Bao nhiêu đức lang quân sẽ giật mình chưng hửng nếu như biết câu trả lời của hầu hết phụ nữ vẫn là: Muốn được chồng bày tỏ tình cảm, được chồng quan tâm, chăm sóc bằng những cử chỉ và lời nói chân tình?
Chồng ơi, vợ đâu chỉ muốn có… tiền!!!
Bốn năm sau ngày cưới, cuộc sống của vợ chồng Tuyến – Hoa xem chừng rất ổn. Cả hai đều chăm chỉ, chịu thương chịu khó. Mỗi lần nghe hàng xóm khen chồng, Hoa cũng gật gù đồng tình. Cô biết anh nhiều ưu điểm: Không bài bạc, rượu chè, lúc nào cuối tháng lãnh lương mới dám “lai rai” vài ly bia với bạn. Anh lại thương vợ thương con, cực khổ bao nhiêu cũng ráng “cày”. Thế nhưng, là người trong cuộc mới hiểu “chăn có rận”. Có một chuyện chỉ Hoa mới hiểu và mới… thấm: Tuyên rất cộc cằn, nóng nảy, khô khan. Thương vợ thì thương đó, nhưng chưa bao giờ anh nói được với vợ một câu ngọt ngào. Bao nhiêu ngày lễ tết, Hoa ước ao nhận được dù chỉ một nụ hôn, một vòng tay, một câu chúc mừng dịu dàng của chồng (chứ đừng chi đến chuyện mua hoa, tặng quà!), nhưng đều… chỉ là “mong ước”!
Cũng có lúc, Hoa đem chuyện này than với mẹ ruột của mình, song bà đều gạt ngang: “Củi khô dễ nấu, chồng cộc chồng xấu dễ… xài! Đàn ông cộc cằn khô khan như nó mới đỡ lăng nhăng, đỡ đào hoa bay bướm. Chứ mấy cái thằng miệng dẻo như kẹo kéo, nói ngọt như đường phèn ra đường hở tí tán tỉnh, hở tí à ơi. Mất chồng như chơi con ạ!”. Nghe thì cũng bùi tai đó. Song Hoa vẫn không khỏi có lúc ngậm ngùi. Ấy là khi cô phải tấm tức khóc thầm khi Tuyên gắt gỏng đập bàn đập ghế chỉ vì một cái lỗi cỏn con của vợ. Ấy là lúc cô gặp lại mấy đứa bạn học, nghe vợ chồng bạn nói chuyện với nhau thật âu yếm. Cô chia sẻ: “Thật ra, phụ nữ có làm lụng cực khổ cả ngày, về nhà chỉ cần được chồng vén cho sợi tóc, hôn cho một cái hay hỏi một câu: Mệt lắm hả bà xã, là đủ thấy hạnh phúc lắm rồi. Tôi biết chồng mình không xấu. Nhưng sao cái sự khô khan cộc cằn kéo dài hoài, nó khiến tình yêu như cũng nguội lạnh đi. Tôi sống như cái máy, với những trách nhiệm đều đặn với chồng chứ không có được thứ cảm xúc sâu thẳm ngọt lành. Nhiều khi thấy thật tủi thân khi đến ngày lễ của phụ nữ, nhìn quanh ai cũng tíu tít được tặng hoa tặng quà, mà mình thì thui thủi, đến cả một lời chúc đơn sơ cũng không có được!”.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Quỳnh Dao (Trung tâm Tư vấn Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình) cho biết: “Rất nhiều nam giới lầm tưởng, nghĩ rằng phụ nữ chỉ muốn có… tiền. Hễ đưa tiền về đủ cho vợ coi như tròn trách nhiệm rồi. Có anh, ngày sinh nhật vợ đưa cho vợ mấy trăm ngàn rồi xua tay: Muốn mua gì đó thì mua!!! Thật ra, phụ nữ bây giờ độc lập hơn ngày xưa. Họ tháo vát hơn, kiếm tiền cũng giỏi hơn. Rất nhiều thứ đàn ông làm được thì phụ nữ đều làm được. Cái người phụ nữ thật sự thèm muốn, ước ao, mong chờ ở mái ấm gia đình chỉ rất giản đơn: Đó chính là sự quan tâm, là những lời động viên, là những cử chỉ yêu thương trìu mến từ người bạn đời của mình. Chỉ cần có thế thôi, họ sẽ đủ động lực và niềm tin để làm mọi việc khác trong đời!”.
Bày tỏ tình cảm cũng là một kỹ năng!
