé lại đây rồi. Vẫn là một người vác máy ảnh lóng ngóng đứng trên bờ. Và vẫn là một chiếc thuyền dưới kia, với đứa nhỏ đang hớn hở vẫy vẫy tay, với người phụ nữ hay ngoảnh mặt đi. Người đàn ông xa xứ không biết rằng ở khúc sông nhỏ này, sông nước không đủ mênh mang như ở một vùng xa, nơi Hiền vẫn thường một mình cất giọng hò ơ mà chẳng sợ ai nấy nhìn theo.

“Hò ơ… Liệu bề thương đặng thì thương…

Đừng trao gánh nặng… Hò ơ… Đừng trao gánh nặng giữa đường cho ai…”.

Tags:

Bài viết liên quan