Đọc đến đây, chắc hẳn nhiều đức lang quân nhíu mày phán ngay một câu: “Nhiều chuyện! Phức tạp quá đi!”. Nam giới cho rằng tình yêu cần được thể hiện cụ thể, như việc anh ấy gánh vác việc nặng nhọc trong nhà, như chuyện kiếm tiền về nuôi vợ con, như chuyện không lăng nhăng bài bạc, rượu chè. Một chút bản tính “gia trưởng” còn sót lại ở người đàn ông Á Đông khiến họ cảm thấy chuyện bày tỏ tình cảm bằng lời, chuyện tặng hoa tặng quà, chuyện thốt lên những lời âu yếm hay những cử chỉ như nắm tay vợ lúc đi dạo ngoài đường chỉ là… chuyện “vớ vẩn” chẳng đáng quan tâm.
Nhiều anh, ảnh hưởng từ nếp nhà của gia đình mình, chưa từng bao giờ thấy bố nói với mẹ một lời trìu mến kiểu như: “Thương vợ quá!”, “Bà xã nấu món gì ngon quá ta!”… nên trở nên ngượng ngùng khi nghĩ đến chuyện phải bày tỏ điều này với vợ (dù có khi trong lòng cũng muốn làm thế lắm!). Song, rất nhiều nghiên cứu trên thế giới cho biết, thực tế đấy lại là một kỹ năng sống quan trọng cần phải tập. Bởi lẽ, bạn không thể nuôi dưỡng một tình yêu “vô hình”, nếu như không biết cách bày tỏ tình yêu ấy ra, và không thể khiến người bạn đời của mình cảm nhận được tình yêu ấy.
Luật sư Phạm Minh Dũng chia sẻ chân thành: “Tôi đã từng phải ngậm ngùi chứng kiến cảnh không ít gia đình tan đàn xẻ nghé. Mà hỏi tới, không ít trong số ấy chỉ bắt nguồn từ một nguyên nhân đơn giản: thiếu đi sự quan tâm, bày tỏ tình cảm trong mái ấm gia đình. Có một ví von rất hay thế này, cuộc sống vợ chồng như một cái cây, và những lời nói ngọt ngào, những săn sóc yêu thương giống như nước tưới. Cây thiếu nước lâu ngày sẽ trở nên khô khốc. Cuộc sống thiếu đi những cảm xúc tươi mới, sẽ dần trở thành khô khan, đáng chán, đều đặn ngày qua ngày gắn bó với nhau bằng trách nhiệm. Rồi thì có lúc, chỉ cần một tác động nhỏ bên ngoài, họ cũng xao động, cũng mềm lòng…”.
Đàn ông bảo rằng trời đất ơi, nói nghe dễ thế thôi chứ bày tỏ thì… khó lắm! Nhưng… Thật sự thì khó lắm không một tin nhắn quan tâm: “Em ăn cơm chưa?”, “Trời nắng quá, em ra ngoài đường cẩn thận để trúng nắng bệnh đấy!” thay vì im ru vì cho rằng đó là chuyện… đương nhiên vợ phải biết, chẳng cần nói ra làm gì? Khó lắm không một lời khen: “Chà, bữa nay vợ nấu ăn ngon quá ta!” (để khiến vợ mát lòng mát dạ, cảm thấy vui và lần sau cố gắng thử nhiều món mới hơn) thay vì lẳng lặng ăn, trong lòng tự biết ngon, ăn xong buông chén đũa ra sofa nằm… đọc báo? Khó lắm không một bông hoa (một thôi cũng được!) đặt lên bàn trang điểm của vợ ngày sinh nhật, kèm theo tờ giấy viết vài dòng: “Chúc mừng sinh nhật bà xã!” thay vì cho rằng đó chỉ là chuyện của mấy đứa… trẻ con mới lớn, và quanh quẩn bao nhiêu năm ròng rã chung sống với nhau không bao giờ thấy được nụ cười hay niềm vui của vợ?
Đừng quên, việc bạn đem lại cho gia đình một cuộc sống đủ đầy về vật chất cũng không thay thế được món quà tặng quý báu nhất, đó là những săn sóc yêu thương, những cử chỉ bày tỏ dịu dàng. Bởi nói như luật sư Phạm Minh Dũng: “Tôi chưa gặp trường hợp nào vợ chồng ly hôn chỉ vì nghèo, khi mà họ vẫn biết yêu thương nhau, quan tâm đến nhau, săn sóc nhau từng chút. Trong khi đó, tỷ lệ vợ chồng ly hôn dù chăn ấm nệm êm, vì cảm thấy cuộc sống của mình sao quá khô cằn, người bạn đời của mình quá lạnh lùng thì thật sự là… nhiều lắm!”.